Gia Lai: Khô hạn sớm, người dân thiếu nước sinh hoạt

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 23/02/2016

(TN&MT) - Tình trạng khô hạn diễn ra sớm hơn, bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán, khiến hàng ngàn hộ dân ở các huyện như Kông Chro, Chư Sê, Krông Pa…(Gia...

 

(TN&MT) – Tác động của biến đổi khí hậu khiến lượng mưa năm nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai thấp hơn nhiều so với các năm trước. Tình trạng khô hạn diễn ra sớm hơn, bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán, khiến hàng ngàn hộ dân ở các huyện như Kông Chro, Chư Sê, Krông Pa…(Gia Lai) gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt.

Giếng nước duy nhất không bị khô cạn tại làng Dơng (thị trấn Kông Chro)
Giếng nước duy nhất không bị khô cạn tại làng Dơng (thị trấn Kông Chro)

Cúng Yàng cầu nước

Nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai, Kông Chro là một huyện nghèo, khó khăn và là trọng điểm thiếu nước sinh hoạt vẫn diễn ra hàng năm vào mùa khô. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt hơn, ít có mưa nên khô hạn đến sớm hơn mọi năm. Cả hàng chục cái giếng trong làng Dơng (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) đã cạn nước từ trước Tết Nguyên đán. Anh Y Jang Liệt – một người dân làng Dơng, dẫn chúng tôi đến cái giếng duy nhất còn nước ở trong làng, đó là một giếng nhỏ, sâu chừng 7m. “Cả làng giờ chỉ còn mỗi giếng này của nhà bà H’Liếk là còn nước thôi. Từ trước Tết, nó là nơi duy nhất để bà con trong làng đến lấy nước về dùng nấu ăn. Còn tắm rửa, sinh hoạt khác thì phải ra sông Ba”, anh Liệt cho biết.

Cúng Yàng cầu nước, việc nghe có vẻ lạ nhưng lại là chuyện có thật đã diễn ra ở làng Dơng. Trước Tết Nguyên đán, để tạ ơn Yàng đã ban cho dân làng cái giếng hiếm hoi còn nước trong mùa cạn và cầu xin Yàng phù hộ cho giếng nước ấy luôn dồi dào, không bị cạn kiệt, bà con trong làng vận động mỗi nhà đóng góp 50 nghìn đồng, mua 2 con heo to về để trước giếng nước và cúng. Anh Kiệt chia sẻ thêm: “Nhà tôi ở xa cái giếng này, nhưng sáng nào thằng con trai mới 10 tuổi cũng phải đến đây đong nước mang về dùng. Bà con trong làng cứ thay phiên nhau lấy nước. Hiện tại, dân ở các làng gần đây cũng phải đến giếng nước này xin nước về dùng”.

Người dân phải đi xuống sông, suối đóng nước vào chai mang về dùng.
Người dân phải đi xuống sông, suối đóng nước vào chai mang về dùng.

Ngoài làng Dơng và một số khu vực trong thị trấn Kông Chro, xã Kông Yang là một trong những xã khô khát nhất của huyện Kông Chro vì thiếu nước sinh hoạt. Hộ ông Huỳnh Văn Hiểu (thôn 5, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) đã sinh sống tại đây gần 20 năm và thiếu nước sinh hoạt không phải là thực trạng bây giờ mới diễn ra, song theo nhận định của ông, chưa khi nào giếng nước nhà ông lại cạn kiệt sớm như vậy. “Nhà tui làm nghề làm mì sợi, cần nhiều nước lắm. Khổ nỗi giếng đào chừng 10m thì gặp đá nên nước không nhiều. Hơn một tháng trở lại đây, giếng cạn nên bơm rất vất vả, mỗi lần bơm được 10 -15 phút là hết nước. Giếng nước ở đây lại bị nhiễm phèn. Giờ giếng cạn, phèn càng đóng nhiều hơn. Vậy nhưng vẫn khá hơn giếng nhiều nhà khác, có nhà giếng chỉ bơm được vài can nước là hết, nước đục ngầu”, ông Hiểu chia sẻ.

Còn đối với hộ ông Lương Văn Tạo (cùng ở thôn 5, xã Kông Yang) dù đã mất mấy chục triệu thuê thợ khoan giếng nhưng tới chừng 80m thì gặp đá, mũi khoan không thấu nên đành dừng lại. Dù ở độ sâu 80m nhưng nước giếng vẫn chỉ có rất ít. Ngoài mùa mưa có nguồn nước dồi dào, còn lại quanh năm suốt tháng, hộ nhà ông phải dùng xe đi xin nước từ hộ khác về dùng.

Bao giờ hết thiếu nước sinh hoạt?

Bao giờ hết thiếu nước sinh hoạt?, đó là câu hỏi đặt ra từ nhiều năm trở lại đây ở huyện nghèo Kông Chro. Với một huyện xa xôi, không được thiên nhiên ưu đãi và đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc thiếu nước sinh hoạt trầm trọng càng nhân lên khó khăn cho người dân Kông Chro. Nguyên nhân không chỉ bởi khó khăn trong việc khai thác hệ thống nước ngầm, nước mạch do địa chất phức tạp, việc khoan đào giếng dễ gặp đá mà còn bởi nhiều yếu tố khác, trong đó có việc hạ tầng cung cấp nước vẫn còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, tại thị trấn Kông Chro hiện mới chỉ có khoảng 600 hộ, trong tổng số trên 3.000 hộ dân, nơi có tuyến nước đi qua, đăng ký lắp công-tơ nước do Trạm Quản lý nước và Công trình đô thị huyện Kông Chro cung cấp.

Khô hạn khiến người dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai thiếu nước sinh hoạt
Khô hạn khiến người dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai thiếu nước sinh hoạt

Theo ông Huỳnh Văn Hội - Phó phụ trách Trạm Quản lý nước và Công trình đô thị huyện Kông Chro, có nhiều nguyên nhân khiến cho số hộ đăng lý sử dụng nước máy tại thị trấn Kông Chro đạt thấp so với thực tế nhu cầu dùng nước sạch tại đây, như: người dân chưa có thói quen tiêu dùng nước máy, đặc biệt là đối tượng các hộ là người dân tộc thiểu số vốn có tập quán dùng nước sông, nước giọt, nước giếng đào; cơ sở hạ tầng đường ống dẫn nước vẫn còn một số nơi chưa đảm bảo. Ông Hội cũng thừa nhận, hệ thống máy móc, trang thiết bị của Nhà máy nước được đưa vào hoạt động từ năm 1993, nay đã cũ và lạc hậu. Dù đã được sửa chữa, nâng cấp một vài lần song trong điều kiện nguồn kinh phí đầu tư ít nên chẳng cải thiện được bao nhiêu.

“Mặt khác, nước đầu vào lấy từ sông Ba không còn đảm bảo như trước. Nước sông cạn kiệt, đầu nguồn có nhiều nhà máy hoạt động nên nguồn nước bề mặt bị đục. Thêm việc ngăn dòng thủy điện, và đắp đập khiến độ đục càng tăng lên. Hóa chất xử lý nước đã tăng lên nhưng chất lượng nước đầu ra vẫn không thể đảm bảo đạt tiêu chuẩn. Nhà máy nước huyện Kông Chro có công suất 1.500m3/ngày đêm, nhưng thực chất chỉ cung cấp khoảng 400 - 500 m3/ngày đêm do diện tích các bể chứa hạn chế”, ông Hội cho biết thêm.

Trước thực trạng này, chính quyền và ngành chức năng địa phương cũng đã nỗ lực tìm các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Được biết, huyện Kông Chro đang có chủ trương xây dựng Nhà máy nước mới lấy nguồn nước đầu vào dẫn từ sông Pa Kơ, cách trung tâm thị trấn khoảng chục km và có chất lượng nguồn nước mặt tốt hơn so với nguồn nước lấy tại sông Ba hiện nay. Dự án đã được triển khai từ đầu năm 2016, hy vọng khi dự án hoàn thành, cùng với việc đầu tư mở rộng đường ống cấp nước trên địa bàn, người dân Kông Chro sẽ không còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt.

Bài & ảnh: Quế Mai