Hạ nguồn Sông Lô: Chặt khúc để… cấp phép
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 29/06/2016
Cấp phép quá… nhiều
Gần 5km chiều dài Sông Lô chạy qua xã Đôn Nhân nhưng có tới cả chục chiếc tàu hút cát đang cắm vòi rồng xuống đáy sông để “ăn cát”, khiến nước Sông Lô đục ngầu. Theo phản ánh của người dân xã Đôn Nhân, thời gian qua người dân nơi đây đã gửi đơn kêu cứu từ xã tới tỉnh nhưng tình trạng cát tặc vẫn không hề được xử lý.
“Bờ xôi ruộng mật” của người dân xã Đôn Nhân đang mất dần |
Đáng nói, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho 6 công ty khai thác cát, sỏi. Nhờ những giấy phép này, các công ty đã tổ chức những "hạm đội" đua nhau cắm vòi tận diệt khoáng sản lòng Sông Lô. Hàng trăm héc ta đất sản xuất nông nghiệp của người dân bị sạt lở, biến mất một cách chóng vánh. Tại đây, hàng chục chiếc tàu hút đáng xếp hàng đua nhau hoạt động hết công suất, tiếng máy nổ vang inh tai nhức óc. Thậm chí những chiếc tàu còn cắm thẳng vòi hút vào chân hai bên bờ sông khiến từng mảng lớn đất nông nghiệp sạt lở, tạo thành những vách dựng đứng.
Một người dân địa phương xin giấu tên, bức xúc: “Ở đây hàng chục con tàu lớn nhỏ thi nhau hút cát, chở cát diễn ra lâu lắm rồi. Người dân chúng tôi mất đất sản xuất, có nơi lấn sâu vào đất canh tác từ 20 – 30m, có chỗ lên đến 40 – 50m, dân kêu mãi mà chính quyền hình như chưa nghe thấy!”. Được biết, đã có hàng chục lá đơn được người dân gửi đi khắp các cơ quan, ban ngành từ xã tới tỉnh Vĩnh Phúc để kêu cứu, nhưng đến nay, vẫn chưa được giải quyết.
Tại sao UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho quá nhiều doanh nghiệp? Câu hỏi dường như đi vào ngõ cụt khi hàng loạt Giấy phép đã được cấp mới, cấp lại trong thời gian ngắn rất gần đây. Cụ thể tại Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 11/08/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt dự án cấp phép khai thác khoáng sản, cát sỏi lòng Sông Lô cho Công ty CP Xây dựng Bắc Ái; Quyết định số 197/QĐ-UBND ngày 08/7/2011 cấp phép khai thác khoáng sản, cát sỏi lòng Sông Lô cho Công ty CP Khai thác và Chế biến Lâm Khoáng Sản Hoàng Phát. Không dừng lại ở đó, ngày 12/11/2014 UBND tỉnh lại ra Quyết định số 3320/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án và cấp phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng) thu hồi khoáng sản: Nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa trên lòng Sông Lô đoạn từ km 20+00 – km 30+00 cho Công ty TNHH Xây dựng Phát triển Hạ tầng Vân Nội; Ngày 27/4/2015 UBND tỉnh tiếp tục cấp Giấy phép số 1051/GP-UBND phê duyệt, cấp phép cho Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc khai thác cát, sỏi trên dòng Sông Lô làm vật liệu xây dựng; cũng trong tháng 9 và 10/2015 UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục cấp Giấy phép cho hai công ty: Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA và Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội khai thác cát, sỏi trên lòng Sông Lô.
Công văn UBND xã Đôn Nhân gửi Công ty Đông Dương AVA yêu cầu khai thác đúng ranh giới |
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, hầu hết các công ty được cấp phép khai thác khoáng sản tại đây không tuân thủ các quy định bắt buộc trong giấy phép, như chưa đặt phao và cắm mốc chỉ giới, khai thác chồng lấn, ngoài chỉ giới… dẫn tới bãi bồi bị thu hẹp, xuất hiện lún nứt bờ kè…và hậu quả là cha chung nên không công ty nào đứng ra chịu trách nhiệm.
Cận cảnh góc khuất
Công văn số 33/UBND ngày 18/02/2016 của UBND xã Đôn Nhân nêu rõ, qua công tác kiểm tra và nhắc nhở nhiều lần xong đến nay Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh việc thực hiện thả phao ranh giới được cấp phép. Đồng thời khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, gây sạt lở kè áp trúc chống sạt lở đê bối dài 5m và sạt lở đất sản xuất nông nghiệp của người dân dài 132m, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Đến ngày 22/02/2016 UBND xã nhận được ý kiến phản ánh của 3 ông trưởng thôn: Đôn Mục, Dân Chủ và Trung Kiên về tình trạng khai thác cát làm sạt lở đất nông nghiệp, qua kiểm tra xác minh vào hồi 9h ngày 22/02/2016 gồm đại diện UBND xã, Trưởng 3 thôn, cán bộ địa chính, Công an xã đã lập biên bản xác minh hiện trạng. Tại thời điểm kiển tra có 02 tàu cẩu, 01 tàu cuốc đang hoạt động cự ly cách bờ chưa rõ ràng, dưới mỏ Đông Dương AVA và nằm trên mỏ Công ty Bắc Ái.
Đội tàu hút cát “tham chiến” cả ngày và đêm ở Đôn Nhân |
Điều đặc biệt, khu vực này chỉ được cấp phép cho Công ty Vân Hội nạo vét lòng Sông Lô. Ngoài vị trí sạt lở đã xác định trong ngày 17/02/2016 có 2 điểm sạt lở mới tiếp theo có chiều dài 58m (điểm sạt lở rộng nhất có chiều rộng 10m) về phía hạ lưu ngoài Thôn Trung, đồng thời tiến hành xác minh 2 biển báo mốc điểm mỏ của Công ty Đông Dương AVA có độ nghiêng rất lớn, nguy cơ sạt lở xuống lòng Sông Lô cao.
Báo cáo số 62/BC–UBND ngày 18/03/2016 của UBND xã Đôn Nhân nêu rõ: Ngày 24/02/2016 qua kiểm tra thực tế tuyến kè áp trúc củng cố đê bối đoạn từ cống Thôn Hạ lên đến bến Đò Hạ đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng trân kè và thân kè có chiều dài 50m, điểm sạt lở rộng nhất lên tới gần 10m. Đồng thời có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Đến ngày 26/02/2016 UBND xã Đôn Nhân tiếp tục kiểm tra thực địa đất sản xuất nông nghiệp của người dân đã phát hiện điểm sạt lở mới có chiều dài 12m và kè áp trúc bị sạt lở 7m. Đồng thời 2 cột mốc biển báo giao thông đường thủy bị dịch chuyển từ vị trí cũ đến vị trí mới khoảng 25m về phía Bối.
Bên cạnh việc bất chấp pháp luật, Công ty Đông Dương AVA vẫn ngang nhiên khai thác cát gây hậu quả nghiêm trọng. UBND xã Đôn Nhân qua công tác kiểm tra thực địa ngày 08/04/2016 tại vị trí soi Đôn Mục khu vực giáp với ranh giới mỏ của Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA về phía hạ lưu Sông Lô và tiếp giáp với mỏ của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bắc Ái về phía thượng lưu Sông Lô đã xác định khu vực này chưa được cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi), cơ quan chức năng đã phát hiện 2 tàu hút đang khai thác cát sỏi trái phép, vị trí tàu cách mép bờ đất sản xuất khoảng 20 m, gây sạt lở nghiêm trọng đến đất canh tác sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Đôn Mục, Dân Chủ, Trung Kiên.
Điều đáng báo động khẩn, là chiều dài của điểm sạt lở lên tới 80m, điểm rộng nhất khoảng 20m. Trước thực trạng trên UBND xã Đôn Nhân đã nhiều lần báo cáo lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở TN&MT, UBND huyện Sông Lô để tăng cường kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế các văn bản báo cáo vẫn được gửi đi, còn việc khai thác cát dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng thì cứ diễn ra hằng ngày! Dự luận thì bức xúc, hoài nghi liệu rằng UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quá ưu ái cho các doanh nghiệp khai thác cát?!
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Doãn Xuân