Giật mình với những khu mỏ... “hàm ếch”

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/02/2015

(TNMT) - “Quy trình khai thác khoáng sản (nhất là khai thác đá) ở Nghệ An hầu hết đều không đúng như thiết kế ban đầu đã được các cơ quan chức năng phê duyệt.
   
(TNMT) _  “Quy trình khai thác khoáng sản (nhất là khai thác đá) ở Nghệ An hầu hết đều không đúng như thiết kế ban đầu đã được các cơ quan chức năng phê duyệt. Các doanh nghiệp thường khai thác theo kiểu vỉa mỏ “hàm ếch” nên rất nguy hiểm, rất dễ gây tai nạn chết người...” – Bà Hoàng Thị Hường - Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Nghệ An, cảnh báo.
   
   
Báo động vấn đề an toàn mỏ
   
  Từ KCN nhỏ Thung Khuộc, chúng tôi ngược theo con đường nhỏ quanh co, dốc đứng để vào khu vực Thung Khẳng (xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp). Được biết, đây là khu vực có hàng chục đơn vị khai thác đá với quy mô khá lớn hoạt động từ hàng chục năm nay.
   
  Đứng dưới bãi đất khá bằng phẳng phóng tầm mắt về phía những mỏ đá đang hoạt động tấp nập, cảnh tưởng những “đại công trường” khai thác thác đá hiện ra trước mắt. Mỏ đá của DNTN Long Dinh nằm sát con đường mòn mà doanh nghiệp tự mở để vận chuyển đá từ trong mỏ ra ngoài. Từ dưới chân mỏ nhìn lên, một máy múc đang gầm rú, đào bới đất đá từ trên đỉnh mỏ, những hòn đá lớn nhỏ thi nhau lăn ầm ầm xuống phía dưới. Cách đó không xa là nhiều xe tải và tốp công nhân gần chục người đang lúi húi với công việc của mình.
   
  Thấy người lạ xuất hiện, một công nhân tiến đến hỏi chuyện với ánh mắt dò xét: “Anh em khai thác thuê cho DNTN Long Dinh thôi. Mọi vấn đề không biết gì cả, các anh cần gì gặp lãnh đạo sẽ rõ thôi”. Khi được hỏi về quy trình khai thác, người đàn ông này cho biết: “Anh em làm thuê, chỉ đâu đánh đó ấy mà”.
   
   
  Theo tìm hiểu của PV, ngoài việc khai thác tự do, không tuân thủ bất kỳ một quy trình nào, người lao động không có bảo hộ lao động thì DNTN Long Dinh là đơn vị không có giấy phép khai thác nhưng vẫn ngang nhiên khai thác nhưng không hề bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
   
  Cách đó không xa là một mỏ đá khác, đó là mỏ của NDTN Dũng Hùng. Đây là đơn vị được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác theo Quyết định số 721/QĐ-UBND.ĐC ngày 06/3/2009 trong thời hạn 05 năm, diện tích cấp phép là 4,89ha. Có mặt tại khu mỏ này, ghi nhận của PV là hai máy múc đang leo cao tít trên đỉnh mỏ có độ cao hàng trăm mét. Máy múc thi nhau đào những hòn đá to hàng chục mét khối lăn ầm ầm xuống phía dưới chân mỏ. Bên dưới là nhiều lán trại cũng như công nhân của đơn vị này đang hoạt động, tuy nhiên, bảo hộ lao động cũng được trang bị khá sơ sài, những hòn đá lăn ầm ầm xuống chất thành từng đống ngổn ngang khắp một bãi đất rộng lớn.
   
  Phía bên trái, đối diện với mỏ của DNTN Dũng Hùng là mỏ của HTX Ngọc Hường. Cũng giống như mỏ của DNTN Dũng Hùng, mỏ đá của HTX Ngọc Hường cũng có một máy múc đang đào bới trên đỉnh mỏ, nhiều công nhân đang tiến hành khoan đá nhưng không hề có bảo hộ lao động. Hơn nữa, những viên đá được máy múc đào bới cứ thế lăn ầm ầm xuống phía chân mỏ khiến chúng tôi không khỏi “sờn gai ốc”.
   
  Tại xã Châu Tiến (huyện Quỳ Hợp), một số mỏ đá như mỏ của Công ty Châu Á, mỏ của Công ty Khoáng sản Nghệ An, Công ty Phú Sơn...cũng có quy trình khai thác tương tự khiến cho nguy cơ đá lăn, mất an toàn lao động cao hơn bao giờ hết.
   
  Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, hiện có hàng trăm mỏ đá, mỏ quặng thiếc đang hoạt động theo kiểu “ăn xổi”, không tuân thủ quy trình khai thác nên nguy cơ mất an toàn lao động, xẩy ra tai nạn nghiêm trọng là điều có thể dự báo trước.
   
   
Cần mạnh tay chấn chỉnh
   
  Nhắc đến huyện Yên Thành không ai có thể quên vụ tai nạn mỏ đá kinh hoàng tại Lèn Cờ, xã Nam Thành. Vụ tai nạn kinh hoàng vào đầu năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của 18 con người vô tội và khiến 6 người bị thương. Bài học về vụ sập mỏ khủng khiếp Lèn Cờ vẫn chưa qua lâu, thế nhưng qua cuộc khảo sát một số mỏ đá đang hoạt động tại xã Đồng Thành của huyện này khiến chúng tôi không khỏi lo lắng, giật mình.
   
  Điển hình nhất về nguy cơ mất an toàn lao động là mỏ đá Lèn Cò của Công ty Công nghiệp 369 (trụ sở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành). Được biết, mỏ đá Lèn Cò của Công ty 369 được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép theo Quyết định số 929/QĐ-UBND.TN, ngày 25/3/2011 với thời hạn 30 năm, diện tích khai thác là 5 héc ta.
   
  Sau khi được cấp phép, đơn vị này đã tiến hành xây dựng cơ bản mỏ và bắt tay vào khai thác tại Lèn Cò. Tuy nhiên, theo phản ánh, trong quá trình khai thác đơn vị này lại chia nhỏ từng khu vực khai thác theo kiểu “thầu khoán” cho nhiều cá nhân khác. Mặt khác, quá trình khai thác đơn vị này đã tiến hành khoét theo kiểu hàm ếch thành những vách núi chênh vênh nên rất nguy hiểm, những tảng đá lớn sẵn sàng đổ sập xuống bất cứ lức nào. Hơn nữa, những thợ khoan mìn thường xuyên túc trực trên đỉnh lèn núi với độ cao hàng vài chục mét để khoan đá nên nguy cơ xẩy ra tai nạn nghiêm trọng là không hề nhỏ.
   
   
  Theo quan sát của PV, mỏ đá này được chia ra thành hai khu vực khác nhau, theo tiết lộ của một số công nhân đang khai thác đá tại mỏ này thì chủ mỏ đã cho hai đơn vị khác thầu lại ở hai khu vực tách biệt nhau. Tại hai khu vực này có các giàn xay đá riêng, xe cộ vào ra nối đuôi nhau để vận chuyển đá, giàn xay đá hoạt động hết công suất khiến bụi đá mù mịt bao trùm cả một khu vực rộng lớn. Nhiều công nhân khoan đá, đập đá, bốc đá không hề có đầy đủ bảo hộ lao động. Điều đáng lo ngại nhất là có từ 6 đến 7 công nhân treo lơ lửng trên đỉnh mỏ đá với độ cao hàng chục, thậm chí gần trăm mét. Những thợ khoan đá này đu lơ lửng trên dây, tay cầm khoan khoan đá xoèn xoẹt giữa nắng nóng khiến cho ai nhìn vào cảnh tượng trên đều không khỏi... giật mình.
   
  “Bọn em là thợ khoan đá gần như biệt lập với các tổ khác, làm ăn theo sản phẩm mà anh, khoan nổ được bao nhiêu thì “ăn” bấy nhiêu thôi. Thu nhập cũng khá, từ 5 đến 7 triệu đồng một tháng nhưng nguy hiểm và vất vả vô cùng. Chỉ cần sẩy chân là coi như...đứt” – Một thợ khoan đá tại mỏ Lèn Cò, tiết lộ.
   
  Tại Lèn Cò, xã Đồng Thành, ngoài mỏ đá của Công ty 369 còn phải kể đến các đơn vị khác như mỏ của Công ty TNHH Thành Nam, mỏ đá của Công ty Đông Thành. Tuy nhiên, cũng giống như mỏ của Công ty 369, vấn đề khai thác đúng theo quy trình, đảm bảo an toàn lao động dường như vẫn bị các đơn vị nêu trên xem nhẹ khi đều khai thác theo kiểu khoét “hàm ếch”, dốc đá thẳng đứng...trông rất mất an toàn và nguy hiểm cho người lao động.
   
  Tại huyện Nghĩa Đàn, mỏ đá Lèn Mồng (nằm trên địa bàn xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn), được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty cổ phần khai thác đá Tân Thành tại Quyết định 1614/GP-UBND ngày 27/4/2013 trong thời hạn 5 năm với diện tích 7,82 héc ta.
   
  Sau khi được cấp phép, đơn vị này đã tiến hành khai thác rầm rộ. Tuy nhiên, theo phản ánh, cũng giống như nhiều mỏ khác, đơn vị này đã không tuân thủ quy trình khai thác như trong thiết kế được phê duyệt, nguy cơ mất an toàn lao động là rất cao. Thậm chí, vào tháng 4/2014 mỏ đá này đã xẩy ra tai nạn khiến cho 1 công nhân là ông  ông Lê Đăng Phú (SN 1959, trú tại xóm Quán Mít, xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn) tử vong.
   
   
  Trước những gì ghi nhận được qua khảo sát nhiều mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã có buổi làm việc với Sở LĐ – TB và XH tỉnh Nghệ An. Bà Hoàng Thị Hường – Chánh Thanh tra Sở này cho biết: “Vấn đề mất an toàn lao động nói chung cũng như tại các mỏ khai thác khoáng sản, nhất là mỏ khai thác đá tại Nghệ An là khá phức tạp. Sở cũng đã có nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền đến tận cơ sở để người lao động, người sử dụng lao động và chính quyền cơ sở nắm rõ các quy định. Theo số liệu thống kê của Sở thì năm 2014 toàn tỉnh có 6 vụ tai nạn lao động chết người khiến 7 người tử vong; trong đó, số người chết do tai nạn mỏ là 5 người”.
   
  Cũng theo bà Hường, hiện nay các mỏ khai thác khoáng sản chỉ mới đáp ứng được ít tiêu chí về bảo hộ lao động như quần áo, mũ, khẩu trang; còn lại khoảng 9 đến 10 vấn đề về an toàn lao động thì hầu hết các đơn vị chưa đáp ứng được. Nguyên nhân bà Hường đưa ra là do nhận thức của chủ sử dụng lao động cũng như người lao động chưa cao. Tỷ lệ khai báo tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đạt thấp do các đơn vị cố tình “ém” thông tin tai nạn.
   
  Có thể nói rằng, vấn đề mất an toàn lao động trong khai thác khoáng sản nói chung và nhất là vấn đề khai thác sai quy trình đã được các cơ quan chức năng phê duyệt của nhiều mỏ khai thác khoáng sản nói chung cũng như các mỏ khai thác đá nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn đang rất phổ biến. Thực trạng trên đang tiềm ẩn nguy cơ xẩy ra tai nạn mỏ rất cao khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng. Đền nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan phải nhanh chóng tiến hành kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh những đơn vị vi phạm, tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xẩy ra tương tự như “thảm họa” Lèn Cờ.
   
Bài & ảnh: Thanh Tâm