Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ địa chất hy sinh trong tìm kiếm và bảo vệ mỏ đồng biên giới Sin Quyền
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 13/07/2015
(TN&MT) - Nhà bia tưởng niệm 50 liệt sỹ - nhà địa chất trên các cương vị và nhiệm vụ khác nhau đã anh dũng hy sinh trong công tác tìm kiếm quặng và bảo vệ vùng mỏ đồng biên giới Sin Quyền (1960 - 1980) nằm trên ngọn đồi cao có địa thế rất đẹp ở khu vực dốc Kho Tàu thuộc địa bàn biên giới xã Bản Vược, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai).
Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ địa chất đã hy sinh vì sự nghiệp điều tra, thăm dò quặng đồng cho đất nước và bảo vệ vùng mỏ đồng Sin Quyền trên biên giới tháng 2/1979. |
Đây một trong những địa chỉ Đỏ được thế hệ trẻ huyện biên giới Bát Xát (tỉnh Lào Cai), Công ty mỏ - tuyển đồng Sin Quyền và Tổng công ty khoáng sản Việt Nam tới thăm viếng, dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ địa chất có công tìm kiếm, thăm dò và bảo vệ vùng mỏ đồng lớn nhất đất nước nằm trên biên giới Việt - Trung nhân các ngày lễ lớn và Ngày thương binh liệt sỹ 27/7.
Được biết nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ địa chất hy sinh vì sự nghiệp tìm kiếm, thăm dò khoáng sản vùng biên giới Việt - Trung và chiến đấu bảo vệ vùng mỏ đồng Sin Quyền ngày 17/2/1979 được Liên đoàn Địa chất 3, Cục Địa chất (nay là Liên đoàn Địa chất Tây Bắc – Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam) phối hợp với Sở Công nghiệp tỉnh Lào Cai (cũ) xây dựng ngay cạnh đường vào mỏ đồng Sin Quyền và khánh thành năm 1995 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Địa chất Việt Nam nhằm tưởng nhớ và ghi công các cán bộ, công nhân viên ngành địa chất đã quên mình hy sinh vì đất nước và vùng mỏ đồng Sin Quyền trên biên giới Lào Cai trong giai đoạn 1960 - 1980.
Do mở rộng khai trường khai thác và tuyển quặng đồng Sin Quyền nên năm 2008 Nhà bia tưởng nhớ các liệt sỹ địa chất này lại được Tổng công ty khoáng sản trực thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam di chuyển và xây mới to đẹp hơn trước ở vị trí mới cách chỗ cũ không xa trên một đỉnh đồi cao nằm trên dốc Kho Tàu, thuộc xã Bản Vược, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai).
Một bia đá hoa cương được khắc trang trọng tên 50 liệt sỹ địa chất đã ngã xuống trong sự nghiệp thăm dò, điều tra quặng đồng và chiến đấu bảo vệ vùng mỏ đồng Sin Quyền ở xã biên giới Cốc Mỳ, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) tháng 2/1979, trong số đó có kỹ sư- liệt sỹ- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Lại dũng cảm hy sinh trong trận đánh lui nhiều đợt phản kích của địch từ bên kia biên giới tràn sang ngày 17/2/1979, đặc biệt anh đã mưu trí dùng thân mình che quả lựu đạn của giặc ném vào phía đội hình của ta bảo vệ kịp thời 6 đồng đội , góp phần bảo đảm an toàn đường rút lui về phía sau cho 300 người dân địa phương và gia đình công nhân địa chất, trong đó có nhiều cụ già, em nhỏ và toàn bộ tài liệu thăm dò, khảo sát địa chất mỏ đồng Sin Quyền.
Bia khắc tên ghi công 50 liệt sỹ địa chất đã ngã xuống vì Tổ quốc và vùng mỏ đồng Sin Quyền giai đoạn 1960 - 1980. |
Trên chiến trường xưa bảo vệ vùng mỏ Sin Quyền nơi anh hùng - liệt sỹ - kỹ sư Nguyễn Bá Lại nằm xuống trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc và vùng mỏ đồng lớn nhất đất nước hiện nay mọc lên một nhà máy tuyển quặng đồng lớn nhất nước với công nghệ hiện đại mỗi năm tuyển được 1,2 triệu tấn quặng đồng, cung cấp hàng vạn tấn tinh quặng đồng cho nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng sản xuất cho Tổ quốc hàng ngàn tấn đồng thỏi công nghiệp.
Công ty mỏ - tuyển đồng Sin Quyền - Lào Cai là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin được giao nhiệm vụ đứng chân tại ngay vùng mỏ đồng Sin Quyền có nhiệm vụ khai thác và tuyển quặng đồng.
Một tin vui mới đến với vùng mỏ các đơn vị khảo sát của Tổng công ty khoáng sản Việt Nam phối hợp với công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền phát hiện thêm khoảng 50 triệu tấn quặng, nâng sản lượng quặng tăng gấp đôi so với tài liệu thăm dò, khảo sát trước đây. Qua đó tạo ra căn cứ khoa học để nâng công xuất khai thác và tuyển quặng đồng Sin Quyền lên hơn 2 lần hiện nay và kéo dài thời gian khai thác mỏ lên từ 20 - 30 năm nữa.
Theo đại diện Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền - Lào Cai, từ khi đi vào hoạt động đến nay, công ty đã đưa năng suất tuyển vượt 120% công suất thiết kế, với 1,2 triệu tấn quặng đồng nguyên khai /năm. Cùng với sản xuất, công tác môi trường được đặc biệt quan tâm. Tại khu mỏ tuyển, ngay từ khi triển khai dự án đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các thiết bị thi công, công nghệ khai thác, tuyển khoáng đều đạt các tiêu chuẩn về môi trường. Công ty áp dụng công nghệ nổ mìn vi sai, giảm thiểu tiếng ồn, bụi và khí thải. Người lao động được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động và tuân thủ nghiêm các quy trình, quy phạm trong quá trình sản xuất.
Nhà máy tuyển quặng đồng Sin Quyền công suất 1,2 triệu tấn / năm xây dựng ngay trung tâm vùng mỏ ở xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai). |
Trong số cán bộ, công nhân, viên chức ở đây, phần lớn là người địa phương. Họ được đào tạo cơ bản về nghề, được bố trí nhà ở tập thể với đầy đủ tiện nghi, có nhà ăn tập thể, nhà văn hóa, sân bóng chuyền… để vui chơi, giải trí. Đội bóng chuyền, đội văn nghệ của công ty thường xuyên đoạt giải cao của Vinacomin và của tỉnh Lào Cai.
Hiện nay, công ty đang quản lý một số lượng lớn các thiết bị máy móc thường xuyên làm việc trên khai trường như xe vận tải CAT 55 tấn, xe Komatsu HD 36 tấn, các loại máy khoan, xúc, gạt cỡ lớn... và các thiết bị truyền động trong nhà máy tuyển đều có nguy cơ mất an toàn. Do vậy, các thiết bị đều thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, biện pháp an toàn, bảo dưỡng định kỳ, các thiết bị truyền động đều được bảo vệ. Công nhân làm việc được trang bị đầy đủ bảo hiểm lao động như bịt tai, khẩu trang lọc bụi, mặt nạ phòng độc, kính... nhằm giảm tác động của tiếng ồn và các loại hóa chất độc hại.
Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ công nhân, viên chức 2 lần/năm,.. góp phần thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Có thể nói cán bộ, công nhân vùng mỏ đồng Sin Quyền hiện nay đã lao động sáng tạo, khai thác , tinh tuyển ra nhiều sản phẩm quặng đồng cho đất nước, xứng đáng là con cháu của các thế hệ địa chất tìm kiếm, bảo vệ vùng mỏ đồng đã ngã xuống trên vùng biên giới Lào Cai năm xưa.
Bài & ảnh: Phạm Ngọc Triển