Dự án VLAP: Giải ngân chậm, hiệu quả chưa cao

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 19/03/2015

(TN&MT) - Được khởi động từ cuối năm 2008, ngày 30/6 tới đây là thời điểm kết thúc Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai (QLĐĐ) Việt Nam” (VLAP) tại một số địa phương theo cam kết với Ngân hàng Thế giới. Dù chỉ còn hơn 3 tháng nữa nhưng công tác giải ngân và một số hạng mục tiến hành chậm, đòi hỏi ban quản lý từ trung ương tới địa phương phải đẩy nhanh tiến độ.

Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án VLAP cấp trung ương, trong năm 2014, toàn Dự án đã giải ngân được 10,1 triệu USD, nâng tổng mức giải ngân từ đầu Dự án đến nay là 62,14 triệu USD. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vẫn rất chậm, mới đạt khoảng 23% kế hoạch. Trong đó, bên cạnh những tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân tốt như Vĩnh Long, Hà Nội, Thái Bình và Quảng Ngãi vẫn còn một số tỉnh có tỷ lệ giải ngân chậm như Hưng Yên và Tiền Giang. Công tác cấp giấy chứng nhận còn còn có địa phương chậm như tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là tỉnh Hưng Yên trong năm 2014 hầu như không tăng được giấy chứng nhận nào.

Nguyên nhân của việc này là do một số gói thầu kỹ thuật kết thúc chậm đã trễ lập hồ sơ nghiệm thu khối lượng hoàn thành để làm thủ tục thanh toán, quyết toán; hầu hết các nhà thầu thi công đã chậm tiến độ so với kế hoạch, phải xin gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng. Việc cập nhật, lập kế hoạch đấu thầu vào đầu năm, giá trị gói thầu thường đưa vào dạng khái toán, sau đó lập dự toán, hoặc phần phần khối lượng thực hiện các gói thầu  được xây dựng trong các thiết kế, dự toán của các tỉnh thuộc phạm vi dự án là khối lượng ước tính chưa chính xác, dẫn đến khi kết thúc nghiệm thu công trình giá trị các gói thầu hầu hết có phát sinh tăng, giảm so với hợp đồng đã ký kết.

Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam” đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Hoàng Minh
Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam” đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Hoàng Minh

Việc chậm trễ trong các gói thầu đo đạc địa chính cũng ảnh hưởng lớn đến việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì không có hồ sơ địa chính mới nên việc xác định tình trạng pháp lý thửa đất gặp nhiều khó khăn do chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho và chia tách hộ; nhiều trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng vẫn chuyển nhượng “trao tay” sau ngày 1/7/2004, trong đó có rất nhiều trường hợp chuyển nhượng cho người nơi khác; diện tích đo đạc lại theo bản đồ địa chính có sự chênh lệch nhiều so với diện tích đã cấp giấy chứng nhận, diện tích giao ruộng theo Nghị định 64/CP trước đây (trong đó có cả sai số giữa 2 lần đo, nhưng cũng có nhiều trường hợp do chủ ý trước đây), vì vậy nhiều nơi cán bộ xã và người dân không đồng ý với diện tích mới đo đạc; Nhiều trường hợp còn để xen lẫn đất nông nghiệp dành cho công ích của xã trong các thửa đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng thiếu sự phối hợp giữa đơn vị thi công và đơn vị tư vấn kiểm tra, giám sát và nghiệm thu dẫn đến việc sản phẩm không đạt yêu cầu theo quy định và phải làm đi làm lại nhiều lần. Lực lượng tổ chức xét duyệt và thẩm định hồ sơ còn hạn chế: Hầu hết các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện và cán bộ cấp xã còn thiếu và yếu về chuyên môn nên không đảm bảo tiến độ xác nhận và xét duyệt hồ sơ đăng ký đất đai do Nhà thầu cung cấp.

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án đúng thời hạn, Ban quản lý Dự án VLAP cấp trung ương yêu cầu các địa phương, đẩy nhanh tiến độ giải ngân của Dự án: Trên cơ sở rà soát khối lượng đã thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm làm cơ sở giải ngân khối lượng công việc của các gói thầu dịch vụ kỹ thuật; giao chỉ tiêu kế hoạch giải ngân và kế hoạch hoàn thành cấp Giấy chứng nhận phải được hoàn thành từ nay đến tháng 6/2015 làm mốc chỉ tiêu theo dõi và chỉ đạo;  đặc biệt đôn đốc cấp xã trong việc xét duyệt hồ sơ đăng ký do các Nhà thầu đã lập hiện còn tồn đọng khoảng 247.116 hồ sơ; tổ chức trao 120.117 Giấy chứng nhận đã ký hiện còn tồn đọng và đối với những Giấy phát sinh ngay sau khi được ký mà không có vướng mắc về nghĩa vụ tài chính phải trao ngay cho người sử dụng đất.

Ngoài ra, khẩn trương triển khai công tác mua sắm theo kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là mua sắm các gói thầu thiết bị để cung cấp cho các địa phương đưa vào vận hành và quản lý sản phẩm các gói thầu kỹ thuật đã hoàn thiện; và các gói thầu dịch vụ kỹ thuật để kịp thời gian triển khai.

Liên quan đến vấn đề này, từ đầu năm 2015 đến nay, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã làm việc với các địa phương và yêu cầu các địa phương cam kết hoàn thành các hạng mục đúng thời hạn. Theo đó, Tổng cục Quản lý đất đai đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong phạm vi dự án chỉ đạo Sở TTN&MT, Ban quản lý dự án VLAP rà soát các gói thầu dịch vụ kỹ thuật, phân loại, đánh giá đúng hiện trạng của từng gói thầu để có kế hoạch, biện pháp xử lý cụ thể đảm bảo tất cả các gói thầu đều hoàn thành, đóng gói, thanh lý trước 30/6/2015 và có cam kết hoàn thành gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước 20/3/2015 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Trường Tuyết