Xây dựng hệ thống cơ sở đất đai đa mục tiêu, phục vụ đa ngành

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/12/2015

 (TN&MT) - Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng đa mục tiêu, phục vụ đa ngành, đa đối tượng sử dụng là một đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển của đất nước.

Theo Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về ngành và các ngành kinh tế - xã hội, thu thuế đối với người sở hữu, sử dụng đất đai, đặc biệt là cơ sở để bảo vệ quỹ đất công của Nhà nước, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sử dụng đất.

Thực tế, vào cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai" giao Bộ TN&MT là cơ quan chủ quản Dự án. Dự án sẽ xây dựng, triển khai, quản lý, vận hành, khai thác, cập nhật hệ thống thông tin đất đai quốc gia thống nhất gồm các dữ liệu đất đai chuyên đề, qua các thời kỳ.

Theo đó, sẽ xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu đất đai trung tâm và hệ thống quản lý, cập nhật, khai thác tại Bộ TN&MT. Xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu đất đai thành phần và hệ thống quản lý, cập nhật, khai thác tại các địa phương. Đồng thời, sẽ kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với các ngành có nhu cầu; xây dựng các quy chế cập nhật, khai thác, vận hành hệ thống lâu dài đảm bảo tính đồng bộ, trách nhiệm đúng thẩm quyền của tổ chức, cá nhân tham gia hệ thống từ cấp Trung ương đến các cấp địa phương…

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng đa mục tiêu, phục vụ đa ngành, đa đối tượng. Ảnh: Hoàng Minh
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng đa mục tiêu, phục vụ đa ngành, đa đối tượng. Ảnh: Hoàng Minh

Theo Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 6/8 huyện, thị xã, thành phố thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai qua đó cho thấy, việc liên thông cơ sở dữ liệu (CSDL) về đất đai từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đã chấm dứt tình trạng dữ liệu phân tán dẫn đến nhiều sai sót như: trùng thửa; cập nhật biến động không thường xuyên, không kịp thời, dẫn đến những sai sót trong quá trình quản lý đất đai...

Thông qua hệ thống tập trung này, việc tra cứu truy cập thông tin đất đai của các cấp được dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi; cán bộ Văn phòng Đăng ký cấp tỉnh, huyện có thể cập nhật, đồng thời, cùng một lúc tất cả những kết quả đăng ký lần đầu cũng như những biến động đất đai, nhà ở, tài sản phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng đất tại địa phương như chia tách thửa, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, thế chấp, bổ sung tài sản … Nhờ vậy, giảm được rất nhiều thời gian, nhân lực cho việc chỉnh lý bản đồ, hồ sơ, sổ bộ địa chính ở các cấp, CSDL địa chính sau khi hình thành luôn được cập nhật thường xuyên, đầy đủ và tại mọi thời điểm luôn phản ánh thông tin mới nhất của các thửa đất.

Để đẩy mạnh thực hiện công tác này, Cục Đăng ký đất đai đề xuất, trên cơ sở các nghiên cứu và ý kiến các chuyên gia để lựa chọn một mô hình hệ thống, cấu trúc hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu và trên một phần mềm thống nhất cả nước để quản lý. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là về các quy chế quản lý, quy trình, quy định kỹ thuật về giao dịch điện tử, liên thông dự liệu.

Ngoài ra, tiếp tục kiện toàn hệ thống Văn phòng Đăng lý đất đai để cập nhật biến động, vận hành cơ sở quản lý. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành, chuyển đổi tư duy quản lý vận hành truyền thống trước đất sang quản trị hệ thống hiện đại.

Ở Việt Nam, việc xây dựng này đã được thực hiện từ năm 2004, sau Thông tư 29/2004 của Bộ TN&MT và được triển khai ở nhiều địa phương qua nhiều chương trình dự án. Đến nay, cả nước có 240/713 quận, huyện đã được đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó, có 107 đơn vị đưa nó vào vận hành, khai thác, sử dụng; 59/107 đơn vị của 9 tỉnh đã vận hành theo mô hình tập trung liên thông theo 3 cấp: cấp xã – huyện – tỉnh.

Tuyết Nhi