Gìn giữ đa dạng sinh học tại các Khu bảo tồn Bắc Kạn

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 03/10/2015

  (TN&MT) - Bắc Kạn có 2 Khu bảo tồn thiên nhiên là Nam Xuân Lạc (Chợ Đồn) và Kim Hỷ (Na Rì) được thiên nhiên ban tặng tính đa dạng sinh học cao. Tuy...

 

(TN&MT) - Bắc Kạn có 2 Khu bảo tồn thiên nhiên là Nam Xuân Lạc (Chợ Đồn) và Kim Hỷ (Na Rì) được thiên nhiên ban tặng tính đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, hiện nay, một số loài động thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo vệ đa dạng sinh học tại các khu, các ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp.

Nhiều nguy cấp

Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc có diện tích hơn 4.150ha mang đặc trưng hệ sinh thái rừng trên núi đá của miền bắc nước ta. Theo báo cáo của Ban quản lý Khu bảo tồn thì hiện tại trong khu có một số loài động vật đang nằm trong mức cực kỳ nguy cấp như Voọc mũi hếch; Voọc đen má trắng. Trong đó, Voọc mũi hếch là một trong 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới. Khu bảo tồn sở hữu nhiều loại gỗ quý như nghiến, trai… Tuy nhiên, theo tính toán, giá của 01m3 gỗ nhóm III bán tại rừng hiện nay tương đương 4 tấn thóc nên nhiều người dân đã bỏ bê đồng áng để tập trung khai thác gỗ trái phép. Ở các thôn như Nà Dạ, Phja Khao, Bản Eng, Bản Tưn và các thôn, bản nằm quanh vùng đệm khu bảo tồn có tới 95% hộ gia đình khai thác gỗ về làm nhà.

Đặc biệt, hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ cũng rất phổ biến tập trung nhiều vào các loại cây dược liệu. Người dân thường xuyên lén lút vào rừng khai thác cây thuốc bán cho thương lái. Tình trạng lén lút săn bắn bằng súng săn tự chế vẫn thường xuyên xảy ra dẫn tới số lượng cá thể nhiều loài quý hiếm như Gấu, Sơn Dương… bị giảm sút nghiêm trọng.

Trong khi đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có diện tích hơn 15.715ha thì trong vùng lõi đã có tới 11 thôn, bản với 353 hộ dân gồm 1.489 nhân khẩu sinh sống. Tình trạng săn bắn, khai thác lâm sản trái phép diễn ra hết sức phức tạp. Từ năm 2014 tới nay, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đã xử lý vi phạm hành chính 100 vụ việc vi phạm Lâm luật; khởi tố hình sự 11 vụ. Tổng số lâm sản thu giữ hơn 12m3 gỗ tròn; thu giữ 21 xe máy, 16 cưa xăng, 4 súng săn… Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách hơn 950 triệu đồng.

Áp lực lớn nhất lên đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là tình trạng khai thác vàng trái phép đã kéo dài từ những năm 1970 trở lại đây. Trong khu có thời điểm có tới 48 lũng, bãi diễn ra khai thác vàng trái phép. Lực lượng chức năng đã tổ chức 50 lượt truy quét xử lý 244 lán trại; 355 máy móc các loại; 315 lít xăng dầu; chặt đứt 20.360m vòi dẫn nước; trục xuất và yêu cầu ra khỏi rừng trên 1.000 lượt người. Đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép đã giảm nhưng việc khai thác lén lút vẫn xảy ra…

Cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ điều tra đa dạng sinh học trong khu bảo tồn.
Cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ điều tra đa dạng sinh học trong khu bảo tồn.

Nỗ lực bảo tồn

Để bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc đã tăng cường kiểm tra, tuần rừng. Ban tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, bản ở vùng lõi, vùng đệm. Đặc biệt, Ban tiếp tục triển khai kinh phí hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm hàng năm với mức 40 triệu đồng/thôn, bản. Số vốn hỗ trợ thực hiện đầu tư nâng cao năng lực sản xuất; hỗ trợ vật liệu xây dựng… Bên cạnh đó, Ban phối hợp với các tổ chức trong nước, phi chính phủ nước ngoài triển khai thêm các chương trình, dự án hỗ trợ cộng đồng.

UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc với tổng nhu cầu vốn đầu tư để triển khai là hơn 91 tỷ đồng thực hiện từ nay cho tới năm 2020. Chi Cục Kiểm lâm Bắc Kạn sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh và bộ tiêu bản các loài động, thực vật để trưng bày; nghiên cứu đặc điểm sinh thái và khả năng nhân giống cây trồng, khả năng di thực về vườn thực vật một số loài quý hiếm; bảo tồn nguồn gen cây thuốc; nghiên cứu các biện pháp bảo tồn loài Voọc mũi hếch, Vạc hoa; điều tra cơ bản hệ động thực vật, khu hệ côn trùng; điều tra, bảo tồn loài Thông, tập đoàn Lan Hài. Đặc biệt sẽ thiết kế xây dựng vườn thực vật tại khu Lũng Lỳ; xây dựng khu cứu hộ động vật gồm Trạm cứu hộ động vật và khu chăn thả động vật bán hoang dã.

Đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Ban quản lý đã cấp Giấy chứng nhận sử dụng được 435/471 chiếc cưa xăng. Ban phối hợp thực hiện bảo tồn loài Du sam đá vôi (Thông đá); xây dựng 577 bếp đun tiết kiệm củi cho người dân để giảm áp lực khai thác củi trên rừng. Từ tháng 8/2014, Ban đã rà soát và tiến hành ký hợp đồng với 33 cộng đồng thôn, bản thực hiện giao khoán bảo vệ diện tích 9.200ha đến hết năm 2017. Trong năm 2015, Ban hướng dẫn 35 thôn vùng đệm lựa chọn, đề xuất và xây dựng kế hoạch, dự toán thực hiện định mức hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản/năm.

UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ giai đoạn 2013- 2020. Đối với đa dạng sinh học của khu bảo tồn, trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ điều tra chi tiết thành phần loài, đặc điểm phân bố và giá trị bảo tồn của khu hệ động thực vật rừng. Đặc biệt là đánh giá hiện trạng, cấu trúc quần thể, mật độ, trữ lượng, phân bố các loài hươu sạ, voọc đen má trắng, gà lôi trắng, gà tiền mặt vàng, hồng hoàng, du sam đá vôi, lan một lá, bảy lá một hoa. Cùng với đó là nghiên cứu bảo tồn các loài cây thuốc; các kiểu thảm thực vật rừng; điều tra cơ bản khu hệ côn trùng và đánh giá mức độ sâu hại gây bệnh trong khu bảo tồn…

Có thể nói, việc bảo tồn đa dạng sinh học ở 2 khu bảo tồn đã được thực hiện quy củ, bài bản và quyết liệt. Tuy nhiên, về lâu dài việc thay đổi nhận thức hành vi tiêu thụ thịt rừng; gỗ quý trong một bộ phận lớn nhân dân đóng vai trò quyết định. Khi không có người tiêu thụ thì chắc chắn việc săn bắn, khai thác trái phép cũng sẽ chấm dứt./.

Tuấn Sơn