Thực thi Luật đất đai hiệu quả: Phải đẩy mạnh truyền thông
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 13/03/2015
(TN&MT) - Ngay sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính đã xây dựng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban...
(TN&MT) - Ngay sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính đã xây dựng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành (cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành khác). Tuy nhiên, để luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, phổ biến là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trao đổi với Báo TN&MT về vấn đề này, ông Quách Công Huân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT) - đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ truyền thông về chính sách, pháp luật đất đai cho biết:
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 22 tháng 1 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Đất đai, theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT và Tổng cục Quản lý đất đai, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Tổng cục triển khai ngay các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành luật, như biên soạn các tài liệu phổ biến theo từng chuyên đề cụ thể (giao đất, cho thuê đất, quy hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…).
Đồng thời, đã tổ chức 4 hội nghị phổ biến, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ báo cáo viên của các Bộ, ban ngành, Sở TN&MT, Phòng TN&MT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó: Tổ chức phổ biến nội dung Luật Đất đai cho 120 đại biểu là báo cáo viên của các Bộ, ngành trung ương, hơn 1.500 đại biểu là báo cáo viên và cán bộ của Sở, Phòng TN&MT thuộc 63 tỉnh, thành phố và hơn 210 đại biểu thuộc đội ngũ cán bộ của Bộ TN&MT. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền các nội dung pháp luật đất đai theo chuyên đề cho Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường, các ngân hàng lớn tại Hà Nội…
Đặc biệt, trong năm 2014, Trung tâm đã xây dựng và trình Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt dự án “Phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức chính sách pháp luật đất đai cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong phạm vi cả nước ưu tiên đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa và nông thôn”. Dự án này nằm trong khuôn khổ Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành Quản lý đất đai giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 1892/QĐ-TTg ngày 14/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai trên phạm vi cả nước.
Ông Quách Công Huân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT) |
PV:Vậy các đối tượng sử dụng đất, nhất là đồng bào dân tộc sẽ được hưởng lợi gì từ Dự án trên thưa ông?
Ông Quách Công Huân: Mục tiêu của Dự án là phổ biến sâu rộng chính sách, pháp luật đất đai đến các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư nhằm cung cấp kiến thức và nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật đất đai cho mọi người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, đối với đồng bào dân tộc sẽ được phổ biến các quy định của pháp luật đất đai liên quan trực tiếp đến đồng bào thông qua các hình thức như tờ rơi, pa nô, áp phích, các tiểu phẩm phổ biến về pháp luật đất đai trên truyền hình cũng như hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Các tài liệu truyền thông về đất đai cũng được dịch sang một số thứ tiếng phổ biến có chữ viết như Khmer, Hrê, Ê đê, HMông, Thái, Tày phục vụ như cầu tìm hiểu về pháp luật đất đai của đồng bào.
PV: Để thực hiện các mục tiêu của dự án, đến nay Trung tâm đã thực hiện những nội dung gì, thưa ông?
Ông Quách Công Huân: Ngay sau khi dự án được Bộ phê duyệt, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Trung tâm đã khẩn trương xây dựng và hoàn thiện bộ tài liệu phổ biến pháp luật đất đai theo hướng chuẩn hóa và cho từng đối tượng cụ thể (cán bộ quản lý đất đai, tổ chức sử dụng đất, hộ gia đình cá nhân, đồng bào dân tộc thiểu số) để in ấn phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai ở các cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với nhiều cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đất đai trên phạm vi cả nước; xây dựng kế hoạch cụ thể thí điểm thực hiện các hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai cho đồng bào dân tộc tại 3 tỉnh Hòa Bình, Gia Lai và An Giang làm cơ sở đánh giá và nhân rộng các mô hình tuyên truyền pháp luật đất đai hiệu quả.
Luật Đất đai 2013 đang được triển khai tích cực. Ảnh: Hoàng Minh |
PV:Ông có thể cho biết một số định hướng của Trung tâm trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả của công tác này?
Ông Quách Công Huân: Để Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành thực sự đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, ngoài việc tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ của năm 2015, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch dài hạn cho giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng đến việc đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai, ưu tiên sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như truyền thông xã hội, truyền thông di động, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng với các thông điệp truyền thông cụ thể, rõ ràng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về việc chấp hành và thực thi pháp luật đất đai; khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ đất đai của hệ thống quản lý đất đai hiện đại đồng thời định hướng cho người dân tham gia giám sát công tác quản lý và sử dụng đất đai góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cũng như năng lực và vị thế của ngành quản lý đất đai.
Trường Tuyết