Hiểm họa từ bãi thải của các mỏ than: "Bom" đang lơ lửng trên đầu dân
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 12/08/2015
Vụ bùn thải từ đập 790 ở phường Mông Dương (TP.Cẩm Phả) tràn xuống vùi lấp hàng trăm hộ dân, khiến hàng nghìn người mất nhà cửa và suýt nữa xóa sổ mỏ than Mông Dương trong trận mưa lũ vừa qua thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thảm họa khó lường từ những “quả bom” đang treo lơ lửng trên đầu người dân.
Lũ bùn từ bãi thải trên đỉnh Đông Cao Sơn (Cẩm Phả). |
Chuyện cũ lặp lại
Những bãi thải than hình thành ở Quảng Ninh, mà chủ yếu ở Hạ Long và Cẩm Phả - nơi tập trung phần lớn các mỏ khai thác lộ thiên của ngành than - từ cách đây 1 thế kỷ. Tuy nhiên, càng về sau, quy mô các bãi thải ngày càng lớn và cao do các mỏ đều tăng sản lượng, trong khi hệ số bóc gỡ đất đá để lấy một tấn than cũng ngày một tăng - trung bình 8 - 10 tấn đất đá/1 tấn than nguyên khai.
Việc hàng trăm ngôi nhà ngập chìm trong bùn đất trong tích tắc và hàng ngàn người dân phải sơ tán khẩn cấp ở phường Mông Dương trước nguy cơ vỡ đập 790 do sức ép của bãi thải khổng lồ của các Cty than trên đỉnh Đông Cao Sơn, TP.Cẩm Phả đang là bài học nóng hổi không chỉ của ngành than, của Quảng Ninh, mà còn của các bộ, ngành trong việc quy hoạch, cấp phép bãi đổ thải và quy trình đổ thải.
Nhìn lại lịch sử, thảm họa trên không phải xảy ra lần đầu tại Quảng Ninh. Đáng chú ý nhất, vào trưa 31.7.2006, mưa như trút nước và kéo dài trong cơn bão số 3 làm vỡ đập Khe Dè, khiến chỉ trong vài phút hàng ngàn khối đất đá từ bãi thải của Cty CP than Cọc Sáu đổ ào ào xuống khu 12, phường Cửa Ông, TP.Cẩm Phả. Hậu quả khiến 6 ngôi nhà bị san phẳng, 2ha đất vườn đồi bị nhấn chìm, 7 con bò, nhiều xe máy và vật dụng khác bị cuốn trôi. Toàn bộ 15 hộ dân may mắn thoát chết nhưng lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Việc người dân sống dưới chân các bãi đổ thải cao thường xuyên phải chạy lũ bùn, hoặc chứng kiến bùn đất ngập tràn trong nhà, ngoài sân là chuyện không hiếm ở đất mỏ mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Nhiều kiến nghị của người dân gửi chính quyền và các đơn vị liên quan, đề nghị nhanh chóng ngăn chặn những hiểm họa từ những “quả bom” treo trên đầu, trong đó có cả bãi thải Đông Cao Sơn, nhưng tất cả đều không được giải quyết. Cao trình của các bãi thải từ Hạ Long tới Cẩm Phả ngày tăng dần, trong đó nhiều bãi thải đã đạt tới độ cao hết mức cho phép.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi thải đất đá luôn là một bài toán đau đầu đối với của các Cty than khai thác lộ thiên tại Quảng Ninh. “Thường sản lượng mỗi năm phải tăng, trong khi hệ số bóc gỡ đất đá để lấy 1 tấn than cũng tăng do lượng than đẹp cạn kiệt. Việc xin cấp phép các bãi đổ thải không dễ vì quỹ đất không còn” - lãnh đạo một Cty than chia sẻ. Vì thế, các bãi thải cứ ngày cao và rộng thêm.
Tại Hạ Long, từ trên cầu Bãi Cháy nhìn sang phía Hòn Gai, những bãi thải của các Cty than như Hà Tu, Núi Béo, Hà Lầm, Hòn Gai đang vây quanh thành phố; trong khi tại TP.Cẩm Phả, những bãi thải của Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu… lừng lững giữa trung tâm thành phố. Không chỉ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường cho tính mạng người dân, những bãi thải này đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thủ phạm cũng là nạn nhân
Hiện nay, với các mỏ lộ thiên, để khai thác được 1 tấn than nguyên khai phải bóc 8 - 10 tấn đất đá. Hệ số trên cho thấy, hiệu suất đầu tư của ngành than ngày càng thấp đi, trong khi việc giải quyết bài toán đất đá thải ngày càng lớn. Hiện, trong tổng số hơn 20 đơn vị thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tại Hạ Long và Cẩm Phả, đại đa số đều khai thác lộ thiên. Mỗi năm, mỗi mỏ lộ thiên khai thác 2 triệu tấn than nguyên khai đồng nghĩa tổng lượng đất đá thải lên tới vài trăm triệu tấn; chưa kể lượng đất đá của các mỏ hầm lò.
Ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Cty CP than Hà Tu - cho biết: “Độ cao tối đa cho phép của bãi thải của cty là 256m và hiện đã đạt mức này. Đầu năm nay, chúng tôi vẫn tiếp tục đổ thải ở độ cao trên, tuy nhiên, gần đây đã dừng hẳn và chuyển sang đổ vào moong của Cty CP than Núi Béo”. Được biết, Than Núi Béo đang giảm dần khai thác lộ thiên và đầu tư khai thác hầm lò. Nếu không có sự chuyển dịch này, có lẽ sẽ rất khó để Cty than Hà Tu xử lý được vấn đề bãi thải.
Theo ông Bùi Khắc Thất - Giám đốc Cty than Hòn Gai, hầu hết các Cty đều thiếu bãi đổ thải. “Cao trình đổ thải cho phép là 240m, hiện cty đã đổ ở mức 210m. Chưa kể mỏ khai thác hầm lò, hiện mỏ lộ thiên với sản lượng 1,2 triệu tấn/năm, chúng tôi đang rất khó khăn về nơi đổ thải vì một phía là các công trình của các đơn vị, một phía là khu dân cư. Vừa qua, chúng tôi phải đổ vào bãi trong của cty và chính vì thế bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ” - ông Thất cho biết.
Tuy nhiên theo ông Ngô Hoàng Ngân - Phó Tổng Giám đốc TKV: “Các bãi thải ở Cẩm Phả vẫn nằm ở trong cao trình cho phép, từ 250m đến 300m. Vừa rồi Bộ Xây dựng xuống kiểm tra và khẳng định không có chỗ nào vượt độ cao cho phép. Việc một số bãi thải bị uy hiếp trong trận mưa lũ vừa qua là do lượng mưa quá lớn”.
Thực tế, cho dù nhiều khu vực bãi thải được TKV đầu tư lớn để hoàn nguyên, trồng cây, xử lý cắt tầng…, nhưng do các bãi thải cao vốn dĩ độ liên kết kém, nên khi ngậm nước nhiều sẽ sạt lở nhanh chóng. Hậu quả, chính các mỏ than và các gia đình công nhân ngành than đang gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.
Theo Lao Động