TCty Đầu tư phát triển đô thị ngang nhiên khai thác mỏ cao lanh hết phép
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 23/09/2015
(TN&MT) - Vừa qua, Báo Tài nguyên & Môi trường đã có loạt bài phản ánh về tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP tại xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân. Sau khi Báo phản ánh, doanh nghiệp này lại di chuyển lên điểm mỏ của mình ở làng En, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) để khai thác. Tuy nhiên, điểm mỏ sét cao lanh này cũng đã hết hạn giấy phép khai thác hơn hai tháng nay.
Mọi hoạt động khai thác, vẫn chuyển tại điểm mỏ này vẫn được diễn ra một cách ngang nhiên |
Theo tìm hiểu của PV thì mỏ sét cao lanh này được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP (khi đó là Công ty Cổ phần xây dựng và Đầu tư phát triển Thanh Hóa) lần đầu tiên vào ngày 29/05/2007 theo Quyết định số 1576/QĐ – UBND với diện tích khai thác 60.000 m2 và thời hạn 36 tháng. Qua nhiều lần gia hạn, đến ngày 12/07/2013 UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất số 89/GP – UBND Cho phép Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP được tiếp tục khai thác khoáng sản sét cao lanh tại vị trí này với diện tích mỏ 60.000 m2, khối lượng khai thác 30.000 m3, công suất khai thác 15.000 m2/năm và thời hạn giấy phép là hai năm.
Dàn xe của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP chực chờ “ăn hàng” |
Như vậy, tính đến thời điểm này mỏ sét cao lanh của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP đã hết hạn khai thác hơn hai tháng nay, thế nhưng đơn vị này vẫn ngang nhiên khai thác mà không hề bị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương “sờ gáy”.
Trả lời về vấn đề này, ông Hà Văn Tằm – Chủ tịch UBND xã Trí Nang cho biết: Việc đơn vị này khai thác sét cao lanh ảnh hưởng đến môi trường và tuyến đường giao thông là hoàn toàn có thật. Vị chủ tịch xã còn cho rằng: Công ty khai thác từ những năm 2007 và được gia hạn nhiều lần, lâu nay cứ thấy công ty khai thác nên tưởng đang còn hạn?. Việc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP hết hạn giấy phép hai tháng nay nhưng vẫn khai thác ông Hà Văn Tằm vừa mới được biết khi cán bộ huyện gọi điện xuống. Ông Tằm thừa nhận đây là sơ suất trong công tác quản lý.
Ông Phạm Văn Thắng – Phó giám đốc Nhà máy gạch men Viceza: “Không khai thác mới mà chỉ xúc ở bãi tập kết” |
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Việc khai thác, vận chuyển đất sét cao lanh hàng ngày của Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đi khu danh lam thắng cảnh thác Ma Hao và làng nguyên sơ Năng Cát. Bùn đất chảy tràn làm lầy lội, trơn trượt mất an toàn đến các phương tiện giao thông. Hệ thống rãnh thoát nước đã bị bồi đắp đầy không còn tác dụng thu hồi nước mặt. Việc đơn vị hết hạn nhưng vẫn khai thác huyện sẽ cho kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ông Phạm Văn Thắng – Phó Giám đốc Nhà máy gạch men Vicenza thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP cho biết: Mỏ sét cao lanh tại làng En, xã Trí Nang đã hết hạn giấy phép khai thác từ ngày 12/07/2015, hiện công ty không khai thác mới mà chỉ xúc ở các bãi tập kết trước đó. Điều ngạc nhiên là bãi tập kết nguyên liệu sét cao lanh này lại nằm hoàn toàn trong diện tích khu vực mỏ khai thác và theo ông Thắng bãi tập kết rộng 1.000 m2 có khối lượng 500 – 600 m3. Vị Phó Giám đốc cũng thừa nhận: Mỏ hết phép nhưng vẫn khai thác trái phép theo PV phản ánh là đúng.
Công văn “cảnh báo” tạm dừng khai thác khi điểm mỏ đã hết hạn gần một tháng của UBND huyện Lang Chánh |
Còn ông Trương Văn Huyền – Trưởng phòng TN&MT huyện Lang Chánh thản nhiên cho rằng: Do nhầm lẫn giữa công văn cho phép đơn vị này lập hồ sơ cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản và giấy phép gia hạn khai thác nên không để ý.
Theo Giấy phép số 89/GP – UBND ngày 12/07/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP thì công ty này được tiếp tục khai thác khoáng sản sét cao lanh tại làng En, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh với diện tích mỏ 60.000 m2, khối lượng khai thác 30.000 m3, công suất khai thác 15.000 m3/năm và thời hạn giấy phép là hai năm. Rõ ràng giấy phép khai thác đã hết hạn vào ngày 12/07/2015, tuy nhiên không hiểu vì đâu đến ngày 07/08/2015 UBND huyện Lang Chánh lại có công văn số 466/UBND – TNMT, nội dung công văn ghi rõ: Hiện nay, việc khai thác, vận chuyển đất sét cao lanh hàng ngày của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đi khu danh lam thắng cảnh thác Ma Hao và làng nguyên sơ Năng Cát đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể. Bùn đất chày tràn làm lầy lội, trơn trượt mất an toàn đến các phương tiện tham gia giao thông. Hệ thống rãnh thoát nước đã bị bồi đắp đầy, không còn tác dụng thu hồi nước mặt. Công văn này còn nhấn mạnh: Trong tháng 8/2015, đề nghị Tổng Công ty phải tiến hành thi công ngay tuyến đường tránh và xử lý môi trường khu vực mỏ. Nếu Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP vẫn còn để hiện tượng ô nhiễm nêu trên và không thi công tuyến đường tránh thì UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh đề nghị tạm dừng khai thác.
Như vậy, Công văn 466/UBND-TNMT bỏ qua việc hết phép của Công ty (trong khi Công ty đã hết phép 25 ngày vào thời điểm kiểm tra). Hết hạn khai thác gần một tháng, thế nhưng UBND huyện Lang Chánh vẫn ra “cảnh báo” đơn vị này không chấp hành sẽ báo cáo UBND tỉnh đề nghị tạm dừng khai thác. Phải chăng chính quyền địa phương lại “sơ suất” và “nhầm lẫn” nên không biết đơn vị này hết phép?. Ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh còn cho rằng: Mỏ đã hết hạn nhưng công ty có ý kiến xin khai thác trong vòng một tuần vì đang vào cao điểm sản xuất, vẫn biết về nguyên tắc là sai nhưng huyện vẫn tạo điều kiện cho họ sản xuất.
Bài & ảnh: Anh Tú – Thu Thủy