Thách thức lớn cản trở kiểm soát ô nhiễm nguồn nước
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 15/09/2015
PV: Tình trạng xung đột về ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, điển hình như mới đây hàng trăm bè cá nuôi tại các lồng bè dưới chân cầu Chà Và ở xã Long Sơn, TP Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị chết hàng loạt vì ô nhiễm. Vậy ông đánh giá về những sự việc này như thế nào?
Ông Hoàng Dương Tùng: Như chúng ta đều biết, hiện chất lượng nước mặt lục địa đang bị suy giảm, có nơi đã bị ô nhiễm nặng. Các ao hồ tại các thành phố lớn đều bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, vượt quá mức quy chuẩn cho phép. Các con sông chảy qua các khu đô thị, khu vực sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản bị ô nhiễm, nhiều chất ô nhiễm trong nước có nồng độ vượt quá quy chuẩn cho phép từ 1,5 – 3 lần. Hiện, chất lượng nước ở cả 3 lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, hệ thống sông Đồng Nai đều bị suy giảm qua các năm, các hệ thống ô nhiễm đều không đạt quy chuẩn, đặc biệt là ô nhiễm hữu cơ. Chính vì những nguyên nhân đó khiến chất lượng nước càng ngày càng suy giảm và dẫn đến xung đột do ô nhiễm nguồn nước càng gia tăng.
Với những xung đột về ô nhiễm nguồn nước xảy ra như Bà Rịa – Vũng Tàu thì điều dễ nhận thấy đó là còn nhiều nguồn nước chưa được kiểm soát tốt và các đơn vị xả nước thải chưa qua xử lý đã không tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, đã gây ra ô nhiễm và gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế và các đơn vị như vậy phải có trách nhiệm với những hành động mà họ gây ra.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường. Ảnh: Hoàng Minh |
PV: Các nguồn thải chưa qua xử lý được xem là nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện Việt Nam đang tích cực thay đổi phương thức quản lý từ cuối nguồn thải sang kiểm soát chặt chẽ ngay đầu nguồn, nơi phát sinh ô nhiễm. Chúng ta đã có những chính sách nào để tăng cường quản lý, kiểm soát ô nhiễm nước ngay từ đầu nguồn thải, thưa ông?
Ông Hoàng Dương Tùng: Trước đây, chúng ta sử dụng phương pháp quản lý cuối nguồn thải, có nghĩa là chưa quan tâm tới việc sản xuất, sử dụng nguồn nước chỉ cần thải ra đạt tiêu chuẩn là được. Nhưng hiện nay thế giới và Việt Nam nhận thấy rằng, chính sách quản lý như vậy không thật sự hiệu quả và đưa ra chính sách quản lý cho cả quá trình như đầu vào, sử dụng nguyên vật liệu thế nào cho tiết kiệm, sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả và bền vững đồng thời có phương thức xử lý nước thải thế nào cho đạt tiêu chuẩn...
Hiện Việt Nam đã có những chính sách rất rõ ràng, như: các công ty phải lập báo cáo ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, sử dụng hiệu quả nguồn nước, có đồng hồ đo các thông số các nguồn nước. Đồng thời, cung cấp thông tin kịp thời chính xác cho các đơn vị quản lý... Như vậy, đã phần nào việc kiểm soát tốt trong cả quá trình sản xuất.
PV: Tuy đã ban hành nhiều văn bản pháp luật sát hơn với thực tiễn, song vẫn xảy ra hiện tượng nguồn nước ô nhiễm, suy giảm và đang dần cạn kiệt. Vậy theo ông, đâu là những mặt hạn chế hiện nay trong quản lý bảo vệ nguồn nước?
Các con sông chảy qua các khu đô thị, khu vực sản xuất công nghiệp có nồng độ vượt quá quy chuẩn. Ảnh: Hoàng Minh |
Ông Hoàng Dương Tùng: Hiện hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam đã được phân cấp từ Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn chồng chéo trong các văn bản Luật, các Nghị định. Sự phân công quản lý của các cơ quan Nhà nước chưa thực sự rõ ràng, có nhiều cơ quan tham gia nhưng khi chịu trách nhiệm chính thì lại không có trách nhiệm gì. Các nội dung liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước còn nằm rải rác trong các chương, điều, chưa có điều kiện thể hiện liền mạch và liên thông, do đó các cơ quan quản lý và các đối tượng tham gia bảo vệ môi trường nước chưa xác định được rõ ràng nhiệm vụ thực hiện… Luật Tài nguyên nước chủ yếu đề cập đến nguồn nước như một tài nguyên quốc gia, còn Luật Bảo vệ môi trường mang tính chất là luật khung do vậy chưa chứa đựng đầy đủ nội dung cần thiết kiểm soát ô nhiễm nguồn nước về những vấn đề cơ bản như xác định và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm dạng “điểm” (xí nghiệp, bệnh viện...) và dạng “diện” (sông, suối).
Bên cạnh đó, một số quy định hiện vẫn chưa thật rõ gây lúng túng cho việc thực thi pháp luật, quản lý cũng không dễ và doanh nghiệp cũng gặp vướng. Khâu "ngăn ngừa" của chúng ta chưa được quan tâm đúng mức và thực thi hiệu quả. Trong thực tiễn chủ yếu là tiến hành khâu "xử lý vi phạm", kiểm tra ở cuối nguồn mà chưa chú trọng tới quản lý đầu nguồn thải.
Trong khi đó, các Hội đồng, Ủy ban lưu vực các con sông chưa phát huy được vai trò, thiếu cơ chế quản lý, các thành viên đại đa số làm công tác kiêm nhiệm. Ngoài ra, sự hạn chế trong nhận thức của doanh nghiệp và thiếu hụt năng lực của cơ quan quản lý trong triển khai công cụ kinh tế môi trường nước cũng là một trong những thách thức pháp lý đặt ra hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Cường (thực hiện)