Chiềng Ngần, Sơn La: Giữa mùa khô khát
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 20/04/2015
(TN&MT) - Hơn chục năm nay, hàng trăm hộ dân sinh sống tại xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La đã quen cảnh mùa mưa hứng nước, mùa khô mua nước.
(TN&MT) - Hơn chục năm nay, hàng trăm hộ dân sinh sống tại xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La đã quen cảnh mùa mưa hứng nước, mùa khô mua nước. Thời gian cao điểm mùa khô như hiện nay, nhiều người dân phải chấp nhận bỏ ra từ 70.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/m3 nước để có nước dùng.
Sống nhờ “nước trời”
Câu nói vui của người dân xã Chiềng Ngần nhưng phản ánh chính xác thực tế nước sinh hoạt trên địa bàn. Tranh thủ cơn mưa đầu mùa những ngày đầu tháng 4 qua, nhiều hộ gia đình đã hứng đầy bể nước mưa, chờ lắng nhưng cũng chỉ dùng được một thời gian ngắn.
Ông Lù Văn Tính, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã Chiềng Ngần có 15 bản, 1 tiểu khu, thì nay mới có 5 bản và tiểu khu có nước sạch. Tương đương, 30% số hộ dân nơi đây có nguồn nước sinh hoạt về bản. Nước mới chỉ về đến với bà con đầu bản, giữa bản. Ngay cả các đơn vị như Đảng ủy, HĐND, UBND, trường học, trạm y tế xã cũng thiếu hụt nghiêm trọng nước dùng.
Những bể chứa nước mưa được che phủ kín, đợi lắng mới có thể sử dụng |
Trước đây, khi dân số còn ít, nguồn nước tự nhiên cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân. Hiện nay, nguồn nước đang dần cạn kiệt, việc thiếu nước sinh hoạt đã kéo dài hơn 10 năm nay và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Trung bình, người dân bị “treo” nước sinh hoạt 8 tháng/năm, từ tháng 9 năm trước tới hết tháng 4 năm sau. Nhất là thời gian cao điểm mùa khô như hiện nay, nhiều hộ gia đình đã mua nước tư nhân từ thành phố về với giá cao.
Vũng nước này lại là nơi dẫn nước của hàng chục hộ dân bản Phường |
Tự tìm nguồn nước, nhiều hộ dân tại bản Pát, Chiềng Ngần bàn nhau góp vốn mua đường ống để kéo nước từ ao nước gần đó về, nhưng cũng chỉ đủ phục vụ một số hộ dân. Không chỉ thế, để có nguồn nước này cũng phải bỏ ra 17.000 đồng/m3 nước, trong khi chất lượng nước chưa đảm bảo.
Tại bản Phường, hơn mười hộ gia đình cùng chung vốn thuê ao trong 10 năm để “vét” nước về dùng. Nhưng vào mùa này, ao cạn nước, chỉ còn sót lại nước cạn dưới đáy.
Nhọc nhằn vì… đất khát
“Nước ăn không có, đừng nói nước tưới tiêu” - Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực vườn trại kéo dài 7-8km chiều dài, 4-5km chiều ngang, ông Lù Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần cho biết: Toàn bộ cây công nghiệp tại xã đều bị thiệt hại năng suất do thiếu nước. Không có nước, cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám bà con dân tộc nơi đây.
Chỉ vào trang trại cà phê rộng gần 5ha, chủ trang trại Vũ Văn Tuấn, bản Pát buồn rầu kể lại, lập nghiệp ở Chiềng Ngần, Sơn La từ những năm 1992, nhưng cũng là bằng đấy năm cây cà phê của ông không đủ nước tưới tiêu.
Làm kinh tế đa hệ, khu trang trại của ông Tuấn còn trồng các giống cây khác như mận, xoài, nhãn… “500.000 đồng mua được 4m3 nước. Tính bình quân, tôi phải bỏ ra khoảng 3 triệu đồng/tháng chỉ là tiền nước” – ông Tuấn chia sẻ.
Kết thúc ngày làm việc, dân bản Nặm Tròn phải vất vả đi thêm 1km xuống bể chứa nước mưa tắm rửa, giặt giũ |
Ông Tuấn cũng đi đầu trong việc mạnh dạn đầu tư đào giếng tìm nước, mua nước về tích trữ nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Cuối cùng, ông đành từ bỏ, cà phê có khi cả tháng không được tưới nước một lần. Năng suất bị thiệt hại lên tới 60%, thu nhập vì thế hạn chế đáng kể.
Không có nước đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển kinh tế địa phương. Vườn cà phê gần 3ha của anh Cà Văn Yêu tại bản Phường cũng héo úa giữa những ngày tháng 4 nắng nóng. Nguồn nước ở đây cũng chỉ trông chờ nước mưa và sử dụng lượng nước dự trữ ít ỏi.
Đây cũng là thực trạng chung của các vườn cà phê khác trên địa bàn xã. Hơn 490 ha cà phê tại Chiềng Ngần đang bị thiệt hại năng suất, trơ trọi phát triển trông chờ vào thời tiết.
Xét theo vị trí địa lý, Chiềng Ngần nằm ngay sát trung tâm thành phố. Nhưng ở đây do địa hình chủ yếu là núi đá, không có khe suối, ao hồ ít ỏi nên rất khó cho việc khai thác nước.
Ao hồ trơ cạn, cà phê thiếu nước mất đi vẻ tươi tốt |
Từ những năm 2000, đã có không ít đoàn khảo sát từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lên làm các mũi khoan thăm dò mạch nước ngầm, nhưng cuối cùng vẫn không có công trình nào được khởi công, cũng không bàn giao báo cáo thăm dò.
Tiếp đó, khi dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị mới Chiềng Ngần được triển khai, những tưởng đời sống người dân sẽ được cải thiện. Nhưng rồi dự án ngừng thi công, nguồn nước sạch cũng mới tới được bản Híp ở đầu xã, còn cư dân trung tâm xã lại thiếu nước.
Chiềng Ngần cũng được đầu tư một công trình nước bơm dẫn tại bản Nặm Tròn, nhưng do thiết kế không phù hợp nên không phát huy được hiệu quả. Anh Thào Nỏ Chớ, người dân bản Nặm Tròn cho biết, từ nơi bơm nước lên nơi người dân sinh sống gần 1km. Mùa khô này, máy bơm cũng không có nước để hoạt động.
Giải bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân Chiềng Ngần, hàng năm, UBND xã đều trình ý kiến lên UBND TP, UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có hướng đi nào cụ thể. Và trong khi “chờ” các cấp chính quyền vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đồng bào dân tộc nơi đây chỉ có thể tự khắc phục khó khăn, đời sống phần nhiều vẫn trông chờ, phụ thuộc vào thiên nhiên.
Bài và ảnh: Nguyễn Nga