Đắk Lắk: Lợi dụng thăm dò để khai thác trái phép đá granite

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 18/08/2016

  (TN&MT) - Một số doanh nghiệp tại huyện Krông Bông (Đắk Lắk) được Bộ TN&MT cấp phép thăm dò đã lợi dụng việc này để khai thác trái phép đá granite....

 

(TN&MT) - Một số doanh nghiệp tại huyện Krông Bông (Đắk Lắk) được Bộ TN&MT cấp phép thăm dò đã lợi dụng việc này để khai thác trái phép đá granite. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác dù không có giấy phép vẫn ngang nhiên đưa máy móc vào rầm rộ khai thác, “rút ruột” tài nguyên.

Trong lúc khai thác tại mỏ đá buôn Ngô B (xã Hòa Phong) vào tháng 8/2015, Công ty TNHH Quốc Duy đã gây ra vụ sạt lở làm 4 công nhân thương vong
Trong lúc khai thác tại mỏ đá buôn Ngô B (xã Hòa Phong) vào tháng 8/2015, Công ty TNHH Quốc Duy đã gây ra vụ sạt lở làm 4 công nhân thương vong

Loạn thăm dò, khai thác

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, từ ngày 12 - 16/8, Đoàn công tác do Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam chủ trì đã phối hợp với Sở TN&MT Đắk Lắk, UBND các huyện tiến hành kiểm tra các khu vực có đá granit tại huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Đoàn cũng tiến hành làm việc với UBND huyện Krông Bông về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý hoạt động khoáng sản nói chung, đá granit ốp lát nói riêng tại địa phương và làm việc với Cty TNHH Quốc Duy về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản trong quá trình thăm dò.

Qua kiểm tra thực tế tại mỏ đá ở buôn Ngô B (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông), đoàn phát hiện có 5 moong khai thác đá nằm trong diện tích Cty TNHH Quốc Duy được Bộ TN&MT cấp giấy phép thăm dò (vào ngày 24/11/2014, thời hạn 24 tháng). Tổng khối lượng đất, đá nguyên khai đã bị bóc ra khỏi các moong này khoảng 7.000m3. Cty TNHH Quốc Duy đã đưa vào sử dụng Nhà máy chế biến đá ốp lát tại xã Hòa Phong và sử dụng nguyên liệu từ các sản phẩm khai thác trong quá trình mở moong lấy mẫu công nghệ; trúng đấu giá sản phẩm tịch thu từ hoạt động khai thác trái phép. Vào tháng 2/2016, công ty này đã bị UBND tỉnh Đắk Lắk xử phạt hành chính số tiền 320 triệu đồng vì hành vi lợi dụng thăm dò để khai thác khoáng sản.

Tại xã Hòa Sơn, hoạt động khai thác khoáng sản tập trung tại khu vực thôn 5 và thôn 6, xung quanh và trong diện tích Bộ TN&MT cho phép Cty CP Trung Văn thăm dò (cấp ngày 11/2/2011, hết hạn ngày 11/2/2012). Tại thực địa, đoàn xác định có 3 moong khai thác với tổng khối lượng đất, đá nguyên khai đã bóc ra khỏi mỏ khoảng hơn 5.000m3 do Cty TNHH Ánh Kim (theo phản ánh của người dân) và Cty TNHH VLXD Krông Bông Đắk Lắk khai thác. Trong ngày 4/8/2016, UBND xã Hòa Sơn đã lập biên bản tạm giữ tổng cộng 115 tảng đá granit có kích thước nhỏ nhất là 1,5mx1mx1,2m và lớn nhất là 2mx1,2mx1,5m tại 3 điểm khai thác này.

Còn tại xã Yang Reh, mặc dù Cty TNHH Thịnh Gia đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép khảo sát lập đề án xin thăm dò khai thác đá granite nhưng công ty này không lập phương án khảo sát, lấy mẫu; không báo cáo khối lượng, thời gian thi công cụ thể với Sở TN&MT Đắk Lắk. Trong quá trình khảo sát, công ty này đã làm một con đường rộng 5m vào mỏ, làm bể thu gom nước, đưa thiết bị máy móc khai thác vào mỏ cưa cắt, khai thác đá granite ốp lát. Tại thời điểm kiểm tra, công ty đã tạm dừng hoạt động khai thác nhưng hiện trường còn tồn 30 khối đá block có thể tích từ 3 - 5m3, 1 máy phát điện, 1 máy cưa đĩa cắt đá, 5 máy nén khí, 1 hệ thống đường ray cho máy cưa đá. Theo ước tính của đoàn kiểm tra, mặt bằng đã khai thác khoảng 1.200m2 và toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng khoảng 3.000m2.

Dọc Quốc lộ 27, đoàn kiểm tra còn phát hiện một số điểm chế tác đá granit của dân địa phương. Nguồn nguyên liệu để phục vụ hoạt động chế biến của các điểm này được mua từ đá khai thác trái phép trên địa bàn huyện.

Tình trạng khai thác trái phép đá granit tại xã Hòa Sơn diễn ra trong suốt một thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận
Tình trạng khai thác trái phép đá granite tại xã Hòa Sơn diễn ra trong suốt một thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận

Địa phương buông lỏng quản lý

Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng khai thác đá trái phép tại nhiều xã trên địa bàn huyện Krông Bông, đặc biệt là xã Hòa Sơn đã diễn ra suốt một thời gian dài với quy mô ngày càng lớn. Mặc dù bà con liên tục kiến nghị lên chính quyền địa phương, thậm chí tổ chức chặn các xe chở đá nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì “đâu lại vào đó”. Dư luận địa phương tỏ ra rất bức xúc và có ý kiến cho rằng chính quyền đã “chống lưng” cho các đơn vị, cá nhân tổ chức khai thác trái phép đá granit.

Vào ngày 8/3/2016, UBND huyện Krông Bông đã có văn bản gửi Phòng TN&MT huyện, Trưởng Công an huyện, Chủ tịch UBND các xã và thị trấn Krông Kmar triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng nhằm chấn chỉnh, xử lý triệt để tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn. Nhưng vào tháng 7/2016, khi PV Báo TN&MT có mặt tại khu vực thôn 6 (xã Hòa Sơn), đại công trường khai thác đá granit vẫn hoạt động náo nhiệt. Trong khu vực khai thác có nhiều máy móc, hàng chục nhân công và nhiều xe tải lớn được chất đầy ắp đá khối granit. Đáng nói là điểm khai thác đá này nằm ngay cạnh Tỉnh lộ 12, khá gần với trụ sở UBND xã Hòa Sơn và cách không xa trung tâm huyện Krông Bông.

Ngày 29/7, UBND huyện Krông Bông đã có Thông báo kết luận về việc xử lý tình trạng khai thác đá trái phép trên địa bàn huyện. UBND huyện đã kết luận UBND xã Yang Reh, Hòa Sơn và Hòa Phong còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật; Phòng TN&MT huyện chưa chủ động tham mưu cho UBND huyện; Công an huyện chưa tham mưu, chưa thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý các xe ô tô vận chuyển đá khối trái phép ra địa bàn huyện…

Tiếp đó, vào ngày 10/8, UBND huyện Krông Bông đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện. Trong đó nêu rõ “nếu địa phương nào buông lỏng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây tác động xấu tới môi trường và trật tự an toàn xã hội thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện”.

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Huỳnh Bài - Chủ tịch UBND huyện Krông Bông khẳng định tình trạng khai thác đá trái phép trên địa bàn đã được “siết” chặt.

Tình trạng khai thác trái phép đá granit tại xã Hòa Sơn diễn ra trong suốt một thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận
Tình trạng khai thác trái phép đá granite tại xã Hòa Sơn diễn ra trong suốt một thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận

Để đảm bảo tình trạng khai thác trái phép đá granit tại huyện Krông Bông không tái diễn, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam đề nghị Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản chỉ đạo UBND huyện Krông Bông tiếp tục kiểm tra, giám sát và có biện pháp tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; tổ chức rà soát, kiểm đếm, xác định khối lượng đá khối tại các moong khai thác trái phép tại khu vực của Công ty TNHH Quốc Duy. Ngoài việc xử lý dứt điểm tình trạng khai thác đá trái phép tại xã Hòa Sơn và Yang Reh, chính quyền địa phương phải yêu cầu Công ty TNHH Ánh Kim và Công ty TNHH Thịnh Gia di chuyển toàn bộ thiết bị máy móc ra khỏi khu vực khai thác, đồng thời xử lý.

 

Công ty VLXD Krông Bông Đắk Lắk xây dựng trái phép xưởng chế biến đá

Mặc dù mới được UBND tỉnh có chủ trương và chưa có giấy phép xây dựng nhưng Công ty VLXD Krông Bông Đắk Lắk vẫn ngang nhiên xây dựng xưởng chế biến đá tại thôn 6 (xã Hòa Sơn). Ngoài ra công ty này còn khai thác trái phép đá granit trên sườn đồi, khu vực gần xưởng. Vào ngày 4/8, UBND xã Hòa Sơn đã lập biên bản tạm giữ 46 tảng đá granit kích thước 1,5mx1mx1,2m tại khu vực gần xưởng chế biến đá của công ty này.

 


Bài & ảnh: Lê Phước