Tọa đàm khoa học "Môi trường biển Đông- ứng xử của con người"

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 08/08/2015

  (TN&MT) - Ngày 8/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng tổ chức tọa đàm khoa học về "Môi trường biển Đông - ứng xử của con người".

 

(TN&MT) - Ngày 8/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  thành phố Hải Phòng  tổ chức tọa đàm khoa học về “Môi trường biển Đông - ứng xử của con người”. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ cùng chủ trì hội nghị. Tham dự tọa đàm có hơn 60 đại biểu đến từ các cơ quan khoa học Việt Nam, Philipins, Hoa Kỳ, Bỉ và một số tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho rằng: Thời gian qua, chúng ta chứng kiến các hành vi ứng xử không thể chấp nhận được đối với môi trường biển quần đảo Trường Sa, có ý kiến cho rằng sự tàn phá các rạn san hô nguyên sinh trong khu vực là chưa từng có trong lịch sử, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của biển Đông. Ông Lê Khắc Nam nhấn mạnh: Khác với những tọa đàm khác xoay quanh chủ đề hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực, tọa đàm “Môi trường biển Đông-ứng xử của con người” do UBND thành phố Hải Phòng tổ chức đề cập những vấn đề tài nguyên và môi trường biển trong khu vực biển Đông đang từng ngày, từng giờ chịu sự tác động tiêu cực của con người. Tọa đàm là dịp để các đại biểu, nhà khoa học trao đổi các kết quả nghiên cứu, đánh giá từ góc độ khoa học và luật pháp quốc tế trong bối cảnh môi trường chính trị, kinh tế, quốc tế và an ninh của khu vực biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới tự do và an ninh, an toàn hàng hải. Đồng thời đề xuất, kiến nghị Chính phủ các nước liên quan trực tiếp và gián tiếp trong khu vực tăng cường hợp tác, quản lý hiệu quả các hoạt động của con người tới môi trường biển Đông.

Trong  buổi tọa đàm, các nhà khoa học trong và ngoài nước trình bày các tham luận về các vấn đề môi trường, về tự do, anh ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông; thảo luận sôi nổi để làm sáng tỏ và bổ sung các nghiên cứu, bày tỏ quan điểm và đề xuất các giải pháp liên quan tới các vấn đề trên. Các đại biểu tham gia tọa đàm đều cho rằng biển Đông là một trong những hệ sinh thái biểu lớn rất quan trọng của thế thới. Khu vực biển Đông giàu tài nguyên thiên nhiên và là nơi duy dưỡng của khoảng 300 triệu người có sinh kế hằng ngày phụ thuộc vào nguồn lợi của biển này. Biển Đông cũng được ví như một “ngã ba đường” của thế giới với tuyến hàng hải quốc tế quan trọng nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hằng ngày có khoảng 300 tàu, trong đó có 200 tàu chở dầu đi qua vùng biển này.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đều bày tỏ quan ngại về sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường biển, gia tăng các sự cố tràn dầu do tác động của con người, sự gia tăng căng thẳng do những tuyên bố và hành động đơn phương của Trung Quốc gần đây đang đe dọa đến môi trường, sinh thái, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực biển Đông. Các tuyên bố đơn phương, phi lý về “đường lưỡi bò”, về lệnh cấm đánh bắt thủy sản theo mùa và một loạt hoạt động nguy hiểm gần đây khi tôn tạo bãi cạn, đá rạn san hô thành các “đảo nhân tạo” và “căn cứ quân sự” ở quần đảo Trường Sa cũng như chậm thực hiện Tuyên bố ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) và kéo dài sự chuẩn bị thông qua Bộ Quy tắc ứng xử (COC)…của phía Trung Quốc bất chấp sự phản đối của các nước và các tổ chức quốc tế, rõ ràng đã phá hủy môi trường tự nhiên, cản trở đến tự do hàng hải, hàng không trong khu vực này.

Tọa đàm khuyến nghị các quốc gia đang làm suy thoái và hủy hoại những hệ sinh thái biển nông, đặc biệt ở quần đảo Trường Sa phải chấm dứt những hành động xâm hại tới năng suất và đa dạng sinh học của các vùng biển trong biển Đông. Tự do hàng hải và tự do hàng không được quy định rất rõ trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là căn cứ quan trọng để các quốc gia trong và ngoài khu vực biển Đông thực hiện các quyền này. Trung Quốc không được cố ý diễn giải sai UNCLOS 1982 và dừng ngay các đe dọa quân sự và hoạt động quân sự “trá hình” để tạo một môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, tọa đàm khuyến nghị cần tăng cường và phát huy vai trò của ASEAN trong việc đàm phán với Trung Quốc để góp phần giải quyết các tranh chấp chủ quyền trong khu vực biển Đông trên tinh thần “cao thượng’, xây dựng lòng tin, thúc đẩy thực hiện Tuyên bố ứng xử các bên ở biển Đông và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử. Đồng thời khuyến nghị Chính phủ Việt Nam phối hợp với các quốc gia liên quan ủng hộ và tạo điều kiện để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đưa ra các kết luận rõ ràng hơn về các tác động xấu đến môi trường, sinh thái, tự do và an toàn hàng hải, hàng không trên biển Đông.

Bài & ảnh: Hà Thúy