Nhận diện cuộc khủng hoảng trầm tích trên dòng Mê Kông

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 15/09/2015

(TN&MT) - Theo dõi, nghiên cứu sự di chuyển trầm tích tới các đồng bằng, ông Marc Ghoichot, cán bộ của WWF, chuyên gia về thủy điện và năng lượng bền vững sông Mê Kông khẳng định rằng tác động xấu của việc khai thác cát lên môi trường có thể thấy rất nhanh vì nó làm trầm trọng hơn tình hình khi các đập thủy điện ở Trung Quốc và Lào đã làm giảm lượng trầm tích xuống Việt Nam.

Cát thô bị hút hết ở đầu  châu thổ…

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, có khoảng 10 – 15% tổng tải lượng trầm tích phù sa (118 triệu m3) mà sông Mê Kông mang về tương đương từ 12 đến 18 triệu m3 bùn cát được lắng đọng dưới lòng sông Mê Kông đoạn từ Kratie (Campuchia) qua Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (của Việt Nam) ra biển Đông. Trong khi đó, vấn nạn xói lở khiến gia tăng nhu cầu sử dụng cát san lấp, lượng cát khai thác tại ĐBSCL đã tới 28,25 triệu m3/năm (phần nhiều là cát mịn – cát đen dùng để san lấp), đã gần gấp đôi tổng lượng bùn cát lắng đọng trên cả đoạn từ Kratie trở ra biển. Và theo PGS.TS Dương Văn Ni – Giám đốc Trung tâm thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ), toàn bộ lượng cát khai thác tại ĐBSCL ăn vào kho cát tích tụ từ hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm trước.

Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) ghi nhận, 13 năm gần đây tại Lào và Campuchia đã phát sinh thêm 54 khu vực khai thác cát, lượng cát khai thác tối thiểu là hơn 23 triệu m3/năm. Ngoài các khu vực gia tăng này, tại Campuchia còn có 13 khu vực khai thác cát ổn định từ nhiều năm trước với lượng cát khai thác đã là 18,7 triệu m3/năm, Lào cũng có hàng chục khu vực khai thác ổn định từ vài chục năm trước, lượng cát khai thác hàng triệu m3/năm. PGS.TS Dương Văn Ni cho rằng, riêng lượng cát khai thác tại Campuchia (khoảng 30 triệu m3/năm 2013) đã vượt gấp nhiều lần tổng lượng cát do sông Mê Kông mang từ Trung Quốc và Myanmar tới Lào, Thái Lan vào Campuchia.

Khai thác cát trái phép trên sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre
Khai thác cát trái phép trên sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre

Trong khi lượng cát khai thác dưới lòng sông Mê Kông vùng hạ lưu gia tăng thì Ủy hội sông Mê Kông phát hiện tải lượng trầm tích trên dòng Mê Kông về hạ lưu từ khoảng hơn 160 triệu tấn/năm 1992 đã bị giảm đột biến xuống chỉ còn khoảng 75 triệu tấn/năm 2014. PGS.TS Dương Văn Ni ghi nhận, từ 6 năm gần đây lượng sỏi, sạn, cát thô, cát mịn do Thái Lan, Lào và Campuchia khai thác hàng năm (chủ yếu là cát) đã vượt xa con số 50 triệu tấn, trong khi tải lượng di chuyển từ thượng nguồn thuộc lãnh thổ Trung Quốc vào lãnh thổ Thái Lan và Lào đã giảm từ 100 triệu tấn xuống còn khoảng 50 triệu tấn; hàm lượng thịt, sét, vật liệu hữu cơ chưa phân hủy và các chất hòa tan trong nước cũng giảm từ khoảng 70 triệu tấn xuống còn 10 triệu tấn.

Sự suy giảm tải lượng trầm tích trên dòng Mê Kông xảy ra đột biến kể từ sau khi Trung Quốc khánh thành đập thủy điện Manwan, có hồ chứa 9,2 tỷ m3, mở đầu chuỗi 6 đập thủy điện trên dòng chính thượng nguồn sông Mê Kông được xây dựng và đưa vào khai thác đến khi con đập khổng lồ Nọa Trác Độ (Nuozhadu), với hồ chứa tới gần 23 tỷ m3 được xây xong đưa vào khai thác vào tháng 8/2014, với công suất 5.500 MW. Tổng lượng trên 55 tỉ m3 nước – tương đương lượng nước đổ về châu thổ Cửu Long, cùng với 75% tải lượng trầm tích của cả dòng Mê Kông đã bị tích lại phục vụ cho việc phát điện. “Theo nghiên cứu của chúng tôi, không có đập thủy điện nào có hầm xả trầm tích về hạ nguồn” - Ông Marc Ghoichot, cán bộ của WWF, chuyên gia về thủy điện và năng lượng vùng Mê Kông, cho biết.

Cát mịn sẽ không còn về tới đồng bằng sông Cửu Long…

Với lợi thế gần nửa chiều dài dòng Mê Kông trên lãnh thổ, có độ dốc dòng chảy 4.724m, Trung Quốc đã không tham gia Ủy hội sông Mê Kông nên sự chi phối của các quốc gia thành viên trong thời gian qua gần như bị vô hiệu hóa. Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) đã cáo buộc việc xây đập thủy điện trên dòng chính thượng nguồn sông Mê Kông của Trung Quốc khiến các dự án thủy điện trên dòng chính vùng hạ lưu khả thi hơn.

Việc Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào đã và đang nỗ lực triển khai 2 dự án siêu đập tại các vị trí đặc biệt quan trọng trên dòng chính vùng hạ lưu sông Mê Kông (Xayabury và DonSahong) là động thái chung diễn biến đó. PGS.TS Dương Văn Ni cảnh báo, nếu Lào xây dựng đập thủy điện Don Sahong ở phía Nam và Campuchia tiếp tục tốc độ khai thác cát như hiện nay thì ngay cả cát mịn cũng không còn đường về đến đồng bằng sông Cửu Long.

Không những thế, hiện Trung Quốc vẫn chưa dừng lại ở việc chỉ khai thác 6 đập thủy điện mà còn đang triển khai xây dựng tiếp 8 đập thủy điện theo kế hoạch hệ thống 14 đập bậc thềm Vân Nam, đồng thời, đã tranh thủ thò tay xuống các quốc gia hạ lưu, tham gia đầu tư 4 dự án xây đập thủy điện trên dòng chính tại các vị trí chiến lược. Trong đó, có 3 đập trên lãnh thổ CHDCND Lào (Pak Beng, Pak Lay, Xanakham) và 1 đập (Sambo) trên lãnh thổ Campuchia – chỉ cách đồng bằng sông Cửu Long vài trăm cây số. Dự kiến, đập này sẽ khiến mức nước dâng cao, làm ngập suốt hơn 150 km ghềnh thác phía trên, công suất lắp máy lên tới 2.600MW.

“Cát ở ĐBSCL là loại phù sa lắng đọng lâu dài, chúng tạo ra nền của đáy sông, cù lao và các tầng lưu trữ nước ngọt trong đất. Có thể nói cát như là bộ xương định hình cho diện mạo của ĐBSCL. Thiếu cát, với ĐBSCL sẽ là một thảm họa khó lường!” – PGS.TS. Dương Văn Ni, lo lắng. Điều này nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cũng nhận định sẽ sớm xảy ra. Từ 5 năm trước, Liên Hợp quốc đã lưu ý việc xây đập thủy điện bừa bãi vùng thượng nguồn Mekong của Trung Quốc, độc chiếm dòng sông, là mối đe dọa lớn nhất đối với con sông Mekong chảy qua 6 quốc gia và Việt Nam gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Cần quản lý tốt cán cân trầm tích

“Những tác động của việc suy giảm trầm tích trên vùng ĐBSCL do khai thác cát quá mức và xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, đã có bằng chứng khoa học rõ ràng. Các mối đe dọa và hiểm họa thật sự nghiêm trọng. Các đập thường giữ lại trầm tích thô và trong nhiều trường hợp các tác động này không thể đảo ngược được. Các tác động của việc khai thác cát đang được cảm nhận nhanh chóng hơn, nhưng có thể đảo ngược nếu cán cân trầm tích được quản lý một cách hợp lý” - Marc Ghoichot, chuyên gia năng lượng thủy điện sông Mê Kông của WWF khẳng định.

Tuy nhiên, để xác lập cán cân trầm tích hợp lý đòi hỏi phải khắc phục hàng loạt bất cập. Trước hết, phải khắc phục tình trạng rất thiếu tài liệu về bùn, cát chuyển tải về và lắng đọng dưới lòng sông Cửu Long. Cần sớm có dự án tiến hành điều tra cơ bản và bố trí các trạm đo tổng hợp thủy văn dòng chảy, bùn cát dọc sông để cập nhật tương đối chính xác các thông số về tải lượng trầm tích, đặc biệt là bùn cát làm cơ sở phục vụ cho việc hoạch định khối lượng khai thác cát phù hợp với yêu cầu cân đối cán cân trầm tích, đáp ứng yêu cầu ngăn chặn tai họa xói lở, trượt đất đang ngày càng trầm trọng hơn.

Đáng lưu ý, trong khi dự báo quy hoạch trữ lượng cát dưới lòng sông Cửu Long chỉ còn 816 triệu m3, các nghiên cứu đã khẳng định cát thô từ thượng nguồn không còn đường về, thì ước tính nhu cầu sử dụng cát toàn vùng trong 5 năm tới lên tới khoảng 1 tỷ m3 và hiện tại trong vùng đang có 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác 28,25 triệu m3/năm tại khoảng 150 thân cát dọc sông Cửu Long. “Với tốc độ khai thác như hiện nay, toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa. Và nếu khai thác toàn bộ trữ lượng này mà không xem xét tác động đến môi trường, hậu quả sẽ rất khó lường” - PGS.TS Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), nêu vấn đề.

Cùng với việc khắc phục bất cập nêu trên, cơ quan này cho rằng, cần phải cải thiện chất lượng trong việc đánh giá tác động môi trường của các quy hoạch khai thác cát, phải có định lượng cụ thể trong các tiêu chí và phương pháp đánh giá.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, chính sách và pháp luật về khai thác khoáng sản cát thể hiện qua các Luật cũng như các Nghị định của Chính phủ có liên quan, còn nhiều điểm bất cập, đôi khi còn mâu thuẫn, cần được xem xét chính sửa. Chẳng hạn, chính sách về thuế tài nguyên cát còn khá thấp, việc chi trả cũng như phí để khắc phục cho các sự cố về môi trường chỉ từ 3.000 đến 5.000 đồng/m3. Mặt khác, cơ chế phối hợp giữa các ban ngành của địa phương còn thiếu tính chặt chẽ, thiếu công cụ trong quản lý khai thác cát.

Trên bình diện quản lý trầm tích ở quy mô lưu vực sông, theo TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF - Việt Nam kiến nghị, cần có sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các tỉnh thành nhằm đưa ra một quy chế quản lý thống nhất và hợp tác liên tỉnh trong quản lý khai thác cát sỏi và thực thi pháp luật một cách triệt để. Mỗi địa phương cần có chương trình hành động huy động được nguồn lực địa phương để thực thi kế hoạch hành động thành công, góp phần vào hành động chung của vùng.

Hùng Long