Kon Tum: Hàng trăm ha ruộng bỏ hoang chờ công trình thủy lợi

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/07/2015

(TN&MT) – Xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) có 786 hộ dân thì có đến 332 hộ thuộc diện nghèo, quanh năm chật vật tìm thức ăn thay thế gạo. Trong khi...

 

(TN&MT) – Xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) có 786 hộ dân thì có đến 332 hộ thuộc diện nghèo, quanh năm chật vật tìm thức ăn thay thế gạo. Trong khi đó cả hàng trăm hecta ruộng lúa nước của người dân lại bị bỏ hoang do đất, cát vùi lấp, công trình thủy lợi bị hư hại. Dù bà con đã ý kiến nhiều lần, nhưng chẳng biết đến bao giờ ruộng mới được cải tạo, công trình thủy lợi mới được xây.

Ông A Hơn (bên phải) sốt ruột vì hàng trăm ha ruộng của dân bị bỏ hoang do thiếu nước.
Ông A Hơn (bên phải) sốt ruột vì hàng trăm ha ruộng của dân bị bỏ hoang do thiếu nước.

Bão đi qua, cuốn theo ruộng đồng

Đã 6 năm nay, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Xê Đăng ở xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) phải chịu cảnh thiếu ăn, phần vì ruộng bị bồi lấp bởi hàng nghìn tấn đất đá, cát sỏi chẳng thể khôi phục, phần thì không thể canh tác được vì thiếu nước tưới. Mất đất sản xuất, cuộc sống của người dân xã Đăk Sao luôn trong hoàn cảnh khó khăn. Già A Bai, thôn Năng Nhỏ 2, xã Đăk Sao kể lại: “Nhà già chỉ có hai sào ruộng (2.000 m) thôi, trước kia mỗi vụ thu cũng được 30 bao, mỗi bao 60 kg. Đến mùa lúa mới rồi mà trong nhà vẫn còn lúa gạo. Giờ thì chật vật lắm, không có nước để làm ruộng, hầu như năm nào cũng thiếu mấy tháng lương thực, phải quần quật lên rừng tìm đủ thứ về để ăn thay cơm”.

Theo già A Bai, ở xã Đăk Sao hầu như nhà nào cũng có ruộng bị bồi lấp, nhà ít thì 1 - 2 sào, nhà nhiều cũng đến 5 sào. Đăk Sao trước kia được bao phủ xanh ngát bởi 200 ha đồng ruộng lúa nước 1 năm 2 vụ, đời sống người dân quanh năm ấm no. Thế nhưng, sau trận bão số 9/2009 đã gây thiệt hại nặng cho huyện Tu Mơ Rông. Công trình thủy lợi Đăk Né bị phá hủy hoàn toàn, cánh đồng màu mỡ dọc suối Đăk Né bị đất cát bồi lấp nên thành đất bỏ hoang. Anh A Nim, một người dân xã Đăk Sao nói: “Sau trận bão, đất đá lấp hết ruộng, dùng sức người không thể nào cải tạo được. Người dân ý kiến xin nhà nước hỗ trợ làm lại ruộng mà chờ mãi không thấy hồi âm, nhà mình lúc nào cũng trong cảnh thiếu đói”.

Ông Vũ Văn Miêu - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Sao cho biết, trong gần 200 ha ruộng canh tác của người dân trên địa bàn xã, thì có đến 100 ha bị bỏ hoang vì đất bồi lấp. Một nửa còn lại thì thiếu nước do công trình thủy lợi bị hư hại. Vì vậy, gần một nửa số gia đình trong xã là hộ nghèo. Nguyện vọng có được công trình thủy lợi Đăk Né của người dân ở đây trở nên rất bức thiết.

Gần 100 ha ruộng của người dân bị bồi lấp, không thể sản xuất.
Gần 100 ha ruộng của người dân bị bồi lấp, không thể sản xuất.

Cần lắm một công trình thủy lợi

Trước nguyện vọng của hàng ngàn người dân xã Đăk Sao, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông đã tiến hành khảo sát và trích kinh phí ngân sách hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để khôi phục lại ruộng cho người dân. Nhưng vì lớp đất đá rất dày, khó khắc phục, nhiều đơn vị thi công được thuê vào san lấp sau khi tìm hiểu đều từ chối không nhận.

Ông A Hơn - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông xác nhận có biết việc hàng trăm ha đất ruộng ở xã Đăk Sao bị bỏ hoang. Đồng thời cũng cho biết đã chỉ đạo cho Ban quản lý dự án huyện Tu Mơ Rông tham mưu, lập dự án xây dựng mới công trình thủy lợi Đăk Né, sau đó trình UBND tỉnh Kon Tum để xin kinh phí. Theo tính toán, công trình này cần đầu tư khoảng gần 30 tỷ đồng. “Vẫn biết nguyện vọng của người dân là chính đáng và bức thiết, nhưng chúng tôi chỉ còn cách chờ cấp trên rót kinh phí để xây dựng công trình thủy lợi Đăk Né. Bởi Tu Mơ Rông là huyện nghèo, mới thành lập, ngân sách huyện còn khó khăn, không thể kham nổi”, ông A Hơn nói.

Trước mắt, nếu công trình thủy lợi Đăk Né được xây dựng sẽ khôi phục khoảng gần 100 ha lúa nước hai vụ để bà con có ruộng sản xuất, giải quyết ngay vấn đề thiếu lương thực. Còn khoảng 100 ha ruộng bị đất đá bồi lấp, thì vẫn phải chờ thêm kinh phí cải tạo.

Khi dự án vẫn còn trên giấy, không biết bao giờ mới thực hiện, thì hàng ngàn người dân xã Đăk Sao vẫn thiếu đói, mỏi mòn chờ đợi và hi vọng. Mong rằng, ngành chức năng tỉnh Kon Tum sớm có giải pháp khắc phục tình trạng trên để bà con Xê Đăng có đất sản xuất, thoát khỏi đói nghèo.

Bài & ảnh: Quế Mai