Kinh Môn (Hải Dương): Hàng chục bãi than trái phép ngang nhiên hoạt động
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 27/04/2016
(TN&MT) - Hàng chục nghìn m2 đất màu mỡ bãi bồi ven sông Kinh Thầy, huyện Kinh Môn (Hải Dương) trước đây là vườn cây xanh tốt, cho những mùa vụ bội...
(TN&MT) - Hàng chục nghìn m2 đất màu mỡ bãi bồi ven sông Kinh Thầy, huyện Kinh Môn (Hải Dương) trước đây là vườn cây xanh tốt, cho những mùa vụ bội thu… nay đã bị “băm nát” trở thành những bãi than. Đa số các bãi than đều hoạt động trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhưng không hiểu sao vẫn ngang nhiên tồn tại như cái “gai” trong mắt người dân. Dư luận đang bức xúc, đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý của chính quyền sở tại…!?
Rầm rập những chuyến than đêm
Cả một vùng đất chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã bị san phẳng, trở thành những bãi than, ngày ngày mọc lên như “nấm”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Để chứng kiến mức độ “hoành tráng” của việc kinh doanh, vận tải than về bãi tập kết của huyện Kinh Môn, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi lên đón lõng đoàn xe trên tỉnh lộ 388 đoạn giáp ranh giữa Mạo Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) với thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn. Khi trời nhập nhoạng tối, từng đoàn xe tải chở than nối đuôi nhau chạy “rầm rập” vào các bãi chứa. Hành trình, những chiếc xe ben “hổ vồ” cỡ lớn từ 40 - 50 tấn, được che bạt cẩn thận qua cầu Đá Vách, thị trấn Minh Tân, Phú Thứ rồi qua cầu Hiệp Thượng vào các bãi khu vực Cồn Thoi, thuộc các xã Hiệp Sơn, Hiệp An và thị trấn Kinh Môn tập kết vào bãi.
Xe chở than vào ban đêm |
Những xe than đổ xuống được máy xúc hối hả vun thành từng đống. Các xe ben lại hối hả tiếp tục hành trình, quay vòng chuyến khác, xe chủ yếu mang biển kiểm soát của tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên. Theo quan sát của chúng tôi, càng về khuya, lưu lượng xe càng tăng lên, các xe cũng tăng tải trọng, bằng việc cơi nới thành thùng cao thêm từ 30-40 cm. Hàng đêm, việc vận chuyển than ở đây cứ nhịp nhàng như vậy cho đến khoảng 5 giờ - 5 giờ 30 phút sáng. Người dân hai bên tỉnh lộ 338 cho chúng tôi biết, đêm nào cũng đều đặn những chuyến xe than không ngớt, đêm sau số lượng xe lại tăng thêm so đêm trước.
Chính những đoàn xe chở quá tải này đang khiến tỉnh lộ 388 qua thị trấn Minh Tân và Phú Thứ dù đã được đổ bê tông dày 40 cm mà vẫn bị lún, nhiều chỗ đã bị băm nát. Cầu Hiệp Thượng, cầu Đá Vách theo thiết kế chỉ dành cho xe bánh lốp có tải trọng dưới 30 tấn, nhưng đang “cõng” những chiếc xe chở than qua đây có tổng trọng tải lên đến cả trăm tấn. Điều đáng nói là trên tỉnh lộ 388 có “chốt” Cảnh sát giao thông, nhưng chốt Cảnh sát Giao thông này lại cách lối rẽ vào bãi tập kết than khoảng 500m, nên các xe dù quá tải vẫn thoải mái thả ga.
“Vô tư” hoạt động trái phép
Ngày 27/10/2010, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 2860/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Hải Dương tới năm 2015, định hướng tới 2020. Việc quy hoạch mạng lưới kinh doanh than nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ than cho sản xuất và tiêu dùng của dân cư trên địa bàn tỉnh.
Theo quy hoạch, huyện Kinh Môn duy trì 9 điểm kinh doanh than (trong đó chỉ bổ sung 1 điểm mới ở xã Hoành Sơn). Khu vực đầu cầu Hiệp Thượng quy hoạch 1 điểm ở thôn Hiệp Thượng (xã Hiệp Sơn). Nhưng trên thực tế, chỉ tính riêng khu vực phía nam cầu Hiệp Thượng, xã Hiệp Sơn, Hiệp An và thị trấn Kinh Môn không nằm trong quy hoạch nhưng cũng có đến gần chục điểm kinh doanh than. Các bãi than của huyện Kinh Môn không phải phục vụ cho nhu cầu than của doanh nghiệp và người dân địa phương mà nơi đây đang trở thành công trường lớn, để vận chuyển cung cấp cho các tỉnh, thành phố khác. Bởi chứng kiến tại các bãi than, chúng tôi thấy, khi than được chế biến trên bãi xong thì đều được đưa xuống tàu thủy trọng tải hàng nghìn tấn để chuyển đi Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình…
Một bãi tập kết than trái phép |
Theo ông Hoàng Kim Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn thì những bãi than khu vực đầu cầu Hiệp Thượng, thuộc địa bàn của xã đã hoạt động gần 3 năm nay. Xã có 2 bến bãi kinh doanh than, song chỉ có một điểm được tỉnh quy hoạch. Còn một bãi do doanh nghiệp mua gom đất bãi của người dân đấu thầu, tự ý san lấp thành bãi phẳng rồi cho doanh nghiệp kinh doanh than ở nơi khác thuê mặt bằng. Chính quyển xã không được giao thẩm quyền xử lý bãi than trái phép, mà chỉ báo cáo lên trên xem xét, giải quyết…
Ông Nguyễn Văn Hòa, thành viên Công ty TNHH Đóng tàu Hà Hải, chủ sở hữu 4,6 ha đất bãi, thuộc thị trấn Kinh Môn khẳng định: Điểm kinh doanh than của ông đã được tỉnh Hải Dương quy hoạch. Tuy nhiên, quyết định quy hoạch của tỉnh Hải Dương cho doanh nghiệp này mới có từ ngày 11/1/2016. Trong khi, Công ty của ông Hòa đã cho một doanh nghiệp ở Hải Phòng kinh doanh than từ 2 năm trước.
Những bãi tập kết than trái phép ngang nhiên hoạt động |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường, lãnh đạo Sở Công thương Hải Dương cho biết: Trên địa bàn huyện Kinh Môn, hiện có nhiều bãi than không chỉ vi phạm kinh doanh than (loại hình kinh doanh có điều kiện) mà còn vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên…
Cuối năm 2015, Sở đã tiến hành kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh than của huyện Kinh Môn, trong đó: 45% cơ sở không cung cấp được hợp đồng mua bán chứng minh nguồn gốc than; 60% cơ sở kinh doanh chưa được chấp thuận địa điểm kinh doanh than của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 75% cơ sở chưa cung cấp được văn bản chứng minh quyền sử dụng mặt bằng, kho bãi hợp pháp; 90% số cơ sở kinh doanh chưa cung cấp được văn bản cam kết bảo vệ môi trường; 95% số cơ sở chưa cung cấp được văn bản chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy; 100% số cơ sở chưa có cán bộ và nhân viên kinh doanh than có nghiệp vụ chuyên ngành.
Vậy vì sao, nhiều bãi than kinh doanh than trái phép, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân, môi trường… ở huyện Kinh Môn đã từ lâu vẫn “nghiễm nhiên” tồn tại? Dư luận đang chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương!
Bài & ảnh: Phạm Hoàng