Đà Nẵng tìm giải pháp lâu dài cho nguồn nước

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 11/10/2016

(TN&MT) - Đứng trước khủng hoảng về nguồn nước, Đà Nẵng đang tìm giải pháp cho nguồn nước đô thị ở địa phương mình bằng những kinh nghiệm, sáng kiến thế giới.
(TN&MT) - Giống như nhiều thành phố khác ở Việt Nam và các nước đang phát triển, Đà Nẵng đang đối mặt với rất nhiều vấn đề về nguồn nước, bao gồm cả nước cấp, tiêu thoát nước mưa và xử lý nước thải. Đứng trước khủng hoảng về nguồn nước, Đà Nẵng đang tìm giải pháp cho nguồn nước đô thị ở địa phương mình bằng những kinh nghiệm, sáng kiến thế giới.
 
Nguy cơ khủng hoảng nguồn nước
 
Sông Vu Gia - nguồn nước cung cấp chủ yếu cho Đà Nẵng thường xuyên nhiễm mặn
Sông Vu Gia - nguồn nước cung cấp chủ yếu cho Đà Nẵng thường xuyên nhiễm mặn
 
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn nước trên đia bàn TP. Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng. 
 
Dân số TP. Đà Nẵng tăng từ 922.712 người năm 2010 lên 1028.000 người năm 2015 và dự báo sẽ đạt 2 triệu người năm 2030. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch tới thành phố cũng có mức tăng cao, khoảng 20 - 25%/năm. Cùng với nhu cầu cao về nước sạch, về hạ tầng, đô thị hóa, lượng nước thải đang tăng lên từng ngày.
 
Nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng nhưng nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm. Nguồn nước cung cấp chủ yếu cho Đà Nẵng ở sông Vu Gia, qua nhà máy nước Cầu Đỏ vài năm trở lại đây thường xuyên bị nhiễm mặn làm tăng chi phí khai thác nước thô và tăng nguy cơ thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của toàn thành phố. Lượng nước khai thác thực tế nhà máy đã sát mức công suất lớn nhất. Nếu không mở rộng hoặc xây dựng mới các công trình cấp nước, sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước sạch. 
 
Bên cạnh đó, hệ thống thu gom và xử lý nước thải chưa hoàn thiện, thiếu vốn đầu tư cải thiện hệ thống cấp nước, tiêu thoát nước mưa và xử lý nước thải. Mức độ bê tông hóa tăng cao làm gia tăng ngập úng cục bộ. Về nguyên nhân chủ quan, cơ chế định giá nước còn nhiều bất cập, người dân thiếu kiến thức và khả năng phối hợp giữa các bên còn kém...
 
Ở Việt Nam nói chung, khu vực sử dụng nhiều nước nhất là nông nghiệp, phí sử dụng được miễn theo chính sách miễn giảm thủy lợi quốc gia. Đối với nước cấp từ các nhà máy, chỉ có nước sinh hoạt dùng càng nhiều trả phí càng cao, các ngành còn lại dùng nước chỉ phải trả một mức phí cố định. Biểu phí này chưa khuyến khích tất cả các đối tượng dùng nước tiết kiệm nước. Việc sử dụng nước không tiết kiệm làm cho tổng nhu cầu nước cao hơn mức nhu cầu có hiệu quả, gây lãng phí nguồn nước xã hội khi phải cố gắng gia tăng nguồn cung cấp nước.
 
Nhiều hộ kinh doanh vỉa hè trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã cố tình bịt chặt miệng cống vào những ngày trời nắng, để làm giảm mùi hôi, nhưng lại không dỡ bỏ khi trời mưa gây tắc nghẽn dòng chảy. Một số hộ gia đình cũng như cơ sở sản xuất kinh doanh không đấu nối hệ thống nước thải của mình với hệ thống thu gom nước thải thành phố, gây ô nhiễm cục bộ.
 
Ý thức người dân cộng với việc quản trị nguồn nước nhiều thiếu sót càng làm nguy cơ ô nhiễm nước tăng cao. Nguồn nước mặt cấp cho TP. Đà Nẵng chủ yếu phát sinh từ địa phận tỉnh Quảng Nam nhưng hai địa phương chỉ mới xúc tiến hợp tác quản lý và bảo vệ nguồn nước trong thời gian gần đây. Công tác phối hợp bảo vệ rừng phòng hộ, giám sát việc vận hành các nhà máy thủy điện chưa chặt chẽ.
 
Cần giải pháp lâu dài
 
Để đảm bảo nguồn nước bền vững, Đà Nẵng cần một chiến lược lâu dài và cụ thể
Để đảm bảo nguồn nước bền vững, Đà Nẵng cần một chiến lược lâu dài và cụ thể
 
TP. Đà Nẵng đã triển khai một số biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn nước. Cụ thể, hiện Đà Nẵng đang tăng cường và tranh thủ sự hợp tác quốc tế, sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ để thu hút những dự án giúp quản lý và cải thiện nguồn nước. Đặc biệt là kêu gọi thực hiện việc trồng rừng để phát triển nguồn tài nguyên nước trên khu vực đầu nguồn, đảm bảo khả năng sinh thuỷ, giảm thiểu tác hại của BĐKH. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trên địa bàn thành phố. Kêu gọi, tuyên truyền cho người dân và các doanh nghiệp nhằm làm thay đổi cách nhìn nhận về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nước... Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp trước mắt. 
 
Về lâu dài, để đảm bảo an ninh nguồn nước, TP. Đà Nẵng cần kiểm kê, đánh giá cụ thể chất lượng, trữ lượng tài nguyên nước trên địa bàn thành phố. Quy hoạch nguồn nước trên địa bàn, lồng ghép khả năng cung cấp của nguồn nước vào quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở kiểm kê đánh giá tài nguyên nước và cân bằng kinh tế nguồn nước, xây dựng, ban hành chiến lược bền vững về nguồn tài nguyên nước. Bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất, cả lượng và chất, hình thành mạng lưới quan trắc điều tra tài nguyên nước thống nhất trên toàn địa bàn thành phố có kết nối với mạng lưới trên hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. 
 
Nhưng trước hết TP. Đà Nẵng cần tiến hành quy hoạch nguồn nước cho các nhà máy nước trên hệ thống sông trong thành phố như: Cu Đê, Túy Loan. Đây là những dòng sông còn sạch, ít ô nhiễm lại nằm hoàn toàn trong địa phận Đà Nẵng nên địa phương có thể dễ quản lý.
 
Để đảm bảo bền vững về nguồn cấp nước, cần phải có một chiến lược phát triển cấp nước lâu dài và kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của công ty cấp nước mà cần phải có sự định hướng của chính quyền và sự hỗ trợ của các ban ngành liên quan.
 
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước, những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng, phù hợp với tốc độ phát triển đô thị trên địa bàn. Cụ thể, cách đây gần 10 năm, TP. Đà Nẵng đã xây dựng hệ thống cấp nước với quy mô hiện đại, nhờ đó đã nâng tỷ lệ người dân được cấp nước sạch đã lên 90%, trong đó khu vực đô thị là 95%, khu vực nông thôn là 46%. Tỷ lệ đấu nối nước thải ở các khu công nghiệp đạt khá cao, khoảng 98%.
 
Bài và ảnh: Yến Nhi - Anh Dũng