Chấn chỉnh tình trạng khai thác đất tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk)
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 31/05/2016
(TN&MT) - Trước tình trạng “loạn” khai thác đất sét làm gạch tại địa phương thời gian qua, UBND huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã tăng cường các biện pháp quản lý nhằm đưa việc khai thác đất trên địa bàn dần đi vào quy củ.
Lợi dụng chủ trương hạ điền, nhiều chủ lò gạch đã đưa máy móc phá nát những cánh đồng tại huyện Krông Ana |
Những năm gần đây, việc khai thác đất sét tại xã Cư Bông và thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) đang bộc lộ nhiều bất cập khi làm thất thoát tài nguyên, làm tan hoang những cánh đồng và cuộc sống của người dân địa phương bị đảo lộn. Những năm qua, người dân địa phương liên tục kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng hoạt động khai thác, sản xuất gạch vẫn không được quan tâm giải quyết, gây bức xúc trong dư luận.
Chưa quản lý được “vấn nạn” trên thì vào tháng 3/2015, UBND huyện Krông Ana có tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk xin chủ trương phê duyệt cho phép hạ điền hơn 220ha tại nhiều cánh đồng chuyên lúa ở xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp. Ngoài việc hạ thấp cao độ cho các chân ruộng có nước đảm bảo sản xuất 2 vụ lúa, “sáng kiến” này cũng tận thu được khối lượng sét lớn để phục vụ nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn.
Vào tháng 5/2015, chủ trương này được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép triển khai. Nhưng lợi dụng chủ trương trên, nhiều chủ lò gạch đã đưa máy móc vào “đào bới” tan hoang những cánh đồng, lấy đi vô số khối lượng sét. Mặt bằng nhiều khu ruộng tại xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp bị biến dạng mạnh, nhiều ô ruộng bị “khoét” thành ao, gần như không còn khả năng canh tác. Quá trình vật liệu xây dựng cũng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, phá nát những con đường nội đồng, liên thôn, liên xã. Trong khi đó, các cơ sở khai thác sét làm gạch chưa được cho phép vẫn cứ ngang nhiên múc đất tại những cánh đồng, gây thất thoát tài nguyên thiên nhiên. Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân địa phương ngày đêm bị tra tấn bởi bụi, tiếng ồn trong quá trình khai thác, vận chuyển sét.
Sau khi dư luận có thông tin về vấn đề trên, vào tháng 3/2016, UBND huyện Krông Ana đã thành lập đoàn liên ngành (do Phòng TN&MT huyện chủ trì) kiểm tra tình hình hoạt động khai thác đất sét sản xuất gạch tại xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp. Trên cơ sở đó, đoàn kiểm tra sẽ tham mưu cho UBND huyện phương án xử lý nhằm chấn chỉnh tình trạng trên.
Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện chỉ có 1/62 cơ sở hoạt động sản xuất gạch tại xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp được cấp phép khai thác sét. Trong số các cơ sở chưa được cấp phép, chỉ có 29 cơ sở đủ điều kiện đăng ký hạ điền khai thác sét sau cải tạo ruộng theo chủ trương của UBND huyện Krông Ana. Đoàn liên ngành cũng phát hiện nhiều khối lượng đất sét tại các cơ sở không đăng ký hạ điền không rõ nguồn gốc; nhiều cơ sở sử dụng đất làm mặt bằng, bến bãi chứa nguyên liệu, sản phẩm... không đúng mục đích và nhiều chủ cơ sở còn cố tình né tránh, không làm việc.
Việc vận chuyển đất sét đến các lò gạch gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, làm đảo lộn đời sống người dân địa phương |
Theo ông Nguyễn Công Hạnh - Trưởng phòng TN&MT huyện Krông Ana, hiện đoàn liên ngành đang tổng hợp diện tích đất sử dụng sai mục đích và đề nghị UBND các xã, thị trấn yêu cầu các cơ sở thực hiện việc chuyển đổi mục đích quy định. Chính quyền địa phương cũng đã hướng dẫn cho các cơ sở không có điều kiện đăng ký hạ điền khai thác sét phải có hợp đồng mua bán chứng minh được nguồn gốc khối lượng sét đang sử dụng để sản xuất nhằm tránh thất thoát tài nguyên. Nếu các cơ sở không chứng minh được nguồn gốc sét, cố tình né tránh thì Phòng TN&MT sẽ đề nghị UBND huyện đình chỉ sản xuất.
Cũng theo ông Hạnh, vào ngày 10/5/2016, UBND huyện Krông Ana đã có quyết định phê duyệt quyền thu gom hơn 165.000m3 đất sét sau cải tạo 90ha ruộng đồng để sản xuất vật liệu xây dựng cho 29 cơ sở sản xuất gạch tại xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp. Hiện tại, Phòng TN&MT huyện đã gửi thông báo cho các cơ sở, yêu cầu thực hiện việc đóng tiền cấp quyền thu gom và thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, trả lại mặt bằng sau khi gom sét. “Việc UBND huyện cấp quyền thu gom sét sau cải tạo đồng ruộng cho các cơ sở sẽ từng bước đưa hoạt động khai thác sét trên địa bàn đi vào nề nếp, cải tạo được nhiều diện tích lúa nước sản xuất 2 vụ. Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên kiểm tra hoạt động khai thác sét, sản xuất gạch trên địa bàn nhằm đảm bảo việc khai thác sét đúng vị trí, độ sâu và khối lượng cho phép” - ông Hạnh bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Thiềm - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Đắk Lắk), Sở đã nắm được thông tin về việc lợi dụng chủ trương hạ điền để khai thác đất sét trái phép tại huyện Krông Ana nhưng hiện chưa nhận được kết quả kiểm tra từ phía địa phương. Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ có kế hoạch hành kiểm tra, rà soát để lập lại trật tự trong vấn đề khai thác khoáng sản trên địa bàn, trong đó có tình hình khai thác đất sét tại huyện Krông Ana.
Bài & ảnh: Lê Phước