Nông nghiệp sạch - hướng đi bền vững

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 20/10/2016

(TN&MT) - Đã đến lúc nông dân Việt Nam phải thay đổi tư duy sản xuất, sẵn sàng đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu và quá trình hội nhập...
(TN&MT) - Đã đến lúc nông dân Việt Nam phải thay đổi tư duy sản xuất, sẵn sàng đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu và quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Và hành lang cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
 
Nông nghiệp sạch đang rất cần Nhà nước tạo điều kiện. Ảnh: Hoàng Minh
Nông nghiệp sạch đang rất cần Nhà nước tạo điều kiện. Ảnh: Hoàng Minh
 
Lấy lại niềm tin của người tiêu dùng
 
Tại Diễn đàn Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 với chủ đề “Nông dân toàn cầu - từ tư duy đến hành động”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thẳng thắn nhìn nhận: Sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang gặp phải những điểm nghẽn chưa giải quyết được trên diện rộng. Đó là chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động nhìn chung còn thấp và không đều; vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ mới và thông tin thị trường vào sản xuất nông nghiệp vẫn là khâu yếu… Đặc biệt, chất lượng nguồn thực phẩm hàng hóa vẫn chưa đáp ứng thị trường, ngay cả với người tiêu dùng trong nước khiến nông sản Việt lép vế ngay trên sân nhà.
 
Theo GS.TS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT (Úc): Thực tế đã cho thấy, để hàng nông sản đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, Việt Nam phải xây dựng và làm theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây chính là xu thế tất yếu của thị trường quốc tế. 
 
Mặc dù Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2008, nhưng đến nay mới có gần 15.000ha ứng dụng VietGAP, quá ít so với tiềm năng và nhu cầu thị trường. Yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn GAP không phải của Chính phủ, của các Bộ ngành mà là yêu cầu của thị trường đối với sản xuất nông nghiệp, với nông dân. Nếu muốn hàng hóa nông nghiệp Việt Nam”phủ sóng” rộng rãi trên toàn thế giới, người nông dân không thể tìm cách tránh né mà phải thực hiện tốt các yêu cầu đó, và các tiêu chuẩn quốc tế cần được sử dụng phổ biến hơn. 
 
Đứng từ góc độ người nông dân, ông Nguyễn Văn Thế - Nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Hưng Yên cho rằng: Những người làm nông nghiệp sạch đang rất cần Nhà nước tạo điều kiện, thủ tục linh hoạt trong việc cấp giấy chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Điều này sẽ giúp tăng giá trị đối với những nông sản chất lượng, đồng thời, tránh vấn nạn hàng nhái. Đơn cử hiện nay có rất nhiều nơi lấy “mác” nhãn lồng Hưng Yên, nhưng thực chất là nhãn được trồng từ nơi khác. Người tiêu dùng  không thể phân biệt được đâu là nhãn lồng Hưng Yên “xịn”, đâu là “nhái” mà cứ thấy rẻ là mua. Như thế rất thiệt thòi cho những nông dân sản xuất chân chính. 
Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế chính sách hỗ trợ hơn nữa cho các tổ hợp tác về vốn, khoa học kĩ thuật và đặc biệt hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp. Ở Hưng Yên đã thành lập Tổ hợp tác trồng nhãn, để cùng hỗ trợ nhau trong nghề và quan trọng hơn cả là để có tư cách pháp nhân liên kết với các doanh nghiệp. Tuy vậy, nông dân còn khá lúng túng với các quy trình sản xuất đáp ứng theo tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đặt ra và chưa tạo được lòng tin để doanh nghiệp yên tâm ký kết hợp đồng lâu dài.
 
Ứng phó hiệu quả với BĐKH
 
Ông Matthias Halwartrt, Giám đốc Chương trình toàn cầu về Phát triển Nông nghiệp Bền vững của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) khẳng định: Quan điểm của FAO là không để ai tụt hậu, đặc biệt chú ý đến người nông dân sản xuất nhỏ, những người đang phải đối diện với nhiều thách thức từ BĐKH. Chính vì vậy, FAO sẽ hỗ trợ Việt Nam kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp nông thôn; an toàn thực phẩm. Làm việc với Chính phủ Việt Nam đề ra khung chiến lược ưu tiên trong phát triển nông nghiệp trong 5 năm tới; tham gia Quỹ khí hậu xanh và giúp nâng cao đời sống của người nông dân và trẻ em vùng nông thôn… Phát triển nông nghiệp gắn với ứng phó BĐKH cũng là định hướng chiến lược trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam. Các chuyên gia khẳng định, tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên lợi thế của địa phương để xây dựng những chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho nông dân và giúp họ thích ứng bền vững với BĐKH. 
 
Có thể nhận thấy, trong huy động nguồn lực để phát triển sản xuất trước đây vốn chỉ dựa vào tài nguyên, kinh tế nông thôn bắt đầu từ những hộ nông dân nhỏ thì nay đã thành những trang trại, hợp tác xã, nhóm liên kết sản xuất, doanh nghiệp. Theo đó, vai trò của nhà nước cũng thay đổi nhiều, từ tham gia trực tiếp chuyển sang kiến tạo, hỗ trợ. Người nông dân, các doanh nghiệp cũng được trao quyền tự chủ nhiều hơn.
 
Về chiến lược lâu dài, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nông nghiệp Việt Nam phải phát triển theo hướng tăng nhiều hơn về giá trị và giảm về chi phí đầu vào. Chính phủ nên kiến tạo vào 3 nhóm nội dung. Đầu tiên là xây dựng môi trường công bằng, thông thoáng cho các nhà cùng vào cuộc chơi kinh doanh nông nghiêp.
 
Bên cạnh đó, phải có cơ chế chính sách đất đai bảo hộ quyền sử dụng đất đai mạnh mẽ nhất cho nông dân, doanh nghiệp; xây dựng chính sách tín dụng để hỗ trợ nhiều hơn cho nhà khoa học nghiên cứu, cho nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất; chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, thông tin, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ…
 
Cuối cùng, Chính phủ phải thể hiện hiệu quả vai trò giám sát; mở rộng quan hệ quốc tế nhằm gỡ bỏ những rào cản xuất khẩu, đảm bảo các yếu tố hợp tác quốc tế trong khai thác các nguồn tài nguyên như nước…
 
Khánh Ly