Tăng cường quản lý môi trường nước lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 15/03/2016

(TN&MT) – Những thách thức trong bảo vệ môi trường nước ở lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình, đặc biệt là khu vực hạ lưu trên địa phận các tỉnh ven biển...

 

(TN&MT) – Những thách thức trong bảo vệ môi trường nước ở lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình, đặc biệt là khu vực hạ lưu trên địa phận các tỉnh ven biển phía Bắc tiếp tục gia tăng. Việc tăng cường quản lý chất lượng nước của hai hệ thống sông trên là vô cùng cấp thiết đối với sự phát triển bền vững ở khu vực này.

Áp lực và thách thức

Hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển ở phía Bắc Việt Nam nói riêng và cả nước nói chung. Theo tính toán, 16% tổng lượng nước mặt ở Việt Nam là của lưu vực hai con sông này. Hàng ngày, hai hệ thống sông cung cấp hàng triệu m3 nước phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, canh tác nông nghiệp và sản xuất công nghiệp trong khu vực. Đồng thời, góp phần thúc đẩy trao đổi hàng triệu tấn hàng hóa giữa các vùng, giữa đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc của Việt Nam với các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Thực tế, chính quyền các tỉnh và thành phố nằm trong lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình đã có nhiều giải pháp thiết thực bảo vệ môi trường nước ở đây như: đầu tư cho công tác kiểm soát và xử lý nguồn gây ô nhiễm môi trường nước; triển khai quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường nước; tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như người dân địa phương…Nhờ đó, chất lượng môi trường nước phần nào được cải thiện, nhất là tại các khu công nghiệp.

Bản đồ lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình
Bản đồ lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình

Tuy nhiên, áp lực và những thách thức trong bảo vệ môi trường nước ở lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình; đặc biệt là khu vực hạ lưu, địa phận 5 tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình vẫn tiếp tục gia tăng và ngày càng lớn. Nguyên nhân chính là do sự gia tăng của các khu công nghiệp dẫn đến gia tăng lượng nước thải;  việc lạm dụng quá mức các loại phân bón, hóa chất trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; xây dựng tràn lan và vận hành của các nhà máy thủy điện ở vùng đầu nguồn dẫn tới mất dần khả năng tự làm sạch của các dòng sông; sự phát triển du lịch thiếu quy hoạch, vận hành thiếu chuyên nghiệp làm gia tăng đột biến lượng nước thải và các chất thải rắn vào môi trường tự nhiên, gây ra hậu quả nặng nề đối với môi trường nước.

Mặt khác, tiến độ triển khai các hoạt động xử lý nguồn gây ô nhiễm môi trường nước chậm khiến hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình trở thành dòng sông chứa nước có mức độ ô nhiễm cao. Hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải yếu cũng như ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nước của doanh nghiệp và người dân còn thấp.

Tình trạng nước ô nhiễm ở hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình sẽ có tác hại nghiêm trọng đến đất đai và canh tác nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh tình trạng nước biển dâng và điều kiện thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra. Trong khi đó, 80% lượng  nước sử dụng trong canh tác nông nghiệp ở phía Bắc hiện nay là nước mặt của hai hệ thống sông trên. Do vậy, việc tăng cường quản lý chất lượng nước của hai hệ thống sông này là hết sức cấp thiết và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững ở phía Bắc.

Quản lý đồng bộ môi trường nước

Thực trạng môi trường nước ở lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình hiện nay cho thấy cần thiết phải ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng nước của hai hệ thống sông. Đồng thời, xây dựng mô hình quản lý môi trường nước trong hai lưu vực sông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên đặc trưng; gắn quyền lợi của người khai thác, sử dụng tài nguyên nước với nghĩa vụ bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững.

Để làm được như vậy, cần xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành về quản lý chất lượng nước trên hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình; Hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng và ngăn chặn có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực hệ thống hai con sông.

Cần ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm nước trên lưu vực sông Hồng
Cần ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm nước trên lưu vực sông Hồng

Đồng thời, xây dựng mạng lưới quan trắc đủ khả năng cung cấp các thông tin cho phân tích, đánh giá hiện trạng các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước, dự báo, cảnh báo thiên tai, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn; xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực ven biển phía Bắc trên cơ sở cập nhật chi tiết các kịch bản BĐKH và nước biển dâng; xây dựng các khu xử lý rác thải rắn và tổ chức thu gom đạt 95% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt.

Đặc biệt, chú trọng xây dựng khu xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đạt mục tiêu 75% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường nước trước khi thải ra hệ thống sông ngòi. Xây dựng được mô hình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nước trong lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình.

Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng hóa chất, nhất là các chất nguy hại; hạn chế tối đa việc sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường; tăng cường vận động và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường từ đó tạo sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ của doanh nghiệp cũng như người dân với các cơ quan chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường nước trong lưu vực sông.

Tuyết Chinh