Giải pháp nào ngăn chặn thảm họa trượt đất châu thổ Cửu Long?

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 08/09/2015

(TN&MT) - Châu thổ Cửu Long - vùng đồng bằng 40.500 km2 trù phú bên bờ Thái Bình Dương mà dòng Mê Kông góp nhặt trầm tích phù sa qua hành trình hơn 4.800km về bồi đắp trong khoảng tám nghìn năm qua đang bị “nuốt” dần khoảng 500ha/năm vì vấn nạn xói lở. Đây là một thảm họa cần có giải pháp ứng phó kịp thời để gìn giữ, phát triển bền vững vùng đất cực Nam của nước Việt.

Bài 1: Tàn phá con đường trầm tích châu thổ ngầm

Tháng 8/2015, dòng Mê Kông đã đổi màu đục đỏ đổ về đồng bằng. Thế mà, trên con đường tích tụ trầm tích phù sa vùng châu thổ ngầm (do các nhà khoa học Việt Nam đã xác định từ kết quả phân tích 190 mẫu trầm tích bằng công nghệ laze, áp dụng nguyên lý tán xạ ánh sáng tại Viện Địa Lý - Đại học Tổng hợp Kiel - CHLB Đức), xói lở vẫn gia tăng, tàn phá.

Đảo ngược quy luật bồi lắng ở bán đảo Cà Mau…

Lần ngược con đường tích tụ trầm tích, từ Mũi Nai (TX. Hà Tiên, Kiên Giang) theo bờ biển Tây trở ra mũi Cà Mau, vòng qua bờ biển Đông đến khu vực các cửa sông Mê Kông và vùng biển Gò Công - giáp Cần Giờ (TP. HCM), toàn tuyến bờ biển 732km của Ðồng bằng sông Cửu Long có tới trên 200km đang tiếp tục bị xói lở tấn công trầm trọng.

Trầm tích phù sa xả ra từ các cửa sông Mê Kông trôi dạt về hướng Tây, Tây Nam vòng qua mũi Cà Mau trôi lên hướng Bắc không còn đủ để bồi lắng cho 311km bờ biển Tây – giáp Vịnh Thái Lan. Cuộc trường kỳ lấn biển, vươn khơi của rừng mắm, rừng đước bên bờ biển Tây bán đảo Cà Mau đã chấm dứt từ nhiều năm qua và có tới hơn 80km xói lở lởm chởm, có vị trí xâm thực 26m/năm. Ước tính, mấy năm gần đây diện tích đất bị biển “nuốt” mất ven tuyến bờ này còn nhiều hơn cả khu đô thị lấn biển lớn nhất Việt Nam (420ha) mà tỉnh Kiên Giang đã đầu tư trên 500 tỷ đồng móc sỏi dưới lòng biển lên san lấp, lấn ra Vịnh Thái Lan 500m, dài 7km, xây dựng trong hơn 6 năm, tại TP. Rạch Giá.

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Cần Thơ
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Cần Thơ

Các chuyên gia của Đức, quan sát bằng camera có định vị GPS đoạn hơn 200km bờ biển Tây thuộc Khu Dự trữ sinh quyển - Kiên Giang, đã phát hiện hơn 58km (chiếm 33%) bị xói lở. Trong số 5.000ha rừng ngập mặn phân bố trên 74% chiều dài bờ biển đã có 50% bị xói lở. Tuyến đê ngăn mặn 24km của tỉnh Kiên Giang, hiện tại có tới 19km bị xói lở uy hiếp. Khoảng hơn 5km bờ biển có ao nuôi thủy sản phía trong đang bị vỡ, lở. Rất nhiều nhà cửa của dân bị bỏ hoang, nhiều ngôi nhà đang bị đe dọa bởi sóng biển và sạt lở bên cạnh các vuông nuôi trồng thủy sản dọc tuyến bờ biển huyện An Minh. Từ giáp huyện An Minh (Kiên Giang) ra mũi Cà Mau khoảng 108km, hơn 20 năm trước tỉnh Cà Mau đã đắp đê ngăn mặn nằm sâu trong đất liền nay cũng đã bị xói lở, xâm thực tới chân, dù gia cố rọ đá mà xói lở vẫn uy hiếp khiến hàng nghìn hộ dân canh tác trên 200.000 ha đất phía trong đê thấp thỏm không yên.

Ngay tại tâm tích tụ trầm tích bột sét (từ khu vực Cửa Lớn đến cửa Bồ Đề) là mũi đất thiêng, nghìn đời vươn khơi của nước Việt, nay đã đảo ngược thành “điểm nóng” xói lở. Phân tích ảnh viễn thám tích hợp hơn 40 năm của NASA, các nhà khoa học đã phát hiện khoảng 10 năm gần đây, bờ biển phía Đông mũi Cà Mau bị thụt vào bình quân 40m/năm. Trên thực địa, cơ quan chức năng địa phương cũng đo được khu vực xói lở đang hoành hành trầm trọng dài khoảng 2,7km. Xói lở đang đánh vào Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - Khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới, cuốn từng phần diện tích rừng ngập mặn ven biển lớn nhất Việt Nam (41.800ha) còn sót lại, với hệ động thực vật đa dạng, phong phú chỉ sau hệ sinh thái của sông Amazon (Nam Mỹ). Mới đầu năm nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát và chỉ đạo chính quyền địa phương phải ưu tiên vốn, đầu tư nghiên cứu giải pháp công trình phù hợp để chống xói lở, bảo vệ mũi đất thiêng liêng này.

Mất ưu thế tích tụ tại khu vực cửa sông Cửu Long…

Suốt dãi bờ biển phía Đông hơn 420km từ mũi Cà Mau ngược qua vùng các cửa sông Mê Kông đến giáp biển Cần Giờ (TP.HCM), nhiều ưu thế tích tụ trầm tích phù sa mấy năm nay cũng đã “dậy sóng” xói mòn, sạt lở triền miên, các “điểm nóng” ngày càng dày thêm.

Khu vực bị tác động của sóng, động lực dòng chảy ven bờ mạnh thuộc tỉnh Bạc Liêu, có ít nhất 30 điểm sạt lở thường xuyên. Đã có những vụ xói lở bất ngờ, tàn phá cả đoạn đê kiên cố (từ cửa biển Nhà Mát đến Đồn Biên phòng – Hải đội 2), cuốn trôi hàng trăm căn nhà. Ngay cả khu vực bờ biển dài 234km qua Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre đến Tiền Giang dù gần các cửa sông Hậu, sông Tiền, có ưu thế tích tụ trầm tích cát thô - trong quá khứ đã bồi lấp mất một cửa (Ba Thắc) hình thành nhiều cù lao, khu vực bờ biển Thạnh Phong từng được mệnh danh là “Mũi Cà Mau 2” ở Bến Tre… nay xói mòn, sạt lở đang tấn công dữ dội.

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Tiền tại TP. Cao Lãnh
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Tiền tại TP. Cao Lãnh

Ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), người dân  rất hoang mang khi chứng kiến trong 10 năm gần đây, bờ biển đã bị xâm thực hơn 300m. Đến Cồn Nhàn (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) sẽ thấy mức độ tàn phá của vấn nạn xói lở thật kinh khủng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - Nguyễn Văn Phong, vừa thị sát đã thốt lên: “Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, chỉ 2 năm nữa cả Cồn Nhàn sẽ biến mất!”. Còn Biển Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) - “Mũi Cà Mau 2” ở tỉnh Bến Tre, xói lở đã cuốn phăng nhiều đoạn đê, nhiều hàng dương chắn sóng. Riêng xã Thạnh Hải, nửa đoạn đê dài 18km đã bị xâm thực, có đoạn liền lạc suốt hơn 2km, trong 3 năm xâm thực hơn 45m. Các cù lao ven biển Cồn Lợi, Cồn Bửng… cũng đang bị tấn công.

Sự đảo ngược diễn ra rõ rệt khi vùng biển bùn Gò Công, bao đời hứng trầm tích phù sa đổ ra từ Cửa Tiểu, Cửa Đại (sông Tiền) và cả cửa Xoài Rạp (sông Vàm Cỏ) những năm gần đây xói lở đã lấn tới chân tuyến đê kiên cố dài 21km ngăn mặn ven biển phía trong rừng phòng hộ.

Tại đoạn xung yếu nhất (dài 5km) có nhiệm vụ giữ ngọt, chống bão và xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất, đời sống cho hàng chục nghìn hộ dân phía Đông của tỉnh Tiền Giang bị uy hiếp thường xuyên. Rất nhiều vị trí ở các xã Tân Điền, Tân Phước, Tân Thành (huyện Gò Công Đông), biển đã nuốt hết rừng phòng hộ vào tới chân đê. Tốc độ xâm thực ghi nhận tại xã Tân Thành trung bình từ 30m - 100m/năm.

Trầm tích mịn lơ lửng suy giảm ở vùng rìa châu thổ…

Khảo sát 2.000 ảnh vệ tinh trong 9 năm gần đây tại châu thổ Cửu Long, các chuyên gia của tổ chức Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã ghi nhận: Khu vực phía Tây (vùng bán đảo Cà Mau) có lịch sử lấn biển cao nay đã có 70% chiều dài bờ biển đang thoái lui, tốc độ trung bình 14m/năm, trong đó, riêng đoạn Vịnh Thái Lan 36% thoái lui, tốc độ trung bình 3,7m/năm. Còn ở khu vực phía Đông (Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang), 48% khu vực bờ biển có biểu hiện thoái lui, với tốc độ trung bình 12,2m/năm. Các thay đổi này thể hiện sự suy giảm nguồn cung trầm tích.

Lý giải hiện tượng này, qua nghiên cứu, GS.TS Hubert Loisel - Giám đốc Khoa học, Trung tâm nghiên cứu khoa học Trái Đất, Cố vấn Viễn thám cho Viện Công nghệ Vũ trụ (Trường Đại học Littoral, Lille - Cộng hòa Pháp) và đồng nghiệp đã phát hiện mức độ xói lở bờ biển có sự tương đồng với xu hướng lượng trầm tích mịn lơ lửng suy giảm khoảng 5%/năm ở vùng rìa châu thổ Mê Kông. Ông cho biết: “Xu hướng giảm lượng trầm tích thể hiện rõ hơn trong mùa lũ (tháng 7 – tháng 11) so với mùa kiệt. Xu hướng này không thể giải thích được bằng các điều kiện hải dương học mà là do thay đổi về lượng xả/thoát trầm tích từ sông Mê Kông”.

 

“Đồng bằng sông Cửu Long chứa đựng những giá trị vô giá về đa dạng sinh học, nhưng tại các khu vực Đồng Tháp Mười, rừng tràm U Minh, Kiên Giang và các vùng rừng ngập mặn cửa sông ven biển đang bị tác động tiêu cực do sự thay đổi về trầm tích của sông Cửu Long” - GS.TS. Bùi Cách Tuyến, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo.

Hùng Long