Bình Định: Giao đất lâm nghiệp cho dân sản xuất
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 22/09/2016
Dân thiếu đất, phá rừng?
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 17 ha rừng quy hoạch chức năng sản xuất và rừng quy hoạch chức năng phòng hộ bị chặt phá (chủ yếu ở xã Canh Liên); trên 13 ha đất lâm nghiệp quy hoạch chắc năng sản xuất và phòng hộ bị lấn, chiếm trái phép.
Người dân xã vùng cao Canh Liên thiếu đất sản xuất, trong khi một số đơn vị lâm nghiệp thừa hàng ngàn héc ta đất không sử dụng. |
Ông Phạm Minh Sơn, Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Vân Canh, cho biết: Nguyên nhân của việc chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép là do người dân ở xã Canh Liên gặp nhiều khó khăn về đất sản xuất, nhất là việc sản xuất không ổn định của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, gỗ của người dân hiện nay rất lớn vì giá nguyên liệu gỗ keo ở mức cao.
Đề cập về vấn đề trên, ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã vùng cao Canh Liên, phân trần: “Toàn xã có gần 600 hộ dân, nhưng hầu hết dân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Đa phần diện tích đất bà con sử dụng để canh tác hiện tại là đất lấn chiếm. Mà đã là đất lấn chiếm, dân có sử dụng khó lòng mà yên tâm sản xuất vì đất sẽ bị thu hồi bất cứ lúc nào. Trong khi một số công ty lâm nghiệp được Nhà nước giao đất lại bỏ hoang hàng ngàn héc ta đất, lãng phí vô cùng”.
Ông Đinh Văn Leo, ở làng Cát, xã vùng cao Canh Liên, nói: “Đất bà con đang làm ở đây chủ yếu là lấn chiếm thôi. Dân hiểu làm thế là không đúng pháp luật rồi! Nhưng không làm vậy, bà con lấy gì mà ăn. Như gia đình tui có 5 nhân khẩu, mà có 1 sào ruộng, làm mấy cũng không đủ no cái bụng. Nên, gia đình lên núi phát ít cây, lấn chút đất để trồng mì, trồng bắp,…!”.
Sẽ giao đất cho dân sử dụng
Để giải quyết nghịch lý “dân thiếu đất canh tác, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ thừa đất, bỏ hoang”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan triển khai việc rà soát, lập thủ tục thu hồi đất chưa sử dụng để giao lại cho dân sử dụng, sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chủ trương này, đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đã đồng ý giao lại một số diện tích đất cho địa phương quản lý.
Hệ quả, dân chặt phá rừng để lấy đất canh tác. |
Theo ông Cái Minh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, đơn vị đang quản lý, sử dụng 18.778 ha rừng và đất rừng; trong đó, đất rừng tự nhiên 13.074,7 ha; đất rừng trồng 2.196,4 ha và diện tích đất chưa có rừng 3.471,3 ha. Trong số 3.471,3 ha đất công ty chưa sử dụng, đến nay có 1.588,2 ha đất đã bị dân đã xâm lấn.
“Diện tích đất do Công ty quản lý đã bị người dân lấn chiếm, chúng tôi sẽ trả lại cho UBND huyện Vân Canh để có hướng giao cho dân canh tác. Ngoài diện tích đất này, Công ty cũng lập thủ tục bàn giao thêm 600 ha đất khác tại tiểu khu 359a và 359b cho khoảng 58 hộ ở làng Kà Nâu, xã Canh Liên sản xuất. Đây là những nơi mà công ty nhận thấy quỹ đất nằm tập trung, không manh mún nên bà con dễ dàng canh tác. Theo kế hoạch, tháng 6.2017, chúng tôi sẽ hoàn tất hồ sơ, thủ tục để bàn giao lại số đất nói trên cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng”, ông Tùng cho biết thêm.
Đối với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, đến thời điểm hiện tại, đơn vị cũng đồng ý chủ trương giao lại cho địa phương 232,4 ha; bao gồm 84,6 ha đất chưa có rừng và 147,8 ha đất nương rẫy do nhân dân đang sử dụng để trồng keo. Ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, nói: “232,4 ha đất bàn giao này đều nằm tập trung ở 11 lô, thuộc khoảnh 2, tiểu khu 341 và khoảnh 1, khoảnh 3, tiểu khu 349 xã Canh Liên”. Để sử dụng đất đúng mục đích, phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng và thực hiện quy chế quản lý rừng; đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, đã hoàn thành phương án bàn giao đất lâm nghiệp cho UBND huyện Vân Canh quản lý, sử dụng theo quy định của Nhà nước.
Để rõ hơn về số hộ thiếu đất sản xuất, cũng như phương án giao đất cho bà con sử dụng sau khi các doanh nghiệp, lâm trường giao trả đất cho địa phương, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Kỳ, Trưởng phòng TN-MT huyện Vân Canh (phòng chuyên môn được UBND huyện Vân Canh giao nhiệm vụ thống kê, lập phương án sử dụng đất); tuy nhiên, ông Kỳ từ chối trả lời với thái độ bất hợp tác: “Tôi chỉ trả lời khi có giấy giới thiệu ủy quyền có chữ ký và con dấu đỏ của Chủ tịch UBND huyện Vân Canh ông Trần Kim Vũ (!?)”.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Sơn, Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Vân Canh, cho hay: “UBND huyện đã giao phòng TN-MT phối hợp với UBND xã Canh Liên và các ngành có liên quan tiến hành thống kê, báo cáo diện tích, hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp trên diện tích của các đơn vị đã thống nhất giao trả đất cho địa phương quản lý; đồng thời, lập phương án giao đất trình cấp có thẩm quyền để giao đất cho nhân dân sản xuất”.
Cũng về vấn đề giao đất cho dân, ngày 15.9, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng ký ban hành văn bản số 4048/UBND-TH giao Thanh tra tỉnh kiểm tra, làm rõ việc sử dụng diện tích đất rừng đã được UBND tỉnh thu hồi của Tổng Công ty PISICO Bình Định để giao cho UBND huyện Vân Canh giao lại cho nhân dân sản xuất. “Đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Vì vậy, chúng tôi sẽ triển khai sớm để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị ở địa phương”, ông Nguyễn Văn Thơm, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định nói.
Trước đó, ngày 24.8, tại cuộc họp bàn các biện pháp hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật, do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chủ trì, đại diện lãnh đạo các địa phương và ngành chức năng đã cho rằng, giao đất lâm nghiệp cho người dân quản lý, sử dụng là một trong những biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Nguyên Vũ – Trọng Lợi