Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng khảo sát tình hình sạt lở đê biển
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 02/11/2015
(TN&MT) – Ngay sau khi được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015-2020, trong 2 ngày (31/10 và 1/11) ông Nguyễn Văn Thể - Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, đã cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đi khảo sát tình hình ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn làm vỡ một số đoạn đê biển ở thị xã Vĩnh Châu và bờ bao ở huyện Cù Lao Dung.
Ông Nguyễn Văn Thể - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (bìa trái) khảo sát tình hình thiệt hại do triều cường ở Cù Lao Dung. |
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 27 đến ngày 29/10/2015 triều cường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ở mức cao, đỉnh triều cao nhất ngày 28/10 tại trạm Đại Ngãi là 2,05 m, tại trạm Trần Đề là 2,39 m. Trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, triều cường đã làm vỡ 31 đoạn bờ bao nội đồng, với tổng chiều dài 162 m, bị nước tràn lên đường bê tôngkhoảng 5 km và đường tỉnh 933B khoảng 780 m. Đê Tả - Hữu Cù Lao Dung bị tràn 6 vị trí, với tổng chiều dài 130 m. Đê biển Cù Lao Dung bị tràn 8 vị trí, với tổng chiều dài khoảng 200 m. Gây ngập 53 căn nhà, 123,8 ha mía, 5 ha hoa màu các loại và 4 ha thủy sản. Ước tổng thiệt hại khoảng 1,9 tỷ đồng.
Tính đến ngày 01/11 huyện Cù Lao Dung đã khắc phục được 27 đoạn, còn lại 4 đoạn dài khoảng 31 m. Với kinh phí hỗ trợ khắc phục ước khoảng 640 triệu đồng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế trên địa bàn huyện còn 22 công trình xung yếu cần được gia cố nhằm tránh thiệt hại trong những con nước triều cường sắp tới. Trong đó, có 19 công trình gia cố bọng đập, bờ câu khoan đào; 3 công trình nạo vét kết hợp gia cố bờ bao. Ước kinh phí thực hiện khoảng 3 tỉ đồng. Ngoài ra có 2 đoạn đê thuộc Dự án đê cửa sông Tả - Hữu Cù Lao Dung trên địa bàn xã Đại Ân 1 đã xuống cấp, làm tràn khi nước triều cường dân cao trong thời gian qua với chiều dài khoảng 380 m, dự kiến kinh phí khắc phục khoảng 220 triêu đồng. Vì vậy, nhằm tránh thiệt hại sản xuất nông nghiệp, hoa màu, cây ăn trai, vật nuôi, huyện đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ 3,8 tỉ đồng để phòng, chống triều cường, đảm bảo an toàn tình hình sản xuất và dân sinh.
Cũng theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Vĩnh Châu, từ ngày 27/7 đến ngày 30/10, triều cường dâng kết hợp gió mạnh gây sóng lớn làm nước tràn vô phía trong thân đê gây sạt lở đoạn đê xung yếu tại cống số 2, đê biển Vĩnh Châu, thuộc xã Lai Hòa và vị trí K43, thuộc ấp Huỳnh Kỳ xã Vĩnh Hải, gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và dân sinh trong khu vực. Tại cống số 2, sóng lớn đã cuốn mất 9 rọ đá gia cố sạt lở, làm sạt lở thân đê một đoạn tiếp giáp từ cống số 2 về phía Bạc Liêu dài 20 m, sâu vào thân đê 3m và cuốn hết phần đất bồi trúc chống tràn. Trước tình hình này, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu cùng với UBND các xã bị thiệt hại tiến hành khảo sát đánh giá thiệt hại và triển khai khắc phục. Cụ thể, đối với các đoạn đê bao, bờ bao nội đồng bị vỡ, tràn trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đã huy động máy xúc kobe, vật tư, nhân công đắp lại các đoạn bờ bao bị vỡ, bồi trúc các đoạn bờ bao bị tràn. Đối với vị trí sạt lở tại cống số 2, đê biển Vĩnh Châu, địa phương đang tiến hành xử lý gia cố tạm thời.
Phát biểu với lãnh đạo các địa phương sau chuyến khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu: Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cù Lao Dung cần rút kinh nghiệm đợt triều cường vừa qua, cần khẩn trương khắc phục sớm các điểm sạt lở, để tạo thế đất ổn định, chịu được đợt triều cường sắp tới tốt hơn. Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại các vị trí xung yếu, nếu các điểm bờ bao xung yếu ở những nơi gia đình người già neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đủ năng lực để gia cố đê bao, cần xuất ngân sách, huy động lực lượng vũ trang, Đoàn Thanh niên phát động phong trào lao động giúp dân gia cố bờ bao để đảm bảo an toàn cho sản xuất của người dân, để khắc phục tạm thời.
Về lâu dài, các địa phương cần nghiên cứu, đề xuất phương án, lập kế hoạch báo cáo về UBND tỉnh. Bên cạnh đó đối với bờ đê trên đất của dân, nên vận động người dân hiến đất để chính quyền địa phương gia cố đê bao một cách vững chắc. Làm sao tất cả những tuyến đường đê bao phải đảm bảo cho xe 2 bánh dễ dàng đi lại.
Giang Sơn