Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu: Xây đập dâng nỗi lo

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 13/09/2015

(TN&MT) - Bao nhiêu ngày Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu được thi công là bấy nhiêu ngày chính quyền địa phương và 21 hộ dân bản Co Pục sống trong phập phồng,...

 

(TN&MT) - Năm 1996, bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (Điện Biên) đã xảy ra lũ quét và được cắm biển cánh báo “khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét”. Nhưng không hiểu sao, khi triển khai Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu phía trên thượng nguồn (có độ chênh cao rất lớn so với bản Co Pục) người ta không tính toán để đưa các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở và lũ quét mà còn đào đắp thêm khối lượng đất, đá rất nhiều khiến cho người dân ở nơi đây thêm hoang mang, lo sợ... đặc biệt, vào mùa mưa lũ. Bao nhiêu ngày dự án được thi công là bấy nhiêu ngày chính quyền địa phương và 21 hộ dân bản Co Pục sống trong phập phồng, sợ lũ…

Đập đầu mối và tuyến kênh dẫn nước của Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên.
Đập đầu mối và tuyến kênh dẫn nước của Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên.

Mưa về là lo lũ

Công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 705/QĐ-UBND, ngày 2-7-2007 và phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án đầu tư tại Quyết định số 2315/QĐ-UBND, ngày 25-12-2009 với tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng, thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Mục tiêu của dự án, cấp nước tưới tự chảy cho 370ha lúa 2 vụ, thuộc 2 xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) và 500ha hoa mầu, cây công nghiệp của xã Thanh Nưa (nay là 2 xã Hua Thanh và Thanh Nưa) huyện Điện Biên. Ngoài ra còn cung cấp nước sinh hoạt cho 100.000 người dân vùng lòng chảo Điện Biên, kết hợp phát điện công suất lắp máy N1m=3.0MW. Với quy mô đầu tư: hồ chứa nước có dung tích 7,5 triệum3 , bao gồm đập chính dài 226m, cao 41m; tràn xả lũ dài 166m; cống lấy nước dài 195m; đường ống áp lực có tổng chiều dài 1.443m và hệ thống tuyến kênh dài 9.612m.

Dự án, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư, được khởi công chính thức năm 2011. Dự án được chia làm nhiều gói xây lắp, trong đó, một số gói thầu xây lắp đã thi công và giải ngân rất róc. Tuy nhiên, đến tại thời điểm này toàn bộ Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu vẫn còn dang dở. Song cũng chính vì điều này mà 21 hộ dân, người dân tộc Khơ Mú hiện đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đá rất cao và vô cùng nguy hiểm.

Ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Mỗi khi trời mưa là chúng tôi mất ăn, mất ngủ vì 21 hộ dân hiện đang sống trong vùng cảnh báo lũ quét. Đặc biệt, công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu hiện đang thi công phía trên đầu nguồn. Ai dám chắc đất đã sẽ không sạt lở và đe dọa đến tính mạng con người.

Rãnh xẻ dọc thân đồi từ đầu nguồn xuống chân bản Co Pục để đặt ống làm tuyến kênh dẫn nước.
Rãnh xẻ dọc thân đồi từ đầu nguồn xuống chân bản Co Pục để đặt ống làm tuyến kênh dẫn nước.

Được biết, bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, hiện có 65 hộ, 338 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Khơ Mú. Năm 1996, tại địa bàn bản Co Pục đã xảy ra lũ quét trong khi tiết trời đang nắng ráo.

Trưởng bản Quàng Văn Tuấn, kể: Năm 1996, đêm đó trời không mưa, tôi đang ngủ thì bỗng nghe tiếng rầm rầm như đàn trâu chạy, rồi người dân trong bản chỉ kịp hô lên một tiếng “lũ về, lũ về bà con ơi”. Mọi người tháo nhau chạy lên đồi tránh lũ… Sáng hôm sau, dưới gầm sàn lấp đầy đất đá. Cũng may không có thiệt gì về người, nhưng gia súc, gia cầm, trâu, bò, xe máy dưới gầm sàn đều bị chết và hư hỏng. Năm 2000, người ta về bản cắm biển cảnh báo “khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét”. Từ đó đến nay, mỗi trận mưa là chúng tôi rất lo sợ. Đặc biệt, từ khi công trình thủy lợi thi công phía thượng nguồn. Chúng tôi càng sợ.

Dẫn chúng tôi lên đập đầu mối công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu cách bản Co Pục hơn 2km theo đường mòn dân sinh. Vừa đi trưởng bản Tuấn vừa chia sẻ: Đợt mưa hồi cuối tháng 7 năm nay. Quả đồi phía đầu bản đã bị nứt vòng cung, huyện đã phải cho di chuyển gấp 2 hộ. Hiện, bản có 21 hộ trong diện phải di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá và lũ quét. Nhưng đến nay, mới chỉ có 4 hộ chuyển về nơi ở an toàn.

Theo quan sát của PV, hiện nay, đơn vị thi công đã cho máy xúc móc dọc thân đồi, tạo thành rãnh lớn có độ sâu hơn 1 mét, chiều rộng có đoạn lên đến 3-4 mét và đã bị nước bào mòn xoáy thành hang, hốc. Đường rãnh xẻ dọc từ trên đỉnh đồi xuống chân bản đã tạo thành dòng chảy lao thẳng vào nhà dân. Nếu chẳng may lũ về thì đây sẽ là đường “trườn” của đất, đá. Song để tránh đất, đá đổ ụp vào nhà, người dân bản Co Pục đã nắn dòng chảy sang hướng khác. “Đó chỉ là giải pháp tình thế và tạm thời, còn về lâu dài rất nguy hiểm. Nhiều vị trí thân đồi đang bị nứt hình cánh cung, khối lượng đất, đá sẽ là rất lớn nếu xảy ra lũ quét. Bình thường đã nguy hiểm, nay còn nguy hiểm hơn.” – Trưởng bản Tuấn nói.

Nhiều hộ dân đã đóng cọc để ngăn đất đá lở từ trên đồi.
Nhiều hộ dân đã đóng cọc để ngăn đất đá lở từ trên đồi.

Bao giờ hết lo?

Do Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu thi công kéo dài, ngày 13-11-2014, Sở NN&PTNN tỉnh Điện Biên đã chuyển Tờ trình số 1815/TTr-SNN, trình UBND tỉnh Điện Biên xin bổ sung chi phí trượt giá vật liệu, lương nhân công và sắp xếp, ổn định dân tái định cư của 39 hộ người Mông, bản Nậm Khẩu Hu, xã Nà Nhạn trong vùng lòng hồ thuộc dự án; nâng tổng mức đầu tư từ 236 tỷ đồng lên 326 tỷ đồng. Trước đó, UBND huyện Điện Biên đã kiến nghị đưa 21 hộ dân, bản Co Pục, có liên quan đến tuyến Năng lượng – Nhà máy thủy điện, thuộc thành phần Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu, bổ sung kinh phí để đưa họ ra khỏi vùng nguy hiểm. Song 21 hộ dân bản Co Pục, xã Hua Thanh nằm ngoài dự toán và việc điều chỉnh, bổ sung dự toán.

Dù vậy, UBND huyện Điện Biên đã nhiều lần vận động các hộ dân bản Co Pục sớm di dời về nơi ở an toàn, hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng và bố trí đất ở. Nhưng các hộ dân người Khơ Mú vẫn không rời bản với lý do số tiền quá ít, không đủ để chuyển đến nơi ở mới. Trong khi đó, đơn vị thi công, công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu vẫn chưa chi trả tiền bồi thường đất nương cho các hộ dân của bản này.

Ông Lò Văn Lún, người dân bản Co Pục, chia sẻ: Với số tiền Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời đi nơi khác là việc làm quá khó khăn, chúng tôi lấy đâu ra tiền để làm nhà mới và một loạt các phát sinh khác. Nếu nhận được tiền đền bù, thêm thắt vào may ra chúng tôi dựng được nhà để ở. Chúng tôi cũng khố lắm, lúc nào cũng lo lũ đột ngột kéo về, nhưng đi thì tiền đâu để làm nhà, nên cứ liều ở vậy thôi.

Trong Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu có 39 hộ người Mông, bản Nậm Khẩu Hu, xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên) thuộc khu vực lòng hồ cần được sắp xếp tái định cư và 21 hộ dân bản Co Pục, xã Hua Thanh trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá và lũ quét cần di chuyển gấp. Đến nay, họ vẫn chưa thể đi đâu vì chưa được bố trí tái định cư và chưa nhận được tiền đền bù để di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Được biết, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề cương, dự toán và giao UBND huyện Điện Biên làm chủ đầu tư xây dựng phương án bố trí dân cư vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Song đến nay vẫn chưa có nguồn để thực hiện.

Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên thi công đã 5 năm. Không biết khi nào thì dự án hoàn thành, chỉ biết rằng 39 hộ, người dân tộc Mông bản Nậm Khẩu Hu và 21 hộ, người dân tộc Khơ Mú, bản Co Pục (huyện Điện Biên). Họ đã không thể nào yên tâm, lao động sản xuất ngần ấy năm trời nhùng nhằng giữa đi và ở. Họ đang sống bởi một điều không mơ mà thực, dự án về kèm theo nỗi lo âu. Thiết nghĩ, mục tiêu nào cũng không nằm ngoài lợi ích chính đáng của người dân.

Trần Hương