Phú Thọ triển khai Luật Đất đai 2013: Trọng tâm tuyên truyền, phổ biến luật
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 08/10/2015
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền
Theo ông Vũ Văn Nhất, Phó Giám đốc Sở TN&MT Phú Thọ, để Luật Đất đai năm 2013 nhanh chóng đi vào cuộc sống, Sở TN&MT đã tham mưu cho Tỉnh uỷ Phú Thọ ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 3/4/2014 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, tham mưu cho UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 1055/KH-UBND ngày 25/3/2014 về việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đó, căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở TN&MT Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 cấp tỉnh để triển khai Luật đến các đơn vị liên quan từ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, đến các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND 13 huyện, thành, thị và đại diện một số doanh nghiệp, cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh; Tổ chức hội nghị tuyên truyền cho toàn bộ các đồng chí là Chủ tịch Công đoàn cơ sở thuộc khối các cơ quan tỉnh. Sau hội nghị của tỉnh, 100% các huyện, thành, thị đã tổ chức Hội nghị triển khai tập huấn Luật Đất đai năm 2013 để tuyên truyền Luật đến với các cán bộ từ cấp huyện đến cán bộ địa chính của 277 xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện.
Phú Thọ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để Luật Đất đai 2013 từng bước đi vào cuộc sống. Ảnh: MH |
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, Sở Thông tin và Truyền thông mở nhiều chuyên mục tuyên truyền nội dung của Luật Đất đai năm 2013 đến các tầng lớp nhân dân; Tuyên truyền nội dung cơ bản của Luật Đất đai trên trang thông tin của Sở TN&MT. Trên cơ sở Hội nghị tập huấn tại cấp huyện, các xã, phường, thị trấn đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, trưởng các tổ dân phố, khu dân cư với tổng số toàn tỉnh là 15.678 học viên tham gia. Nhờ vậy, kể từ khi ra đời đến nay, Luật Đất đai năm 2013 đã nhanh chóng được triển khai và trở thành công cụ quan trọng trong việc thi hành pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ
Không thể phủ nhận, Luật Đất đai năm 2013 khi đi vào cuộc sống đã giải quyết không ít những vướng mắc trong công tác quản lý đất đai của địa phương, đặc biệt thông qua truyền thông, người dân hiểu là mình có vị trí như thế nào trong hoat động quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm các khu dân cư, khu công nghiệp; thấy được quyền lợi và trách nhiệm khi được giao đất, sử dụng đất và các thủ tục cơ bản khi thực hiện cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất... Khi Luật Đất đai 2013 đi vào cuộc sống, cũng giúp địa phương tháo gỡ nhiều vướng mắc trong hoạt động đền bù giải phóng mặt bằng, phân công trách nhiệm quản lý rõ ràng hơn, bổ sung những trường hợp được cấp sổ đỏ, tạo thuân lợi cho người dân về thủ tục hành chính... Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ, hiện, còn một số vấn đề quy định trong Luật Đất đai 2013 khi đưa vào thực thi rất khó khăn và có thể cần sửa đổi, bổ sung hoặc quy định rõ hơn trong các Thông tư, Nghị định sắp ban hành. Cụ thể, Sở TN&MT Phú Thọ đã kiến nghị lên Bộ TN&MT những vấn đề như: Cần quy định bổ sung về chế độ sử dụng đối với đất tín ngưỡng (thời hạn giao đất, hình thức giao), vì hiện nay, Luật Đất đai chưa quy định cụ thể; Bổ sung quy định về thời hạn sử dụng đất đối với trường hợp dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án của doanh nghiệp trong nước mà quyền sử dụng đất đã được vốn hóa vào vốn của doanh nghiệp. Nên quy định thời hạn theo dự án mới của Nhà đầu tư kể từ khi được Nhà nước cho thuê đất.
Phú Thọ cũng kiến nghị Quy định bổ sung việc cấp Giấy Chứng nhận trong trường hợp chuyển từ công ty mẹ sang công ty con (công ty mẹ tham gia góp vốn với công ty con hoặc là sở hữu vốn của công ty con); Quy định việc xác định giá đất bồi thường đối với đất nông nghiệp nên áp dụng hệ số theo hệ số k do UBND cấp tỉnh quy định hàng năm để dễ thực hiện, đảm bảo thời gian công tác giải phóng mặt bằng; Bổ sung việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế, dự án lớn (khu du lịch, sân golf, dự án sản xuất, chế biến trong nông nghiệp cần diện tích hàng trăm ha nên thỏa thuận rất khó thực hiện,) trên cơ sở dự án được HĐND cấp tỉnh thông qua để các địa phương dễ triển khai các dự án này, thực tế nhiều dự án không thuộc diện thu hồi đất nhưng sử dụng diện tích lớn, (hàng trăm ha), có ý nghĩa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nếu phải thỏa thuận sẽ rất khó khăn.
Ngoài ra, cần xử lý mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và Luật Đấu thầu đối với dự án đầu tư có sử dụng đất (dự án khu đô thị mới): theo Luật Đất đai thì đấu giá quyền sử dụng đất, theo Luật đấu thầu thì đấu thầu dự án; Quy định cụ thể việc bồi thường về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất, vì theo quy định hiện hành tài sản hợp pháp thì được bồi thường, thực tế nhiều trường hợp rất khó áp dụng, như: Nhà ở hợp pháp trên đất vườn (chưa dược công nhận là đất ở); nhà ở trên đất ở không có Giấy phép xây dựng… nếu không được bồi thường sẽ rất khó khăn khi giải phóng mặt bằng…
Hải Ngọc - Châu Tuấn