Huyền thoại bến En

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/02/2016

(TN&MT) - Được ví như một “Hạ Long thu nhỏ” của xứ Thanh, thiên nhiên đã ban tặng cho Vườn Quốc gia Bến En đầy đủ những hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng của rừng phía Bắc dãy Trường Sơn. Cùng với những lớp trầm tích văn hóa ẩn sâu trong đời sống của con người nơi đây, tất cả đã tạo nên vẻ đẹp muôn màu cho Bến En.

Huyền thoại giữa đại ngàn

Ai đã từng một lần tới Bến En chắc không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng, quyến rũ của dòng sông Mực quanh năm tĩnh lặng nằm uốn lợn giữa bao la núi rừng. Nước sông Mực không xanh màu xanh của mây trời, cũng chẳng xanh màu xanh của đại ngàn, chẳng biết tự bao giờ dòng sông ấy đã xanh một nét riêng nhuốm bao màu huyền thoại. Chuyện rằng, từ thuở hồng hoang có một chàng Mực, con trai Long Vương ngược theo dòng nước từ biển Đông bơi sâu vào đất liền dạo chơi, ngắm cảnh. Mải mê rong chơi trước cảnh sắc núi non hùng vĩ, quên mất giờ về nên khi thủy triều rút, chàng Mực bị mắc cạn tại đây. Không thể trở về biển khơi, nhớ thương quê hương chàng khóc thảm thiết rồi nằm chết giữa đại ngàn xanh thẳm. Nước mắt nhớ thương, hối hận của chàng trai đã “nhuộm” xanh cả một khúc sông, nơi đó chính là sông Mực. Nơi chàng vùng vẫy tạo thành hồ sâu và những tua mực là những dòng suối nhỏ.

Không chỉ được “thêu dệt” bởi câu chuyện của chàng hoàng tử rong chơi mà sắc xanh của “dòng sông huyền thoại” ấy còn được dệt lên bởi chuyện tình buồn giữa chàng trai người dân tộc Thổ và cô gái người Mường. Không phải ngẫu nhiên mà giữa 21 hòn đảo nằm uốn mình theo dòng sông Mực huyền ảo lại có một hòn đảo mang tên gọi Đảo Tình yêu. Có tên gọi này, bởi dân gian tại đây vẫn lưu truyền câu chuyện của cô con gái người dân tộc Thái tuổi vừa đôi tám, xinh đẹp, nết na, được người cha vô cùng yêu quý, coi như viên ngọc lục bảo trên tay và mong muốn sẽ gả cô cho một người xứng đáng. Xinh đẹp tựa trăng rằm, người con gái ấy được bao trai bản phải lòng nhưng cô gái không ưng thuận với bất cứ người nào được cha cô lựa chọn mà chỉ đem lòng yêu chàng trai người Thổ, một người ăn, kẻ ở trong nhà và thành khẩn xin cha cho phép toại nguyện. Tuy nhiên, người cha đã phản đối kịch liệt và để ngăn cấm 2 người đến với nhau, ông đã trói chàng trai vào chuồng trâu, đánh đập và để phơi sương, phơi nắng hết ngày này qua ngày khác.

Thương người yêu, hận người cha, vào một đêm giông bão, người con gái đã lén cởi trói cho chàng trai và đánh cắp của cha một con thuyền độc mộc trao cho chàng trai. Hai người chia tay nhau cùng lời hẹn chàng trốn ra phía Đông đi tìm miền đất hứa, khi nào có đất sẽ về đón người yêu để cùng sinh sống trọn đời bên nhau. Sau khi chia tay, hàng ngày, người con gái đều ra đứng nơi ngọn đồi cao nhất nhìn về hướng Đông chờ người yêu quay trở lại.

Đến một ngày, gia đình không thấy nàng quay về liền sai người đi tìm, đến nơi ngọn đồi thì thấy nàng đã chết. Khi gia đình đến định đem nàng về an táng, nơi nàng nằm xuống, mối đã đùn lên thành một ngôi mộ. Gia đình quyết định để nàng lại nơi đây. Sau 1 năm, trên ngôi mộ mọc lên một cây Xương cá, vốn là một loài cây cao không quá 5 mét nhưng lạ thay, cây Xương cá này lớn rất nhanh và chẳng bao lâu đã cao hơn tất cả những cây rừng xung quanh. Người ta bảo rằng, đó là linh hồn người con gái đã nhập vào cây Xương cá này nên nó trở nên cao lớn để có thể thấy được người yêu ngay khi anh ấy quay trở về. Một điều kỳ thú nữa là cây Xương cá quanh năm rụng lá, khô gầy nhưng đến cuối đông - đầu Xuân, tất cả những cành nhánh tưởng chừng đã khô lại bật chồi xanh biếc, lộng lẫy giống như người con gái vừa mới trang điểm để đón chờ người yêu quay về.

Có một điều hấp dẫn, ở Bến En có đảo Tình yêu như minh chứng cho lòng sắt son, chờ đợi thì cũng có Đảo vợ - Đảo chồng đứng cạnh nhau biểu tượng cho tình yêu vĩnh cửu. Truyền thuyết kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có một người con gái xứ Mường xinh đẹp tuyệt trần đem lòng yêu một chàng trai có sức địch muôn người, có khả năng tay không bắt hổ nhưng vì gia đình chàng trai nghèo khó nên không được cha mẹ cô gái đồng ý. Hai người bèn rủ nhau trốn lên rừng để cùng chung sống. Khi ấy rừng còn bao phủ khắp nơi, trong rừng có rất nhiều mảnh thú, vì vậy, mỗi lần vợ ngủ người chồng lại ngồi cạnh canh cho vợ ngủ đề phòng bị thú dữ ăn thịt hoặc bị người làng bắt về.

Hai người đã sống một cuộc sống hạnh phúc và sinh ra các dân tộc trên vùng Như Thanh – Như Xuân ngày nay. Đến một ngày người vợ ngủ mãi không tỉnh lại nữa, người chồng cứ ngồi canh như vậy cho đến khi cả 2 người hóa thân thành 2 hòn đảo cạnh nhau, Đảo vợ - Đảo chồng như một bằng chứng cho tình yêu vĩnh cửu của những người yêu thương và hết lòng vì nhau.

Để rừng mãi xanh

Với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, giờ đây, Bến En đã trở thành “mái nhà xanh” cho muôn loài khi nơi đây đang hiện ghi nhận sự tồn tại của 91 loài, thuộc 28 họ và 10 bộ khác nhau với những loài quý hiếm đã được liệt kê vào Sách đỏ Việt Nam như: Hổ, Báo hoa mai, Báo gấm, Gấu và Bò tót... Nơi đây còn trở thành nơi cư trú của 261 loài chim. Đặc biệt, hiện tại quần thể Cò trắng, Cò Bợ, Diệc Xám xuất hiện ở đây với số lượng rất lớn, số cá thể có loài lên tới hàng nghìn con. Điều này càng khẳng định rõ tính đa dạng khu hệ chim ở Vườn quốc gia (VQG) Bến En, không chỉ đa dạng về số loài mà còn số lượng cá thể của mỗi loài.

Để có vẻ đẹp muôn màu này, không thể không kể tới sắc xanh của những người kiểm lâm đang ngày đêm giữ rừng. Xác định nhiệm vụ giữ màu xanh cho những tán rừng luôn là nhiệm vụ hàng đầu, chính vì vậy, Vườn đã hình thành có 8 trạm kiểm lâm, mỗi trạm có 3 - 5 người nhưng có tới 4 chốt bảo vệ xung yếu. Với diện tích trên 14.734,67 ha, lại trải dài trên 2 huyện Như Thanh và Như Xuân của Thanh Hóa nên công tác bảo vệ rừng của cán bộ kiểm lâm nơi đây gặp muôn vàn khó khăn. Vào dịp Tết này, toàn bộ cán bộ của Vườn đã lên kế hoạch trực 24/24, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những cánh rừng.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Bến En, ngày thường tại Vườn Quốc gia Bến En đã có cán bộ chiến sĩ phải dựng lán “cắm chốt” sống giữa rừng già để đảm bảo công tác tuần tra. Rồi cũng có anh, một mình tình nguyện dựng lán trại giữa hòn đảo, sinh sống như “Robinson”. Do địa bàn các trạm của Vườn đều nằm cách xa trung tâm, đường đi lại khó khăn, nên điều kiện sinh hoạt của cán bộ kiểm lâm ở đây rất thiếu thốn. Các trạm gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Việc cập nhật tin tức thời sự và sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn, vì điện chỉ đủ thắp sáng, sóng radio chập chờn. Sóng điện thoại thỉnh thoảng lại “ò í e” địa hình núi cao chia cắt. Lương thực, thực phẩm sử dụng hằng ngày cho sinh hoạt cũng không đảm bảo, vì vậy, cán bộ kiểm lâm ở đây thường xuyên phải sử dụng thực phẩm khô. Hôm nào gặp người dân đi chợ cán bộ kiểm lâm mới nhờ mua giúp thực phẩm tươi sống để cải thiện.

Tết đến, nhà nhà sum họp nhưng với cán bộ kiểm lâm của Bến En nhiều người phải đón Tết giữa rừng, bởi đây là thời khắc phải phải canh phòng “căng” hơn ngày thường. Đêm 30, giữa đại ngày có anh may mắn “câu” được sóng điện thoại gọi được về cho gia đình còn lại ngồi quây quần bêm bếp lửa kể chuyện đón Tết ở quê cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Giao thừa đến, cả nước được xem bắn pháo hoa qua cầu truyền hình, nghe lời chúc tết đầu năm mới của Chủ tịch nước, còn ở rừng, mọi người lại ngắm sắc xuân từ vô số nhánh lan rừng đang khoe nở. Anh em bảo đó là pháo hoa của rừng, pháo hoa của niềm kiêu hãnh, pháo hoa của nhớ nhung quê nhà, pháo hoa của an bình về với đại ngàn.

Vẻ đẹp của non nước mây trời, của đại ngàn, của sắc xanh màu áo kiểm lâm, tất cả đã tạo nên vẻ đẹp rất riêng của Bến En mà không phải nơi nào cũng có được.


Nguyễn Cường