Người nông dân được hưởng lợi khi nhà nước chuyển mục đích sử dụng đất?
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 31/07/2015
(TN&MT) – Đối với nông dân Việt Nam, đất không chỉ có ý nghĩa tài sản, giá trị kinh tế mà còn có tính năng bảo hiểm, giá trị tinh thần, gắn với quê hương,...
(TN&MT) – Đối với nông dân Việt Nam, đất không chỉ có ý nghĩa tài sản, giá trị kinh tế mà còn có tính năng bảo hiểm, giá trị tinh thần, gắn với quê hương, nguồn cội và là phương tiện mưu sinh của họ. Đó là những vấn đề trọng tâm được đưa ra tại Hội thảo cơ sở khoa học của việc thu tiền khi chuyển mục đích sử dụng đất ở Việt Nam do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Qũy Hanns Seidel tổ chức ngày 30/7 tại Hà Nội.
Nhiều chính sách chế độ đất đai ưu đãi cho nông dân
Trong chính sách đất đai ở Việt Nam, người nông dân được nhà nước rất ưu ái. Về vấn đề này, PGS, TS. Trần Thị Minh Châu đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh dẫn chứng: Nhà nước giao quyền sử dụng đất nông nghiệp không thu tiền; đưa ra những chính sách chế độ ưu đãi cho đất vườn xung quanh nhà khi chuyển đổi thành đất ở; có chế độ cho người nông dân phát triển nông nghiệp để sống được trên mảnh đất của mình; có chế độ miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp…
PGS.TS. Trần Thị Minh Châu trả lời phỏng vấn phóng viên baotainguyenmoitruong.vn |
Theo PGS - TS. Trần Thị Minh Châu thì khi bắt buộc phải giao lại đất cho Nhà nước, người nông dân được hưởng những lợi ích sau: Thứ nhất, họ được bồi thường theo giá nhà nước quy định. Theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì: đất trong hạn mức sẽ được đền bù về đất và giá trị đầu tư vào đất còn lại, đất ngoài hạn mức không được đền bù về đất.
Thứ hai, theo Nghị định 47/2014/NĐ-CP nông dân bị cơ quan nhà nước thu hồi đất có thể được hưởng nhiều loại hỗ trợ như hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ ổn định sản xuất, hỗ trợ học nghề…
Thứ ba, nông dân có thể được hỗ trợ tái định cư nếu địa phương còn đất đền bù hoặc cơ quan nhà nước lấy mất đất ở của họ.
Nông dân bị “thiệt thòi” trong phân chia lợi ích
Được biết, tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi và giao đất cho dự án xây dựng tuyến đường từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên. Với quyết định này, có khoảng 555 ha đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, bị thu hồi, trong đó đất cho tuyến đường giao thông nói trên là 55 ha, còn lại là giao cho chủ đầu tư đã bỏ vốn làm đường. Chủ đầu tư sử dụng diện tích đất nói trên theo quy hoạch và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng số tiền mà nông dân vùng Văn Giang nhận được từ tiền đền bù và hỗ trợ nhỏ giọt sau đó của chủ đầu tư là 135 ngàn đồng/m2, trong khi giá giao bán của chủ đầu tư ở khu đô thị này là trên dưới 20 triệu đồng/m2 chung cư và 40 triệu đồng/m2 biệt thự và liền kề.
Nhận xét về sự chênh lệch giá theo mục đích sử dụng ở khu đô thị Ecopark, bà Trần Thị Minh Châu cho biết: Cơ chế thu hồi cưỡng bức và giá do nhà nước quy định làm cho nông dân bị “thiệt thòi một cách tương đối” trong phân chia lợi ích giữa ba chủ thể: nông dân (người mất đất) – cơ quan nhà nước (vừa thu hồi, vừa giao đất) – nhà đầu tư (người nhận đất).
Thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất khiến người nông dân gặp không ít khó khăn trong việc chuyển đổi nghề. (Ảnh: Internet) |
Bà Trần Thị Minh Châu cũng cho rằng, khi nhà nước chuyển mục đích sử dụng đất, nông dân gặp phải một số bất lợi sau: Thứ nhất, nông dân mất tư liệu sản xuất quan trọng nhất nên họ phải chuyển nghề. Thứ hai, nhiều người dân mất luôn nhà ở, phải chuyển đến khu tái định cư, do đó họ mất hết những mối quan hệ làm ăn cũ, phải sống ở nơi mới mà dịch vụ xã hội và dịch vụ kinh tế chưa phát triển. Thứ ba, người nông dân có tâm trạng không hài lòng khi họ thấy sự chênh lệch giá theo mục đích sử dụng đất giữa nông dân và nhà đầu tư, từ đó gây ra nhiều bức xúc hay khiếu kiện từ nông dân.
Cần có thị trường bất động sản minh bạch
Khi chưa thể điều chỉnh Luật đất đai, để tháo gỡ những bất cập mà nông dân gặp phải khi nhà nước chuyển mục đích sử dụng đất thì cần phải có thị trường bất động sản minh bạch. Thị trường bất động sản minh bạch nghĩa là ngoài việc nhà nước thu thuế, nhà nước quản lý vì lợi ích chung, nhà nước quản lý bằng quy hoạch thì những dự án đầu tư cần sử dụng đất của nhà nước để kinh doanh nên áp dụng cơ chế mua - bán thỏa thuận với người nông dân.
Quan điểm này của PGS - TS. Trần Thị Minh Châu nhận được sự đồng tình của phần lớn các đại biểu tham dự Hội thảo cơ sở khoa học của việc thu tiền khi chuyển mục đích sử dụng đất ở Việt Nam. Hội thảo do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Qũy Hanns Seidel tổ chức ngày 30/7 tại Hà Nội.
Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cơ sở khoa học của việc thu tiền khi chuyển mục đích sử dụng đất ở Việt Nam cho rằng cần phải có thị trường bất động sản minh bạch |
Theo đó, để làm cho cơ chế thị trường minh bạch thì thị trường bất động sản phải có những dịch vụ hỗ trợ thị trường như thông tin đất đai, trích lập bản đồ, đăng ký ai là người sử dụng, hệ thống đăng ký giá giao dịch thành công…
Cùng với giải pháp xây dựng thị trường bất động sản minh bạch, ông Nguyễn Cúc, nguyên Giám đốc Học viện khu vực I, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, xử lý quan hệ lợi ích về đất đai không đúng cũng sẽ gây nhiều rắc rối. “Tuy nhiên, việc xử lý quan hệ lợi ích giữa nhà nước và người dân là tương đối khó khăn. Quan hệ cung - cầu về đất đai là một yếu tố tác động rất mạnh đến giá trị tăng thêm của đất đai. Người sử dụng phải có quyền sở hữu hay tiếp cận quyền sở hữu để đảm bảo quyền của người sử dụng” – ông Nguyễn Cúc khẳng định.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường bất động sản minh bạch: Nếu tồn tại những quan hệ không chính thức, quan hệ “ngầm” sẽ khiến cả nhà nước và người sử dụng đất đều phải chịu thiệt thòi. Không có thị trường bất động sản minh bạch, đầy đủ và thuận lợi thì việc sản xuất nông nghiệp sẽ vẫn nhỏ lẻ, manh mún, khiến giá trị gia tăng thấp...
Bài và ảnh:Mai Đan