PEMSEA đồng hành cùng Việt Nam trong quản lý môi trường vùng bờ biển

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 10/11/2015

(TN&MT) - Việt Nam khai thác, sử dụng vùng bờ biển trong bối cảnh của một quốc gia đang phát triển. Tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại  hoá là các mục tiêu được ưu tiên cao của Chính phủ. Vì vậy, hoạt động khai thác, sử dụng đã nảy sinh mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian giữa các ngành/người sử dụng. Trước tình hình này, Việt Nam đã cân nhắc áp dụng các cơ chế, chính sách và công cụ quản lý mới đó là cách tiếp cận quản lý tổng hợp thống nhất vùng bờ với sự giúp đỡ mật thiết trên nhiều phương diện của Tổ chức các đối tác Biển Đông Á (PEMSEA).

Sau khi Viêt Nam cùng 11 quốc gia khác ký Tuyên bố Putrajaya cam kết thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA), vào tháng 11 năm 2009, tại Philippin các nước thành viên PEMSEA đã ký Tuyên bố Manila về việc đẩy mạnh thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ cho phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực biển Đông Á. Từ đây PEMSEA đã triển khai hàng loạt các hoạt động thiết thực thông qua các dự án cam kết với Việt nam để thực thi hoạt động quản lý môi trường vùng bờ biển, ứng phó BĐKH. Dự án đầu tiên phải kể tới đó là “Lồng ghép chính sách quy hoạch không gian biển với bảo vệ đa dạng sinh học và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản”. Dự án này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với World Bank Việt Nam thực hiện. Tiếp theo là việc hỗ trợ dự án  “Tăng cường thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á ” thuộc Chương trình khu vực “Giảm thiểu ô nhiễm và tái tạo nguồn tài nguyên biển bị xuống cấp tại khu vực biển Đông Á thông qua việc thực hiện các thỏa thuận liên chính phủ và đầu tư đòn bẩy”. Dự án do PEMSEA điều phối, Bộ tài nguyên và môi trường chủ trì, Tổng cục Biển và Việt Nam là đầu mối thực hiện.

Nhiều địa phương có biển trong cả nước đã đánh giá được thực trạng môi trường biển ven bờ của tỉnh mình. Ảnh: MH
Nhiều địa phương có biển trong cả nước đã đánh giá được thực trạng môi trường biển ven bờ của tỉnh mình. Ảnh: MH

Để triển khai dự án này, PEMSEA đã ký Bản thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững biển Đông Á (SDS-SEA) tại Việt Nam giai đoạn 1: 2009-2013 với kinh phí cam kết tài trợ là 459.000 USD, trong đó Tổng cục Biển và Hải đảo được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ“Triển khai Chương trình Quản lý tổng hợp vùng bờ hỗ trợ thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững biển Đông Á tại Việt Nam”, với kinh phí hỗ trợ 117.000 USD. Theo đó, dư án  gồm 5 nhiệm vụ chính đó là: Thiết lập cơ chế, thể chế cho việc áp dụng thực hiện phương thức QLTHVB và điều phối thực hiện ở cấp quốc gia; Khởi động thực hiện Chương trình khung 5 năm QLTHVB; Khởi động Chương trình QLTHVB ưu tiên tại các tỉnh thành khu vực Bắc, Trung, Nam;  Chuẩn bị một lộ trình xây dựng nguồn nhân lực hỗ trợ chương trình khung 5 năm cho việc nhân rộng QLTHVB;  Tổ chức Diễn đàn các nhà lãnh đạo chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và đảm bảo cam kết chính trị trong thực hiện QLTHVB.  Tham gia và hưởng lợi từ hoạt động dự án này giai đoạn 1 có 10 địa phương được lựa chọn đó là: Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Kết thúc giai đoạn 1, PEMSEA đã hỗ trợ Viêt Nam xây dụng được Báo cáo cáo quốc gia về kế hoạch 5 năm thực hiện chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á tại Việt Nam, trong đó nêu rõ, những chính sách cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường vùng bờ biển; Những văn bản cần thiết để thực hiện việc phân vùng, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu  rủi ro thiên tai vùng bờ; Thực hiện lồng ghép các mục tiêu của  SDS-SEA /ICM vào các kế hoạch phát triển, đầu tư trung hạn cấp Trung ương và địa phương; Các sắp xếp cho việc lập kế hoạch ưu tiên để triển khai được hoạt động này.

Ngoài ra, báo cáo quốc gia sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á còn làm rõ tầm quan trọng của việc nhân rộng hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm đạt mục tiêu của quốc gia về bảo vệ môi trường và phát trển bền vững vùng bờ biển, đồng thời đảm bảo cho việc duy trì chương trình và cơ chế tài chính cho hoạt động thiết thực này.

Dự án còn đưa ra được Dự thảo cơ chế QLTHVB tại Việt Nam; Cam kết thực hiện chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ ký giữa PEMSEA, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (VASI) và 10 tỉnh điểm ven biển; Báo cáo thiết lập thể chế trong QLTHVB;  Dự thảo Chương trình khung 5 năm về QLTHVB cho giai đoạn tiếp theo 2014  - 2019 và chuẩn bị cho việc triển khai Giai đoạn 2;  Báo cáo lộ trình xây dựng nguồn nhân lực cho QLTHVB và Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về QLTHVB, Báo cáo thực trạng vùng bờ và Hệ thống quản lý thông tin tích hợp cho 10 tỉnh triển khai dự án.

Dẫu đến nay, việc nhận thức về xây dựng mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ ở cả cấp trung ương và địa phương còn chưa thống nhất, có nhiều cách hiểu khác nhau. Song, nhờ việc thực thi Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á do PEMSEA tài trợ , nhiều địa phương có biển trong cả nước đã đánh giá được thực trạng môi trường biển vùng ven bờ của tỉnh mình, tích hợp trong hệ thống cơ sở dữ liệu biển. Từ đó, có những giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện hành động cụ thể để kiểm soát nguồn thải từ lục địa ra biển. Đồng thời  thực thi nhiều chính sách pháp luật quan trọng để hạn chế xung đột lợi ích khi khai thác tài nguyên biển ven bờ; xây dựng được cho địa phương mình kế hoạch hành động quản lý tài nguyên môi trường vùng bờ lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 Và kết quả to lớn từ việc thực thi các mô hình điểm về quản lý tổng hợp vùng bờ cũng là một trong những căn cứ khoa học và thực tiễn giúp Việt Nam xây dựng Bộ luật Tài nguyên môi trường biển lấy phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên môi trường biển hải đảo làm căn cốt; là động lực để Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tại tất cả các địa phương ven biển.

Kim Liên