Krông Bông - Đắk Lắk: Loạn khai thác đá granit tại xã Hòa Sơn

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 28/07/2016

(TN&MT) - Thời gian gần đây, một số đối tượng đã đưa người, máy móc vào khu vực xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) đào bới, khai thác trái phép và đưa đi...

 

(TN&MT) - Thời gian gần đây, một số đối tượng đã đưa người, máy móc vào khu vực xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) đào bới, khai thác trái phép và đưa đi nhiều khối lượng đá granit trên địa bàn.

Người dân địa phương bức xúc vì những ảnh hưởng từ mỏ đá, nguồn tài nguyên thì bị khai thác trái phép nhưng cơ quan chức năng thì đang “buông lỏng” quản lý vấn đề này.

Hoạt động khai thác trái phép đá granit tại khu vực thôn 6 (xã Hòa Sơn) đang diễn ra ngang nhiên
Hoạt động khai thác trái phép đá granit tại khu vực thôn 6 (xã Hòa Sơn) đang diễn ra ngang nhiên

Ngang nhiên “đánh cắp” tài nguyên

Vào những ngày giữa tháng 7/2017, chúng tôi tìm về thôn 6 (xã Hòa Sơn) để tìm hiểu thông tin người dân phản ánh. Dọc Tỉnh lộ 12 qua trụ sở UBND xã Hòa Sơn chừng hơn 1km theo hướng về trung tâm huyện Krông Bông, bãi khai thác đá gần chân dãy Cư Yang Sin hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ đây, chúng tôi men theo con đường đất qua thôn 6 để xâm nhập vào khu vực bãi đá. Gần 11 giờ trưa, gần 20 người trong bãi đá vẫn say mê khoan, đào, chẻ đá. Máy múc đất, máy khoan, máy cẩu… hoạt động liên tục như không hề biết mệt mỏi. Tiếng xe, tiếng máy khoan tiếng búa gõ… rền vang, hòa vào nhau, inh ỏi như một đại công trường giữa chân đồi.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi men theo con đường mòn chạy vòng quanh khu vực khai thác để lên trên đồi. Từ đây nhìn xuống, chiếc Container 6 chân đã được chất đầy đá đã được phủ kín bạt, đang nằm nghỉ chờ được đưa ra ngoài tiêu thụ. Giữa bãi đá, hàng chục tảng đá granit đã được chẻ vuông vắn (dài 2m, rộng và cao khoảng hơn 1m) nằm la liệt. Gần chân núi, 2 chiếc máy múc đang nằm nghỉ sau 1 buổi lao động vất vả. Phần lớn công nhân về nghỉ trưa tại các lán trại được dựng ngay giữa khu vực đang khai thác.

“Đá tặc” mở đường qua khu vực rẫy của người dân và đưa máy móc vào khai thác trái phép
“Đá tặc” mở đường qua khu vực rẫy của người dân và đưa máy móc vào khai thác trái phép

Theo một số người dân địa phương, tình trạng khai thác đá trái phép tại khu vực thôn 6 (xã Hòa Sơn) đã diễn ra lâu nay. Nhưng từ năm 2015 đến nay, khu vực này xuất hiện nhiều người và máy móc hơn, quy mô và thời gian khai thác cũng được mở rộng hơn. Một người dân bức xúc: “Nhiều hôm họ làm cả ngày lẫn đêm, tiếng máy móc ồn ào, bụi đá rất khó chịu. Những người dân ở gần mỏ đá như chúng tôi rất bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương trong những lần tiếp xúc cử tri nhưng việc khai thác vẫn diễn ra ngang nhiên. Chẳng hiểu chính quyền làm việc kiểu gì mà để tình trạng khai thác trái phép diễn ra ngang nhiên như vậy?”.

Máy móc khai thác đá hoạt động liên tục tại khu vực thôn 6 (xã Hòa Sơn)
Máy móc khai thác đá hoạt động liên tục tại khu vực thôn 6 (xã Hòa Sơn)

Địa phương “buông lỏng” quản lý?

Theo ông Văn Phú Hồng - Trưởng phòng TN&MT huyện Krông Bông, vào năm 2011, Công ty Cổ phần Trung Văn được cấp phép thăm dò đá granit ốp lát tại thôn 6 (xã Hòa Sơn) trên diện tích 8,06ha và thời hạn là 12 tháng. Nhưng mấy năm nay, Công ty Cổ phần Trung Văn đã ngừng hoạt động tại khu vực này để làm các thủ tục theo quy định. Từ năm 2014 đến nay, Phòng TN&MT huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra và phát hiện một số cá nhân có hành vi khai thác đá trái phép tại khu vực này. Trên cơ sở đó, Phòng TN&MT đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu tang vật của các cá nhân sai phạm.

Những tảng đá granit vuông vắn nằm la liệt giữa điểm khai thác trái phép đá tại thôn 6 (xã Hòa Sơn)
Những tảng đá granit vuông vắn nằm la liệt giữa điểm khai thác trái phép đá tại thôn 6 (xã Hòa Sơn)

 

Những tảng đá granit vuông vắn nằm la liệt giữa điểm khai thác trái phép đá tại thôn 6 (xã Hòa Sơn)
Những tảng đá granit vuông vắn nằm la liệt giữa điểm khai thác trái phép đá tại thôn 6 (xã Hòa Sơn)

Khi PV đặt câu hỏi: “Một điểm khai thác đá trái phép nằm sát tỉnh lộ mà chính quyền địa phương không biết và xử lý được?” thì ông Hồng lý giải: “Trách nhiệm chính trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác là của chính quyền địa phương, cụ thể trong trường hợp này là UBND xã Hòa Sơn. Về phía Phòng TN&MT, chúng tôi cũng thừa nhận ít quan tâm, thậm chí “buông lỏng” quản lý vấn đề này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra để xử lý tình trạng khai thác trái phép tại xã Hòa Sơn”.

Xe tải lớn được chất đầy đá để đưa ra ngoài tiêu thụ
Xe tải lớn được chất đầy đá để đưa ra ngoài tiêu thụ

Theo ông Nguyễn Văn Thiềm - Trưởng phòng Quản lý Khoáng sản (Sở TN&MT Đắk Lắk), Sở cũng đã nắm được thông tin người dân phản ánh tình trạng khai thác đá tại xã Hòa Sơn. “Trong lần kiểm tra gần đây, Sở cũng đã có ý kiến nhắc nhở chính quyền địa phương quan tâm xử lý triệt đề vấn đề này. Thẩm quyền và trách nhiệm chính vẫn là của địa phương, nếu có tình trạng khai thác đá trái phép thì chính quyền địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” - ông Thiềm nói.

Bài & ảnh: Lê Phước