Quản lý biển, hải đảo: Thiếu công cụ - khó thực thi
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 09/11/2016
“Buông lỏng” một vùng kinh tế năng động
Vùng biển và hải đảo Việt Nam có diện tích rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, có tài nguyên thiên nhiên quý giá, tiềm năng dầu mỏ, khí đốt và nguồn sa khoáng biển, là một trong những địa điểm nhộn nhịp nhất trên thế giới với các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông, khai thác khoáng sản, phát triển du lịch. Đường bờ biển Việt Nam với chiều dài hơn 3.620 km không kể các đảo, ngoài vùng nội thủy, Việt Nam tuyên bố 12 hải lý lãnh hải, 12 hải lý vùng tiếp giáp lãnh hải, 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và khu vực thềm lục địa. Theo tính toán thì vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam có diện tích khoảng trên 1.000.000 km2. Với 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương sở hữu khu vực biển. Chính vì vậy, giám sát, quản lý chặt chẽ, hiệu quả các khu vực biển của từng địa phương và Trung ương luôn là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho công tác quản lý của các cơ quan tổ chức có liên quan.
Song hiện nay, việc phân giao khu vực biển theo chỉ đạo của Chính phủ vẫn được tiến hành trên hải đồ giấy. Ngoại trừ các hoạt động phân lô, đấu thầu và bàn giao các khu vực biển ngoài khơi phục vụ riêng cho các hoạt động thăm dò khai thác đầu khí, còn lại gần như công tác này chưa có công cụ kỹ thuật để tiến hành giao một cách đồng bộ và chặt chẽ ngay trên thực địa.
Trong khi đó, thực tế cho thấy, việc quản lý các hoạt động sử dụng biển đòi hỏi có các công cụ kỹ thuật phức tạp và khó triển khai hơn so với đất liền trong bối cảnh các ranh giới hành chính (hải giới) trên biển chưa được phân định và quy định cụ thể. Việc xác định khu vực biển để lập hồ sơ giao, gia hạn thời gian sử dụng, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, trả lại khu vực biển, thu hồi khu vực biển đã được giao trên nền hải đồ là một quy định mới và nhiều địa phương chưa có kinh nghiệm, năng lực để thực hiện. Để khai thác, sử dụng được hải đồ điện tử do Hải quân Nhân dân Việt Nam xây dựng và cung cấp phục vụ cho công tác quản lý khu vực biển, cần có hệ thống phần mềm chuyên dụng cho phép giải mã, đọc, cập nhật và hiển thị trên hải đồ điện tử cũng như những thiết bị như vậy địa phương hoàn toàn chưa được đầu tư cung cấp.
Việc quản lý các hoạt động sử dụng biển đòi hỏi có các công cụ kỹ thuật phức tạp. Ảnh: MH |
Công cụ thô sơ, khó quản lý
Theo báo cáo của Tổng cuc Biển và Hải đảo Việt Nam, hiện tại hệ thống công cụ, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý và theo dõi công tác giao khu vực biển của Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo hoàn toàn chưa có. CSDL liên quan chưa hình thành, CSDL hải đồ chưa xây dựng, trang thiết bị máy tính và hạ tầng công nghệ thông tin không đủ đáp ứng công tác. Hiện nay, Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo chỉ có duy nhất một hệ thống máy đo sâu hồi âm loại đơn tia kèm theo 1 máy định vị vệ tinh GPS cầm tay Garmin không kết nối được với máy đo sâu hồi âm, cả hai thiết bị này đều là các thiết bị không chuyên, không có các phần mềm chuyên dụng thực hiện nhiệm vụ, không thể tạo thành hệ thống triển khai trên thực địa.
Ở các địa phương hiện trạng cũng tương tự như Trung ương, hầu hết các tỉnh, thành phố chưa có được hệ thống kỹ thuật phục vụ công tác quản lý và theo dõi công tác giao khu vực biển đáp ứng được ở mức tối thiểu hỗ trợ cho công tác bàn giao cũng như quản lý.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tiến hành bàn giao hải đồ giấy (tỷ lệ 1:100.000) cho 28 địa phương ven biển nhằm phục vụ công tác quản lý, giao khu vực biển.
Tuy vậy, từ thực tế cho thấy, việc xác định khu vực biển trên nền hải đồ giấy gặp rất nhiều khó khăn do tỷ lệ hải đồ giấy nhỏ, việc kiểm tra tọa độ các điểm góc cũng như xác định hình dạng, vị trí của khu vực biển cho kết quả có độ chính xác không cao khi các khu vực biển cần giao có diện tích nhỏ, chỉ từ vài hecta đến vài chục hecta (do vị trí khu vực biển khi kiểm tra trên hải đồ giấy chỉ là các điểm với khoảng cách vài milimet).
Vì vậy, để xác định chính xác vị trí, tọa độ khu vực biển, cũng như phục vụ công tác quản lý có hiệu quả, cần thiết phải có hải đồ điện tử do Hải quân nhân dân Việt Nam cung cấp để sử dụng, đồng nghĩa với việc phải có phần mềm hiển thị hải đồ điện tử có bản quyền (như phần mềm ArcGIS...). Mà công cụ quan trọng này mới chỉ có 2/28 Chi cục Biển và Hải đảo được trang bị phần mềm ArcGIS và phần mềm dẫn đường ECDIS có bản quyền (thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi).
Để đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác quản lý giao, quản lý khu vực biển theo Nghị định 51 và đảm bảo sự kết nối giữa Trung ương và địa phương, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ nhằm xây dựng hệ thống kỹ thuật để quản lý việc giao khu vực biển; đề nghị Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cùng phối hợp, triển khai thực hiện. Tuy vậy, cùng với việc phía Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Xây dựng hệ thống kỹ thuật hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển” địa phương cũng cần phối kết hợp với việc thực hiện Dự án: “Xây dựng hệ thống kỹ thuật hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển” phân quyền cho các địa phương sử dụng và trao đổi thông tin hai chiều với Trung ương thông qua những phương thức kết nối truyền tin phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển.
Đồng thời, chọn 1 tỉnh làm thí điểm để vận hành và kết nối hệ thống kỹ thuật hỗ trợ giao khu vực biển giữa Trung ương và địa phương để xây dựng cơ chế quản lý, quy trình giao khu vực biển.
Kim Liên