Vì sao Cty CP Cơ điện VN bị loại khỏi Dự án thăm dò, khai thác đá thạch anh?
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 03/02/2016
Ngày 22.6.2011, UBND tỉnh Sơn La ra Quyết định số 1446/QĐ-UBND, giao chủ đầu tư lập dự án khảo sát, thăm dò, quy hoạch khai thác thạch tại bản Phiêng Ban A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên cho Cty CP Cơ điện Việt Nam. Nhưng đến ngày 30.10.2015, UBND tỉnh Sơn La ra Quyết định số 2625, thu hồi quyết định 1446; không chấp thuận Cty CP Cơ điện Việt Nam làm chủ đầu tư dự án.
Với lý do: Cty CP Cơ điện Việt Nam đã vi phạm điểm c, khoản 1, Điều 58, Luật Khoáng sản năm 2010 đối với Giấy phép khai thác, chì kẽm số 2839/QĐ-UBND, ngày 15.11.2008 tại mỏ suối Cù, xã Huy Tân; suối Bốc, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Và tại điểm e, khoản 1, mục III của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP, ngày 6.12.2012 của Chính phủ về thực hiện chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25.5.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ III, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2012 – 2016.”
Cùng với đó, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 230/QĐ-UBND, ngày 10.2.2014 về việc thu hồi Giấy phép số 2840/QĐ-UBND, ngày 15.11.2008 của UBND tỉnh Sơn La cấp cho Cty CP Cơ điện Việt Nam chế biến chì, kẽm tại bản Giáo, xã Huy Tân, huyện Phù Yên và Quyết định số 2791/QĐ-UBND, ngày 20.10.2014 của UBND tỉnh Sơn La thu hồi Giấy phép số 2839/QĐ-UBND, ngày 15.11.2008 cấp cho Cty CP Cơ điện Việt Nam khai thác chì, kẽm tại suối Cù, xã Huy Tân; suối Bốc, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên (Sơn La). Với lý do: Chủ Giấy phép khai thác khoáng sản đã vi phạm điểm c, khoản 1, Điều 58, Luật Khoáng sản năm 2010, cụ thể: Cty chưa thực hiện thuê đất tại khu vực suối Bốc, bản Nà Lìu, xã Huy Hạ; chưa ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định; chưa có đề án cải tạo phục hồi môi trường; chưa có sổ đăng ký chủ nguồn thải nguy hại theo đúng quy định của pháp luật; chưa thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa thực hiện quan trắc, giám sát môi trường đầy đủ đúng quy định.
Trước tình hình đó, các cơ quan quản lý, chức năng trên địa bàn tỉnh Sơn La nhiều lần đôn đốc phía Cty CP Cơ điện Việt Nam đóng cửa mỏ đối với những mỏ đã hết quyền khai thác. Nhưng sang đến quý II/2015, phía Cty vẫn không thực hiện theo đúng quy định của luật pháp.
Ông Triệu Ngọc Hoan, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, cho biết: Ngày 28.2.2013 Sở đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty CP Cơ điện Việt Nam về hành vi không thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá, tác động môi trường đã được phê duyệt với số tiền 40 triệu đồng.
Vị trí mỏ thạch anh tại bản Phiêng Ban A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La |
Như vậy, Cty CP Cơ điện Việt Nam trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đã không chấp hành đầy đủ các thủ tục, quy định pháp luật về khoáng sản. Cty CP Cơ điệnViệt Nam đã bị “mất điểm” bởi hàng loạt các quy định của Nhà nước về khai thác khoáng sản nhưng không thực hiện.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Sơn La lựa chọn nhà thầu khác, (cụ thể là Cty CP Trung Hưng làm chủ đầu tư dự án thăm dò, đánh giá trữ lượng làm cơ sở để lập hồ sơ cấp phép khai thác điểm mỏ thạch anh, tại bản Phiêng Ban A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên); là 1 trong 3 đơn vị tham gia dự án sáng giá nhất để thực hiện dự án nêu trên.
Vậy, việc lựa chọn đơn vị có đủ năng lực để triển khai, thực hiện một dự án, đó có phải là việc làm sai trái? Trước những “lùm xùm”, “bê bối” của Cty CP Cơ điện Việt Nam liệu UBND, tỉnh Sơn La có dám bỏ qua các quy định của Nhà nước và luật pháp để trao quyền thăm dò, quy hoạch khai thác đá thạch anh, tại bản Phiêng Ban A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên cho Cty CP Cơ điện Việt Nam hay không?
Trước đó, UBND tỉnh Sơn La và các cấp chính quyền sở tại của tỉnh đã tạo điều kiện cho Cty CP Cơ điện Việt Nam khai thác khoáng sản trên địa bàn. Vậy tại sao Cty không thực hiện đầy đủ các quy định của một đơn vị khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Nhà nước và luật pháp? Giả thiết đặt ra: Nếu đơn vị nào cũng “mất điểm” như Cty CP Cơ điện Việt Nam (đều không thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về khai khoáng) và sau mỗi lần “bại trận” lại tố chính quyền thì liệu có hay không sự công bằng, tôn trọng, bình đẳng trong một sân chơi? Và tới đây chính quyền nào dám trao dự án thăm dò, khai thác khoáng sản cho Cty CP Cơ điện Việt Nam?.
Bất luận thế nào Cty CP Cơ điện Việt Nam cũng không thể phủ định việc phía Cty đã không chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về việc khai thác khoáng sản tại địa bàn Sơn La. Dẫn đến việc Cty bị “thổi còi” tước quyền khai thác khoáng sản là điều không tránh khỏi. Và đây cũng là lý do khiến Cty CP Cơ điện Việt Nam liên tục bị thu hồi giấy phép cũng như tước quyền thăm dò, quy hoạch khai thác thạch anh tại huyện Bắc Yên.
Chiểu theo điểm e, khoản 1, mục III Nghị quyết số 82 của Chính phủ (ngày 6.12.2012, gạch đầu dòng thứ 3) chỉ rõ: “Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép khai thác tài nguyên: Không gia hạn, bổ sung hoặc cấp mới giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản cho các doanh nghiệp không bảo đảm đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật” thì UBND tỉnh Sơn La đã thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình.
Thiết nghĩ, không riêng gì Cty CP Cơ điện Việt Nam mà bất cứ công ty nào hoạt động khai thác khoáng sản thì đều phải tuân thủ theo các quy định của Nhà nước và pháp luật. Chính quyền nào cũng mong muốn các công ty hoạt động trên địa bàn mang lại lợi ích chính đáng cho địa phương và người dân. Nhưng không phải vì thế mà làm bằng mọi giá. Cty CP Cơ điện Việt Nam muốn có được vị thế thì không còn con đường nào khác ngoài việc chấp hành nghiêm các yêu cầu của luật và quy định của Nhà nước về việc khai khoáng tại Sơn La.
Bài & ảnh: Trần Hương