Chủ động tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chi trả DVMTR ở Kon Tum
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/08/2016
(TN&MT) - Kon Tum có 360.104 ha rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).Việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Song, nhờ việc chủ động khắc phục những tồn tại, hạn chế để rút ra kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn của cơ quan thực thi chính sách này nên 5 năm qua, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR ở Kon Tum đã đạt được nhiều hiệu quả ghi nhận.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tổ chức hướng dẫn các chủ rừng xác định và chi trả tiền DVMTR cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. |
Thực tế cho thấy, việc duy trì bảo vệ các hệ sinh thái rừng thường được thực hiện bởi một nhóm nhỏ, trong khi người hưởng lợi là số đông. Do đó, chính sách chi trả DVMTR chính là cơ chế để kết nối và bảo đảm sự công bằng giữa bên hưởng lợi và bên duy trì lợi ích. Chính sách này còn tạo ra một nguồn kinh phí đáng kể cho việc bảo vệ và phát triển rừng.
Chính sách chi trả DVMTR được Chính phủ ban hành là giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, tạo cơ chế, chính sách tài chính mới để bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Chính sách này được triển khai thực hiện tại Kon Tum từ năm 2011 đến nay, ngoài những thuận lợi cũng có những khó khăn nhất định. Bên cạnh đa số những đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện nghiêm túc quy định nộp tiền DVMTR thì cũng còn một số các đơn vị chây ì, trì hoãn không kê khai, chậm nộp tiền (chủ yếu là các nhà máy thủy điện nhỏ không thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam), dẫn đến nợ đọng tiền DVMTR kéo dài.
“Chính sách chi trả DVMTR là chính sách mới, trong khi đội ngũ cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng ngoài lãnh đạo Quỹ và một số cán bộ được điều động, bổ nhiệm từ các Sở, ngành thì đa số nhân viên còn lại là sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng được hợp đồng vào làm việc nên chưa có nhiều kinh nghiệm, lúng túng trong công tác tham mưu. Bên cạnh đó, đối tượng cung ứng DVMTR đa dạng, nhiều về số lượng nên công tác kiểm tra, nghiệm thu, chi trả mất nhiều thời gian, có lúc chậm trễ, chưa kịp thời. Từ đó, làm hạn chế hiệu quả mà chính sách này mang lại”, ông Hồ Thanh Hoàng – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum chia sẻ.
Thực tế, việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên cả nước đều gặp phải nhiều vướng mắc. Song qua quá trình thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm để triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động của Quỹ gắn với chính sách chi trả DVMTR.
“Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả DVMTR và tăng cường giao đất, giao rừng cho các cộng đồng dân cư thôn, làng, thì còn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành với Quỹ để việc triển khai, quyết định các vấn đề liên quan được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến chính sách này, đánh giá kịp thời biến động về số lượng, chất lượng rừng cung ứng là những hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại tỉnh”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Cùng với đó là tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của các Sở, ngành, đơn vị, địa phương trực tiếp thực hiện chính sách để mọi người hiểu rõ, nắm chắc hơn và thực hiện có hiệu quả hơn chính sách chi trả DVMTR. Như vậy, nhờ việc chủ động khắc phục khó khăn, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình hoạt động, 5 năm qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã chủ động tháo gỡ khó khăn, phát huy được nhiều hiệu quả từ chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh.
Bài & ảnh: Quế Mai