Thừa Thiên - Huế: Tràn lan bãi cát sỏi tự phát
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 09/07/2015
Qua nhiều ngày khảo sát ở các bãi cát sỏi trên địa bàn tỉnh, phóng viên phát hiện có rất nhiều bãi tập kết cát sỏi nằm ngoài quy hoạch vẫn đang hoạt động bình thường, không bị bất cứ cản trở nào từ phía địa phương, các cơ quan chức năng. Theo đó, ở thành phố Huế vẫn còn trên 10 bãi tập kết tự do không nằm trong quy hoạch; huyện Phú Lộc có trên 10 bãi cát sỏi nằm ngoài quy hoạch; thị xã Hương Thủy có 5 bãi của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động; huyện Phong Điền có 8 bãi hoạt động; huyện Quảng Điện có 3 bãi nằm ngoài quy hoạch. Các bãi tập kết cát sỏi trái phép không có thủ tục pháp lý nào, ngoài một số bãi chỉ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ở khu vực dọc sông Hương đoạn qua thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang tồn tại đến 4 bãi tập kết cát sỏi trong khi chỉ được UBND tỉnh quy hoạch 1 bãi. Ở đoạn thượng nguồn sông Hương cũng tồn tại hành chục bãi tập kết cát sỏi tự phát. Dọc Tỉnh lộ 11A đoạn qua thôn An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền có 3 bãi tập kết cát sỏi trong khi chỉ quy hoạch 1 bãi tập kết cát sỏi, 2 bãi nằm ngoài quy hoạch nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay.
Nhiều bãi cát sỏi tự phát hoạt động công khai nhưng địa phương vẫn “phớt lờ” |
Ông Trương Văn Hòa - Chủ bãi cát sỏi Phú Lễ, thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền cho biết, bãi nằm trong quy hoạch của UBND tỉnh, do huyện chưa triển khai đầu bãi nên vẫn hoạt động bình thường nhiều năm qua.
Qua tìm hiểu của phóng viên, qua gần 3 năm triển khai quyết định, hiện chỉ có thị xã Hương Trà đưa vào cho thuê 6 bãi cát sỏi, ở các huyện, thị xã, thành phố vẫn chưa triển khai cho thuê như chỉ đạo UBND tỉnh. Nhiều bến bãi nằm ngoài quy hoạch vẫn tồn tại, ngang nhiên hoạt động, bất chấp quy định của UBND tỉnh.
Những năm trước, các bãi tập kết cát, sỏi làm VLXD trên địa bàn tỉnh được hình thành tự phát ở dọc bờ sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Nông, sông Truồi… Việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép đã làm ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng và làm thất thu nguồn thuế của Nhà nước. Vì vậy, cuối năm 2012, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định “về việc quản lý, sử dụng các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh”. Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 55 bãi tập kết cát sỏi làm VLXD, trong đó; TX Hương Trà có 17 bãi; huyện Nam Đông có 7 bãi; huyện Phong Điền 6 bãi; huyện Phú Lộc 6 bãi; huyện Quảng Điền có 5 bãi: huyện A Lưới có 5 bãi; thị xã Hương Thủy có 4 bãi; huyện Phú Vang 3 bãi và TP Huế có 2 bãi tập kết cát sỏi làm VLXD. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký, giao các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành.
Ông Phạm Hữu Thường – Phó phòng TN&MT thị xã Hương Trà cho biết, trên địa bàn thị xã đã được UBND tỉnh quy hoạch 17 bãi tập kết cát sỏi làm VLXD, năm 2013 thị xã tổ chức cho các DN, cá nhân đấu giá 6 bãi và đã đưa vào hoạt động, các bãi còn lại cũng đang tiến hành triển khai. Tuy nhiên, việc các địa phương khác không triển khai đồng bộ khiến các DN thuê bãi trên địa bàn thị xã gặp nhiều khó khăn, không cạnh tranh được với các bãi các huyện khác cùng nằm trên một dòng sông, một trục đường.
Hữu Phong