TP.HCM: Không để người dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 30/03/2016
(TN&MT) - Hiện nay, mực nước trên sông Sài Gòn và Đồng Nai đang xuống thấp và độ mặn tăng cao nhất từ trước đến nay. Để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp đang kéo dài, các ban, ngành và chính quyền địa phương của TPHCM đang triển khai những biện pháp cấp bách, quyết tâm không để người dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.
Theo số liệu quan trắc tại trạm Nhà Bè trên sông Đồng Nai, hiện nay, độ mặn của nước thủy triều khu vực này cao hơn so với thời điểm này năm ngoái là 13,67‰. Tại khu vực Cầu Ông Thìn, huyện Bình Chánh trên sông Sài Gòn, độ mặn cũng cao hơn so với thời điểm này năm ngoái là 13,40‰. Theo dự báo, đầu tháng 4 tới, mặn tại hai vị trí Mũi Nhà Bè và Cầu Ông Thìn có thể đạt ngưỡng 14-16‰. Từ đầu tháng 3 đến nay, Nhà máy nước Tân Hiệp phải dừng bơm nước thô tại trạm bơm Hòa Phú đến 9 lần do nước sông Sài Gòn có độ mặn quá cao, có thời điểm lên đến 330 mg/lít.
Nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước sạch cho người dân TPHCM |
Trước tình hình xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và chính quyền 24 quận, huyện khẩn trương triển khai những phương án cấp nước cho người dân. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là cấp nước cho sinh hoạt.
Đối với những địa phương không thể khai thác nguồn nước ngầm do xâm nhập mặn như huyện Bình Chánh, Nhà Bè, chính quyền cấp xã phải đảm bảo phương tiện chở nước đến tận nơi cấp cho người dân. Thậm chí, huyện Nhà Bè còn lập đường dây nóng để người dân phản ánh về công tác cấp nước.
Hiện nay, tổng công suất hoạt động của các Nhà máy nước thuộc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) là 2,1 triệu m3 nước/ngày đêm. Theo kế hoạch, đến tháng 7 tới, khi Nhà máy nước Tân Hiệp 2 đi vào hoạt động thì công suất hoạt động của Sawaco sẽ được nâng lên 2,4 triệu m3 nước/ngày đêm. Trong khi đó, nhu cầu cấp nước sinh hoạt của người dân TPHCM hiện nay là 1,6 triệu m3 nước/ngày đêm thì Sawaco vẫn có thể đảm bảo cấp nước cho người dân trong trường hợp xâm nhập mặn lên hơn 16‰, và hai Nhà máy nước Bình An và Tân Hiệp phải ngưng tạm thời.
Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi vừa làm việc với Ban quản lý hồ Trị An xong. Hồ Dầu Tiếng cũng thống nhất sẽ xả nước, đẩy mặn cho sông Sài Gòn trong trường hợp cần thiết. Riêng hồ Trị An đã có kế hoạch dự trù nước đến hết tháng 6 xả nước đẩy mặn cho trạm bơm Hóa An và trạm bơm Bình An. Còn việc khai thác nước trực tiếp tại hai hồ này thì đó là kế hoạch lâu dài nhằm đảm bảo an toàn cho công tác cấp nước”.
Bên cạnh đó, để việc sản xuất đạt hiệu quả trong trường hợp thiếu nước, ngành nông nghiệp TPHCM cần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp sử dụng ít nước, tiết kiệm nước, đặc biệt ở những khu vực chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn do thủy triều như huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, cán bộ khuyến nông các địa phương khuyến cáo bà con thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nhằm tăng hiệu quả trong chăn nuôi và hạn chế dịch bệnh. Thực hiện xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi đúng quy định nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, UBND TPHCM cũng đang xem xét đầu tư nâng cấp hệ thống kênh Đông tại huyện Củ Chi và xây dựng hồ điều hòa Bến Mương Láng The với quy mô diện tích 450 ha tại các xã Phước Vĩnh An, Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) để tích trữ nước mùa khô, tạo dung tích phòng lũ và giảm ngập úng cho khu vực trong mùa mưa lũ.
Bài & ảnh: Thục Vy