Thi hành Luật Đất đai năm 2013: Địa phương cần tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 24/09/2015
Nhiều hạn chế cần khắc phục
Qua thời gian triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ TN&MT đã thẳng thắn đưa ra một số nội dung vướng mắc về pháp luật cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Cụ thể như: Một số địa phương phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015 cấp huyện muộn so với quy định, dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch bị ảnh hưởng; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các công trình, dự án; việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn xảy ra và khá phổ biến.
Bên cạnh đó, việc xác định một số loại giấy tờ về quyền sử dụng đất để cấp Giấy Chứng nhận trong một số trường hợp chưa thật cụ thể nên thực hiện còn khó khăn. Tại một số địa phương, việc triển khai công tác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 còn chậm; thời gian thực hiện việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn kéo dài; chưa đáp ứng kịp yêu cầu về tiến độ để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất còn phức tạp.
Tổng cục Quản lý đất đai đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cho các đại phương để đưa Luật vào cuộc sống. Ảnh: Hoàng Minh |
Ngoài ra những vấn đề như: Hiệu quả thanh tra chưa cao do một số vụ việc thanh tra không phát hiện được vi phạm; nhiều trường hợp phát hiện hành vi vi phạm phát luật nhưng việc thực hiện kết luận thanh tra còn chậm; tỷ lệ thu hồi tiền, thu hồi đất qua thanh tra còn thấp; Việc rà soát, tổ chức lại Văn phòng Đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 còn chậm… là những vấn đề mà Tổng cục Quản lý đất đai đưa ra để khắc phục trong thời gian tới.
Nâng cao vai trò của địa phương trong thi hành Luật
Về những nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác quản lý đất đai và việc tổ chức thi hành Luật Đất đai trong thời gian tới, bên cạnh việc đề ra những nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan Trung ương, đặc biệt là nhiệm vụ trực tiếp là các đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai, tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể:
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai tại địa phương; ngoài đối tượng là cán bộ quản lý, cần chú trọng việc tuyên truyền, phố biến đến các đối tượng là người sử dụng đất; Tập trung kiện toàn bộ máy và cán bộ làm công tác quản lý đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đặc biệt là kiện toàn Văn phòng Đăng ký đất đai; Tổ chức phát triển quỹ đất một cấp theo quy định của Luật Đất đai.
Các địa phương cần tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện đã được phê duyệt cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai; tổ chức thực hiện tốt công tác kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Đồng thời cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất; đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và kịp thời trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng trọng điểm của quốc gia; làm tốt công tác định giá đất để vừa đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.
Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống hồ sơ địa chính hiện đại; triển khai cấp Giấy Chứng nhận theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính, trích đo địa chính có tọa độ; làm tốt công tác đăng ký biến động, cập nhật hồ sơ địa chính; quan tâm đẩy mạnh thực hiện công tác điều tra cơ bản về đất đai; hoàn thành nhiệm vụ kiểm kê đất đai năm 2014 theo đúng tiến độ yêu cầu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai tại địa phương; tổ chức thực hiện mô hình một cửa liên thông trong việc giải quyết các thủ tục đất đai và thuế để rút ngắn hơn thời gian thực hiện; thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai bộ thủ thục hành chính trong lĩnh vực đất đai tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tra cứu và áp dụng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thi hành Luật Đất đai và xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; triển khai xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; tiếp tục tổ chức việc tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm và công khai các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai thi hành Luật, các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, phản ánh kịp thời những vướng mắc, bấp cập trong tổ chức thi hành Luật Đất đai về Bộ TN&MT để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Hải Ngọc - Châu Tuấn