Hà Nội: Nan giải bài toán chậm sử dụng đất
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 18/08/2015
342 dự án chậm triển khai
Theo Sở TN&MT thành phố Hà Nội, tổng hợp báo cáo kết quả thanh, kiểm tra của Sở và UBND các quận, huyện, đến nay trên địa bàn thành phố có 342 dự án có sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích đất được giao khoảng 2.574ha. Trong đó, 157 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, diện tích khoảng 1.421ha, nhưng chưa đưa vào sử dụng sau 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao trên thực địa. 43 dự án được Nhà nước giao, cho thuê hơn 467ha đất nhưng tiến độ triển khai chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt. 35 dự án, với diện tích hơn 541ha, chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng. 107 dự án, diện tích 144ha, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Nguyên nhân của tình trạng dự án đình trệ là do dự báo phát triển thiếu chính xác, nhiều ngành, lĩnh vực phát triển vượt quá nhu cầu, khả năng, không có quy hoạch, kế hoạch. Điều này thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực bất động sản, với tình trạng đầu tư theo phong trào dẫn đến tồn kho sản phẩm, đất đai, thậm chí cả biệt thự bỏ hoang. Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, việc thẩm định dự án đầu tư hạn chế dẫn đến nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện hoặc chấp hành pháp luật đất đai, đầu tư không nghiêm. Trong khi, các ngành và chính quyền địa phương thiếu phối hợp kiểm tra, thanh tra. Sau khi được giao đất, phát hiện sai phạm nhưng thiếu chế tài xử lý...
Tình trạng được giao đất nhưng chậm triển khai vẫn xảy ra ở nhiều dự án. Ảnh: Hoàng Minh |
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Ngoài việc các văn bản hướng dẫn, ban hành chậm, nhiều thay đổi, nội dung khó triển khai trong thực tiễn (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư…), còn có nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn vốn đầu tư giảm, dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai hoặc kéo dài thời gian thực hiện. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến dự án chậm triển khai là do năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư. Bởi, hệ thống pháp luật khung đang khuyến khích đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng cơ chế nhiều nơi là giao đất cho nhà đầu tư đã được chỉ định. Nhưng do không nắm rõ năng lực của chủ đầu tư, dẫn tới nhiều nhà đầu tư dù không đủ năng lực tài chính thực hiện dự án nhưng vẫn tìm cách được chấp thuận đầu tư nhằm chuyển nhượng kiếm lời trên danh nghĩa liên doanh, liên kết. Đến khi thị trường bất động sản đóng băng, các chủ đầu tư này lại bỏ hoang, chậm tiến độ.
Đáng lo ngại hơn, tình trạng nhiều dự án treo này đã gây khó khăn cho chính quyền cơ sở trong việc vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án mới. Trên thực tế, việc giải phóng mặt bằng không phải đơn giản, có dự án lực lượng chức năng phải tổ chức cưỡng chế, nhưng ngay sau khi mặt bằng được bàn giao, thì chủ đầu tư lại bỏ không, còn người dân thì thiếu đất sản xuất dẫn tới thành phố thất thu tài chính, đất bị bỏ hoang lãng phí.
Bên cạnh đó, tình trạng chậm nghĩa vụ tài chính, nhất là với những dự án nhà ở thương mại, còn dẫn đến hệ lụy đối với khách hàng mua nhà như không được cấp sổ đỏ, thậm chí chậm bàn giao nhà, trong trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ỳ buộc cơ quan chức năng phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu nợ.
Tăng cường thanh tra giám sát thực hiện
Sở TN&MT Hà Nội cho biết, cùng với việc thẩm định dự án khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm chủ đầu tư đủ năng lực, thành phố sẽ không giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư đã có dự án chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai. Đồng thời, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, đúng tiến độ hoặc bảo đảm việc xử lý sau kết luận thanh tra.
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, quy định về mức độ xử phạt hành chính các dự án vi phạm còn quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe. Cũng theo ông Nghĩa, thu hồi đất của các dự án là công việc hết sức khó khăn, phức tạp. Trong khi đó, hành lang pháp lý hiện nay còn thiếu, vẫn chưa có quy trình, thủ tục đầy đủ về thu hồi đất, gia hạn đối với dự án vi phạm pháp luật đất đai dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của nhiều cơ quan. Sở TN&MT đề nghị Bộ TN&MT và cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến lĩnh vực này làm căn cứ thực hiện.
Từ năm 2009 đến nay, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi đất đã giao cho 60 tổ chức, với tổng diện tích hơn 1.785ha, trong đó 32 dự án đã thu hồi quyết định giao đất, thu hồi trên thực tế. Đối với 215 dự án phải kiểm tra theo yêu cầu của HĐND, UBND thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đất 17 dự án. 6 tháng đầu năm 2015, Sở TN&MT đã thanh tra 33 đơn vị được giao đất, kết quả đã xử phạt hành chính hơn 1,2 tỷ đồng và làm thủ tục trình UBND thành phố ra quyết định thu hồi hơn 15.300m2 đất có sai phạm. |
Lục Bình