Động Châu - khe Nước Trong (Quảng Bình): Cấp thiết xây dựng khu bảo tồn

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 18/08/2016

(TN&MT) - Động Châu - khe Nước Trong là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn trọng yếu ở phía Tây Nam huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Giá trị về đa dạng sinh học, cũng...
(TN&MT) - Động Châu - khe Nước Trong là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn trọng yếu ở phía Tây Nam huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Giá trị về đa dạng sinh học, cũng như tầm quan trọng của khu vực này trong việc phòng hộ môi trường từ lâu đã được chính quyền các cấp, các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy vậy, đa dạng sinh học tại đây đang đứng trước nguy cơ suy giảm…
 
Vùng đa dạng trọng điểm
 
Theo các nhà khoa học những loài động thực vật đặc hữu khu vực rừng Động Châu - khe Nước Trong chỉ đứng sau Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Khu vực  này có gần 20.000ha (thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), được ví như một mái nhà xanh chở che cho hàng vạn cư dân sinh sống ở lưu vực sông Kiến Giang và Long Đại. Nơi đây, có một khu hệ động thực vật cực kỳ phong phú, với khá lớn sinh cảnh vùng đất thấp đã được Tổ chức Bảo tồn Chim quốc tế xác định là một vùng chim quan trọng trong vùng chim đặc hữu đất thấp miền Trung. 
Động Châu - khe Nước Trong là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn trọng yếu ở Quảng Bình. Ảnh: MH
Động Châu - khe Nước Trong là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn trọng yếu ở Quảng Bình. Ảnh: MH
 
Qua điều tra khu hệ thực vật tại Động Châu, nhóm chuyên gia thực vật của Viện Điều tra quy hoạch rừng đã thống kê được 987 loài, 539 chi thuộc 141 họ trong năm ngành thực vật bậc cao. Trong số các loài được ghi nhận có 54 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Sách đỏ Thế giới (IUCN 2009). Bên cạnh đó, các chuyên gia thống kê được 241 loài động vật có xương sống thuộc 77 họ và 21 bộ trong khu vực nghiên cứu….
 
Thời gian gần đây, Động Châu - khe Nước Trong được giới khoa học nhắc đến nhiều hơn khi phát hiện sự phân bố của loài Sao la và nhiều loài thú quý hiếm khác. Ở khu vực rừng này, các nhà khoa học ghi nhận có 26 loài thuộc nhóm thú quý hiếm, trong đó, có nhiều loài nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, đã phát hiện và ghi nhận có 61 đàn Vượn đen má trắng siki ở chín tiểu khu của vùng rừng khe Nước Trong. Các chuyên gia bước đầu nhận xét, rừng Động Châu - khe Nước Trong có số lượng đàn và cá thể Vượn đen má trắng siki nhiều nhất so với các khu vực khác trong vùng Bắc Trung Bộ. Trên cơ sở quan sát dọc đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây, đoạn qua khu vực này, các chuyên gia đã ghi nhận được 9 đàn Chà vá chân nâu với số lượng từ 98 đến 108 cá thể. Kết quả trên cho thấy, giá trị đa dạng sinh học đặc biệt ở khu vực này.
 
Các nhà khoa học khẳng định, Động Châu - khe Nước Trong là một trong số ít khu vực ở khu vực Miền Trung nói chung hiện còn lưu giữ được một diện tích rừng ẩm thường xanh trên đất thấp ít bị tác động. Chính Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm nối giữa Việt Nam và Lào.
 
Cần lắm một khu bảo tồn
 
Với tầm quan trọng này, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khe Nước Trong được quy hoạch thành lập Khu bảo tồn (khu dự trữ thiên nhiên) trong phân kỳ từ 2015 - 2020. Tuy vậy, trong khi Khu bảo tồn chưa được xây dựng thì nhiều loài như: Sao la, Tê tê, Mang lớn, Chà vá chân nâu… đang bị đe dọa ở mức nguy cấp và rất nguy cấp trên toàn cầu. 
 
Để bảo vệ rừng cũng như các loài quý hiếm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam thực hiện mô hình hợp tác công - tư quản lý, bảo vệ lâu dài cho rừng khe Nước Trong. Khu rừng được bảo vệ theo mô hình rừng đặc dụng, đồng thời, hỗ trợ các hoạt động tăng cường bảo vệ rừng và ngăn chặn hiện tượng bẫy, săn bắt động vật hoang dã. Đáng chú ý là việc đặt bẫy ảnh tự động ghi lại hình ảnh Gà lôi lam mào trắng và Sao la, là các loại động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Thế giới.
 
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình: Do chưa có đủ nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ bảo tồn, trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng còn quá mỏng, cùng với thói quen của bà con lâu nay sống dựa vào sản vật của rừng, nên tài nguyên rừng ở khu vực Động Châu - khe Nước Trong đang tiếp tục suy giảm.
 
Các chuyên gia ví von Động Châu - khe Nước Trong như kho báu thiên nhiên nằm lọt giữa một xóm nghèo. Nếu không kiên quyết bảo vệ, tài sản đó sớm muộn cũng “đội nón ra đi”. Và để bảo vệ tài sản này, trước mắt cần nhanh chóng thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên. Đây cũng là một trong những hành động thể hiện sự cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước quốc tế về đa dạng sinh học
 
Thảo Linh