Truy suất nguồn gốc khoáng sản để chống tiêu cực trong khai thác, xuất khẩu
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 14/09/2016
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có kiến nghị bổ sung quy định truy suất nguồn gốc khoáng sản để chống việc khai thác trái phép, xuất khẩu khoáng sản lậu vào dự thảo Nghị định về khai thác và kinh doanh khoáng sản đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi.
Theo lập luận của VCCI, truy suất nguồn gốc khoáng sản hay truy suất hồ sơ khoáng sản nhằm bảo đảm khoáng sản được đưa vào chế biến, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh phải có nguồn gốc hợp pháp để phân biệt với khoáng sản được khai thác trái phép (không có giấy phép hoặc vượt sản lượng nộp thuế) được xuất khẩu, vận chuyển, buôn bán hoặc đưa vào chế biến, sản xuất mà không được kiểm soát đầy đủ.
"Quy định này tương tự như quy định về hồ sơ gỗ hay chứng nhận nguồn gốc thủy sản để chống lại việc khai thác trái phép, kiểm soát tài nguyên và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ", VCCI nhấn mạnh và cho biết: "Việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, truy suất hồ sơ khoáng sản rất quan trọng để quản lý hoạt động khai thác tài nguyên và chống khai thác trái phép, xuất khẩu lậu ra nước ngoài".
Ảnh minh họa |
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, kinh nghiệm quản lý các loại tài nguyên của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, một trong các biện pháp hiệu quả nhất để chống lại việc khai thác trái phép là kiểm soát chặt về nguồn gốc tài nguyên trong các giai đoạn vận chuyển, buôn bán và sử dụng sau này về.
"Ví dụ như quản lý gỗ và sản phẩm nội thất từ gỗ phải có hồ sơ lâm sản thì mới được nhập khẩu, buôn bán tại Hoa Kỳ. Hay thủy sản phải được chứng nhận nguồn gốc thủy sản hợp pháp thì mới cho nhập khẩu vào Châu Âu. Các chính sách quản lý hai mặt hàng này, hiện Việt Nam cũng áp dụng các kinh nghiệm này để quản lý gỗ và sắp tới thủy sản được kinh doanh tại nội địa cũng vậy", ông Tuấn nói.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất quy định về lưu giữ, vận chuyển khoáng sản vào dự thảo sửa đổi lần này.
Theo đó, khoáng sản khi lưu giữ phải được phân tích, phân loại để quản lý; có đầy đủ hồ sơ theo dõi xuất, nhập, tồn, hợp đồng thuê kho, bãi, cơ sở kinh doanh theo quy định, trừ các kho, bãi chứa nằm trong quy hoạch của dự án.
Địa điểm lưu giữ khoáng sản tạm thời có thời gian sử dụng dưới 3 tháng, không sử dụng để lưu giữ khoáng sản độc hại. Địa điểm lưu giữ phải có biện pháp che chắn chống bụi, thu gom xử lý nước mặt tạm thời và có biện pháp phòng cháy (đối với khoáng sản có tính tự cháy).
VCCI đánh giá, nếu thêm đề xuất trên thì phạm vi điều chỉnh rộng hơn cả Luật Khoáng sản (vì Luật này chỉ dừng lại ở việc khai thác khoáng sản).
"Khoáng sản trước khi khai thác thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, còn sau khi khai thác một các hợp pháp lên khỏi mặt đất thì doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản đó... Khoáng sản sau khi khai thác là một dạng nguyên liệu thô làm đầu vào củacác quy trình sản xuất khác. Vậy tại sao Nhà nước lại can thiệp vào việc doanh nghiệp chế biến, vận chuyển, lưu trữ... bên cạnh đó, có nhất thiết quy định quản lý riêng về loại khoáng sản hay không?", VCCI khẳng định.
M.A (tổng hợp)