Sẽ chấm dứt nạn "cát tặc" trên sông Krông Pắk!

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 06/05/2015

(TN&MT) - Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Vỉnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) trong buổi giao ban báo chí tháng 4 diễn ra chiều ngày 5/5...

 

(TN&MT) - Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Vỉnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) trong buổi giao ban báo chí tháng 4 diễn ra chiều ngày 5/5 tại trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk.

Nạn cát tặc trên sông Krông Pắk khiến chính quyền địa phương và các doanh nghiệp được cấp phép “đau đầu”
Nạn cát tặc trên sông Krông Pắk khiến chính quyền địa phương và các doanh nghiệp được cấp phép “đau đầu”

Theo ông Vỉnh, hiện trên địa bàn xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk) có 2 đơn vị được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép khai thác cát trên sông Krông Pắk là Công ty TNHH Cầu đường Trí Đức (được cấp phép khai thác trên chiều dài 12km) và Công ty TNHH Hà Bình (được cấp phép khai thác trên chiều dài 29km). Mặc dù đã được cấp phép vào năm 2010, nhưng do điều kiện khai thác và thị trường nên mãi đến cuối năm 2013, cả 2 đơn vị này mới đầu tư khai thác. Lợi dụng các đơn vị này khai thác muộn, không quản lý chặt chẽ được đoạn sông được cấp phép nên một số người dân ở xã Ea Kuăng và xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk) đã đưa người và phương tiện đến khai thác trái phép.

Sau khi báo chí thông tin về tình trạng khai thác cát không có giấy phép (cát tặc) trên sông Krông Pắk, gây ảnh hưởng đến đơn vị khai thác, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông… UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và xử lý 6 trường hợp, tịch thu 4 đầu bơm và 20m ống bơm dẫn cát lên bờ, xử phạt tổng số tiền hơn 20 triệu đồng. Ông Vỉnh khẳng định: “Khoảng 1 tháng nay, tình trạng cát tặc trên sông Krông Pắk đã hoàn toàn chấm dứt. Chúng tôi chắc chắn tình trạng này sẽ không bao giờ tiếp diễn trên địa bàn nữa”.

Sau khi PV đặt câu hỏi “Huyện Krông Pắk đã làm những việc gì để khẳng định tình trạng cát tặc sẽ không bao giờ tái diễn nữa?” thì ông Vỉnh cho hay: “Đối với những hộ dân khai thác cát trái phép, ngoài việc tịch thu tang vật (máy nổ hút cát, đường dây dẫn…), chúng tôi đã mời lên làm việc và yêu cầu ký vào biên bản cam kết sẽ không tái diễn, nếu vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm. Đồng thời, chúng tôi cũng phổ biến rộng rãi đến người dân và chính quyền địa phương về luật khai thác tài nguyên khoáng sản và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý tài nguyên tại địa phương; thành lập đường dây nóng để khi người dân phát hiện đơn vị khai thác cát trái phép sẽ báo lên các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý”.

Bài & ảnh: Lê Phước