Hạn, mặn bủa vây - Bến Tre công bố thiên tai năm 2016

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 19/02/2016

  (TN&MT) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập vừa ký ban hành Quyết định số 294/QĐ-UBND công bố thiên tai xâm nhập mặn năm 2016 trên địa bàn...

 

(TN&MT) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập vừa ký ban hành Quyết định số 294/QĐ-UBND công bố thiên tai xâm nhập mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Sau Kiên Giang, đây là tỉnh thứ hai ở ĐBSCL công bố thiên tai xâm nhập mặn trong kỳ đại hạn, mặn năm 2016.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre, điều đáng quan tâm hiện nay là con số thiệt hại trên đang tăng dần trước tình hình khô hạn diễn ra ngày càng gay gắt (nắng nóng kéo dài, mực nước trên các dòng sông thấp). Hiện các sông chính ở Bến Tre đã có độ mặn 4 ‰ và đang xâm nhập sâu vào các nhánh sông nhỏ từ 45 - 60km. Do mặn bao trùm ở nhiều nơi, việc sản xuất và sinh hoạt của người dân đã bị ảnh hưởng. Hạn mặn gây thiệt hại lúa Đông Xuân tại nhiều địa phương trong tỉnh Bến Tre.

Theo thống kê, tổng diện tích lúa đông xuân 2015-2016 đã bị thiệt hại trên 10.000ha (phần lớn diện tích nằm ở huyện Ba Tri), hàng trăm diện tích cây ăn trái ở các huyện như Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành… bị thiếu nước ngọt, ảnh hưởng nặng đến năng suất.

Tại huyện Giồng Trôm vụ Đông xuân 2015-2016, nông dân đã xuống giống trên 2.600 ha. Do ảnh hưởng nước mặn lên sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, trong đó trên 1.000 ha lúa Đông xuân đang đứng trước nguy cơ bị mất trắng. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện nay có trên 210 ha lúa bị thiệt hại nặng do hạn, mặn và xì phèn. Hầu hết diện tích lúa bị chết do xuống giống trễ, cây lúa còn non, những vùng nằm sâu bên trong, khó tiêu nước. Số diện tích còn lại, cây lúa còn xanh, nhưng không phát triển được, ước thiệt hại trên 1.000 ha vào cuối vụ.

Còn tại huyện Ba Tri, hiện nay nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã gây thiệt hại nặng nề trên trà lúa vụ Đông Xuân 2015-2016. Nhiều diện tích thiệt hại nặng, nông dân đành bỏ ruộng hoang. Một số nơi nông dân nỗ lực chăm sóc nhằm giữ lại lúa lấy rơm nuôi bò, nhưng cũng không chắc sẽ mang lại hiệu quả. Được biết trong vụ lúa Đông Xuân 2015-2016, toàn huyện Ba Tri đã canh tác 11.200 ha. Hiện lúa đang trong giai đoạn làm đồng và trổ. Tính đến ngày 16/2, diện tích lúa bị thiệt hại do mặn là 8.668 ha, chiếm 77,4% tổng diện tích gieo sạ. Trong đó thiệt hại trên 70% là 3.812 ha; lúa bị thiệt hại từ 30% – 70% là 4.859 ha.

Cũng bị ảnh hưởng từ đại hạn, mặn tại huyện Bình Đại đã có nhiều diện tích hoa màu, cây trồng . Vụ màu năm 2016, huyện Bình Đại có 156 ha, trước Tết nguyên đán nông dân  thu hoạch xong 114 ha, sau tết diện tích rau màu trên ruộng còn khoảng 42 ha. Tuy nhiên gần 2 tuần qua, tình trạnh rau màu chết do nước mặn xâm nhập ngày càng nhiều, diện tích thiệt hại lên đến gần 25 ha, trong đó xã Châu Hưng có 13 ha bị mất trắng.

Theo số liệu từ Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật  huyện cho biết, con số thiệt hại trên rau màu tại Châu Hưng, địa phương chiếm gần 50% diện tích rau màu toàn huyện có thể tăng lên đến 20 ha nếu tình hình xâm nhập mặn không được cải thiện. Nếu như mọi năm, nước mặn xuất hiện vào cuối tháng 11, sau đó nước ngọt cho đến tháng 3 mới mặn trở lại, thì năm nay từ cuối tháng 11 tới nay nước luôn mặn và độ mặn ngày càng tăng, nông dân không lường trước được, nên không thể né mặn cho việc trồng màu và trồng lúa. Không chỉ có rau màu và cây lúa bị thiệt hại nhiều, mà cây nhãn – cây ăn trái chủ lực của huyện cũng có nguy cơ bị bệnh tấn công, nhất là bệnh chổi rồng. Hiện nay, nhiều nhà vườn thu hoạch nhãn xong, nhưng do chưa có nước ngọt để tưới, nên nông dân không dám bón phân, tưới nước, tỉa cành tạo tán để phục hồi cây và phun thuốc phòng bệnh. Nếu xâm nhập mặn kéo dài, 1.900 ha nhãn của huyện có khả năng bị ảnh hưởng nặng, vì mùa nắng là điều kiện thuận lợi để bệnh chổi rồng phát triển.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino năm 2015 sẽ đạt cường độ tương đương với El Nino mạnh kỷ lục năm 1997-1998. Ngoài ra, có đến trên 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài đến hết mùa đông xuân năm 2015-2016. Ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino 2015-2016 cũng sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Lượng mưa ở khu vực Nam bộ từ cuối năm 2015 đến tháng 4/2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20%-40%, mùa mưa có khả năng sẽ kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Theo số liệu quan trắc từ Đài khí tượng thuỷ văn Bến Tre cho biết, độ mặn 4%o trên các sông chính đã xâm nhập sâu cách các cửa sông từ 45 – 65km, độ mặn 1%o cách các cửa sông từ 50 – 70 km, 155/164 xã phường thị trấn của tỉnh Bến Tre bị xâm nhập mặn. Cây lúa là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất do hạn mặn, với diện tích thiệt hại lên đến trên 10.000 ha. Còn các loại cây ăn trái mặc dù chưa ghi nhận thiệt hại, nhưng trước dự báo xâm nhập mặn sâu và kéo dài, thiệt hại là không tránh khỏi. Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và Bến Tre là một trong những tỉnh chịu tác động nặng nhất, trong đó có tình hình xâm nhập mặn. Theo Quyết định UBND tỉnh Bến Tre giao cho các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.  

Trong mùa khô 2016, tổng lượng dòng chảy từ sông Mekong về khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thiếu hụt so với TBNN từ 20%-40%, mực nước tại các trạm chính trên sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Với dự báo dòng chảy thượng nguồn sông Cửu Long thiếu hụt nhiều, xâm nhập mặn tại vùng ven biển ĐBSCL sẽ xuất hiện sớm, vào sâu trong đất liền so với TBNN cùng kỳ. Xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp nước cho nông nghiệp và dân sinh.

Bài & ảnh: Giang Sơn