Cao Bằng: Kiên quyết xử lý khai thác cát sỏi trái phép

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 04/07/2016

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn, tuy vậy, công tác này chưa đem lại kết quả như mong đợi.
Tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, sỏi. (Ảnh: Hoàng Minh)
Tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, sỏi. (Ảnh: Hoàng Minh)

Tiềm năng lớn chưa được đánh giá

Theo Sở TN&MT Cao Bằng, nguồn vật liệu xây dựng cát, sỏi chủ yếu tập trung ở những con sông lớn trên địa bàn tỉnh như sông Bằng, sông Hiến, còn lại là các nhánh suối nhỏ ở những khu vực có địa hình phức tạp, hiểm trở phân bố trên toàn bộ 13 huyện, Thành phố. Nguồn cát, sỏi trữ lượng tương đối dồi dào nhưng chưa được thăm dò, đánh giá đầy đủ. Cát tập trung chủ yếu ở các bãi bồi, bậc thềm của hệ thống sông Bằng, sông Hiến và nằm rải rác 2 bên bờ các nhánh sông nhỏ, như: sông Gâm, sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng, sông Neo... Cát, sỏi tích tụ dọc theo bờ sông thường có quy mô nhỏ, có thể khai thác phục vụ cho các công trình xây dựng tại địa phương.

Cát, sỏi tạo thành từ 2 nguồn chính: Các mỏ cát trầm tích hồ lục địa tuổi Neogen, thuộc hệ tầng Na Dương có trữ lượng lớn. Mỏ cát lớn trầm tích đã được nghiên cứu khai thác là mỏ cát, sỏi thành phố Cao Bằng, có chiều dài 10 km, rộng 7 km, chiều dày lớp cát, sỏi khoảng 950 m. Các mỏ cát phong hoá thứ sinh tuổi Đệ tứ, thuộc hệ tầng sông Hiến, phân bố trên các thung lũng sông, suối của tỉnh thường có trữ lượng nhỏ; cát, sỏi loại này thường dễ khai thác. Mỏ cát, sỏi phong hoá thứ sinh Bảo Lạc, nằm dọc theo thị trấn huyện Bảo Lạc trên lưu vực sông Gâm, có chiều dài từ 200 - 400 m, rộng 100 m. Đây là điểm khoáng sản có triển vọng cần điều tra, đánh giá chi tiết. 

“Ngại” thủ tục cấp phép, thi nhau hút trộm

Với tiềm năng khoáng sản cát, sỏi dồi dào như vậy, những năm qua, Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn đem lại hiệu quả. Tuy vậy, thời gian gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản lòng sông trái phép lại tiếp tục tái diễn, nhất là trên thượng nguồn sông Hiến, sông Bằng.

Ông Nguyễn Xuân Tiếp, Trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản - Địa chất (Sở TN&MT) cho biết, khoáng sản cát, sỏi lòng sông phân bố không tập trung, do đó, việc khai thác thường tiến hành theo kiểu quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình hoặc khai thác lúc nhàn rỗi sau vụ mùa. Trong khi đó, điều kiện để được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 rất chặt chẽ, nên nhiều trường hợp nếu lập thủ tục xin cấp Giấy phép khai thác theo đúng quy định sẽ không đủ điều kiện, mất thời gian, đôi khi làm chậm trễ tiến độ thi công công trình. Do đó, các tổ chức, cá nhân thường lén lút khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, một số đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ngày càng tinh vi và luôn cảnh giác, theo dõi lực lượng kiểm tra, dẫn đến việc ngăn chặn, giải tỏa chưa được triệt để.

Một nguyên nhân nữa khiến tái diễn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép là do chính quyền địa phương chưa quyết liệt xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền; các đối tượng cố tình tổ chức khai thác, kinh doanh trái phép cát, sỏi lòng sông; thủ đoạn, phương thức khai thác tinh vi nhằm đối phó với lực lượng chức năng, trong khi lực lượng làm công tác quản lý về khoáng sản ở cấp huyện, xã chưa được bố trí phù hợp, còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên ngành...

Tạm dừng tất cả hoạt động khai thác

Để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, Giám đốc Sở TN&MT Thái Hồng Thịnh cho biết, thời gian tới, sẽ dừng hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông do chưa đánh giá đầy đủ được hiệu quả trong quá trình khai thác, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường dòng sông. Bên cạnh đó tập trung thăm dò, làm rõ trữ lượng khoáng sản cát, sỏi trên đồi, đây là nguồn vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các huyện, Thành phố trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, yêu cầu UBND huyện, thành phố có các tuyến sông thực hiện đúng quy định tại Khoản 2, Điều 18, Luật Khoáng sản. Thường xuyên, tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết giải tỏa hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép nghiêm túc, kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên để chỉ đạo phối hợp giải tỏa dứt điểm. Tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Sở TN&MT cũng tiếp tục đôn đốc UBND các huyện, thành phố hoàn thành dứt điểm việc lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác từng địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng về quy định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hậu quả của hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép.

Phạm Thu Hà