Môi trường đất đang gánh nhiều nguồn ô nhiễm
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 18/10/2016
Phế thải từ các khu công nghiệp một trong những tác nhân gây ô nhiễm đất. Ảnh: Hoàng Minh |
Ô nhiễm từ phân bón hóa học tăng cao
Báo cáo môi trường Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 cho thấy, phân bón hóa học được sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp do ưu thế về chi phí và hiệu quả nhanh đối với cây trồng. Theo kết quả nghiên cứu, cây trồng hấp thụ trung bình khoảng 40 - 50% lượng phân bón (hấp thụ phân đạm khoảng 30 - 45%, phân lân 40 - 45%, phân kali 50 - 60%). Lượng phân bón còn lại được thải ra môi trường. Tại một số vùng chuyên canh nông nghiệp, mức độ sử dụng phân bón khá cao, vượt so với mức khuyến cáo nhiều lần, điều đó dẫn đến dư lượng phân bón tồn đọng trong đất khá lớn, làm ô nhiễm môi trường đất.
Phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp được sử dụng phổ biến ở tất cả các vùng nông thôn và có xu hướng tăng qua các năm. Cùng với đó là việc sử dụng phân bón tùy tiện hoặc không tuân thủ quy trình kỹ thuật vẫn chưa được quản lý, kiểm soát... Kết quả đánh giá chất lượng đất ở nhiều vùng canh tác trong cả nước cho thấy, hệ quả của việc sử dụng phân bón không hợp lý là đất bị chua hóa. Kết cấu đất suy giảm, có sự tích đọng hàm lượng các chất Nitrat, Amoni và một số kim loại nặng.
Tại một số vùng chuyên canh nông nghiệp ở cả khu vực phía Bắc và phía Nam qua quan trắc nhiều năm có phản ứng chua đến trung tính, giá trị PhKCI dao động trong khoảng 4,56 - 6,62. Ô nhiễm đất bởi phân bón hóa học trong những năm gần đây có xu hướng tăng do việc gia tăng liều lượng, tần suất sử dụng. Đất ở nhiều vùng nông nghiệp có hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép đối với đất nông nghiệp.
Bên cạnh phân bón hóa học, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh dịch hại đối với cây trồng khiến dư lượng hóa chất BVTV ở một số vùng nông thôn đã có những dấu hiệu gia tăng.
Gia tăng nguồn thải
Một trong những tác nhân gây ô nhiễm đất thường do chất thải từ hoạt động công nghiệp, xây dựng và sinh hoạt. Môi trường đất chịu tác động do các chất ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp, xây dựng và sinh họat thể hiện rõ nhất ở các vùng ven các đô thị lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc các vùng tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp, khai khoáng như: Thái Nguyên, Đồng Nai,...
Trên toàn bộ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có 114 KCN đang hoạt động tập trung ở 4 địa phương: Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ có 79/114 KCN có hệ thống xử lý nước thải. Sự gia tăng nước thải từ các KCN các tỉnh phía Nam trong những năm gần đây là rất lớn. Theo thống kê mới nhất từ Sở TN&MT TP. HCM, mỗi ngày các KCN trên địa bàn TP thải ra 6.700 tấn chất thải rắn. Trong đó có 1.500 - 2.000 tấn chất thải rắn công nghiệp và nguy hại. Chính điều này đã và đang làm cho môi truờng đất ngày càng ô nhiễm.
Tại các khu vực chịu tác động của nước thải chất thải làng nghề đặc biệt làng nghề tái chế, chất lượng đất bị suy giảm. Các điều tra cho thấy các mẫu đất bị tác động bởi hoạt động tái chế sắt của làng nghề tái chế Châu Khê - Bắc Ninh có hàm lượng kim loại nặng trong vùng xấp xỉ hoặc vượt ngưỡng cho phé 1,2 - 1,4 lần so với QCVN 03:2008/BTNMT đối với đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, môi trường đất của Việt Nam còn bị tác động bởi các điểm ô nhiễm chất độc hóa học tồn lưu do hậu quả của chiến tranh để lại. Theo Danh mục điểm tồn lưu hóa chất BVTV gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, hiện nay, toàn quốc có 240 điểm tồn lưu hóa chất BVTV tại 15 tỉnh/thành.
Đất bị nhiễm các loại hợp chất có hàm lượng các chất độc cao, thời gian tồn lưu trong môi trường lâu, khó phân huỷ, khó xử lý hoặc cải tạo. Tại các điểm tồn lưu hóa chất BVTV thuộc loại ô nhiễm môi trường nghiêm trọng các chất tồn lưu chủ yếu gồm: Lindan vượt từ 37,4 đến 3.458 lần, ĐT vượt từ 1,3 đến 9.057,8 lần, Aldrin vượt 218,9 lần, DD vượt 98,4 lần... so với QCVN 15:2008.
Hiện các Bộ, ngành, địa phương đã thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua các Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), đã thu gom được hơn 500 tấn hóa chất BVTV và đất ô nhiễm nặng tại các khu vực: Núi Căng thuộc địa phận Phú Bình, Thái Nguyên; khu vực Thạch Lưu thuộc địa phận Thạch Hà, Hà Tĩnh ...
Chính từ những nguyên nhân này, theo ông Bùi Cách Tuyến – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, vấn đề ô nhiễm đất cần phải nhận được sự quan tâm thích đáng từ phía xã hội và người dân.
Nguyễn Cường