Miền Trung: Nan giải ngăn chặn nạn tận diệt hải sản
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 03/02/2015
(TN&MT) - Vùng biển ven bờ các tỉnh miền Trung có chiều dài gần 2.000 km được coi như tấm thảm dệt bởi các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên đa dạng.
(TN&MT) - Vùng biển ven bờ các tỉnh miền Trung có chiều dài gần 2.000 km được coi như tấm thảm dệt bởi các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên đa dạng. Tuy nhiên, với kiểu khai thác tận diệt như vài năm gần đây, nhiều loại thủy, hải sản ven bờ các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ bị suy kiệt. Hệ sinh thái ven bờ đang có nguy cơ bị đảo lộn hoàn toàn nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Các tàu giã cào thường hoạt động từng cặp.
Báo động đỏ
Với bờ biển dài trên 89km, Đà Nẵng có hai vùng khai thác thủy, hải sản ven bờ là vịnh Đà Nẵng và Nam bán đảo Sơn Trà. Ở đây có 104,6ha rạn san hô là nơi sinh sống của các loại hải sản gần bờ có giá trị cao như tôm hùm giống, cá mú, cá dìa… Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP. Đà Nẵng, mấy năm gần đây sản lượng đánh bắt các loại hải sản kể trên ngày càng suy giảm. Vùng nước ven bờ Đà Nẵng bị khai thác quá mức do ngư dân sử dụng các loại lưới giã cào, lờ xếp, lờ xi măng… tận diệt các loại hải sản.
Một thực tế đang diễn ra làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ là ngư dân đánh bắt tất cả các loại thủy sinh vật nhưng chỉ bán được những loại có giá trị cao, như tôm hùm bông, tôm hùm xanh chân ngắn, tôm hùm tre; còn các loại tôm hùm khác khi đánh bắt được thì ngư dân đều vứt bỏ. Phần lớn số tôm hùm này đã chết, làm hủy diệt nguồn giống đa dạng của các loài thủy sinh vật vùng rạn san hô ven biển Đà Nẵng.
Thực trạng trên cũng diễn ra tại Quảng Ngãi. Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, cả tỉnh hiện có khoảng 1.000 tàu thuyền công suất lớn hành nghề giã cào chuyên đánh bắt giã cào ven bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, hải sản gây hại đến môi trường. Theo Nghị định 33 năm 2010 của Chính phủ về quản lý các hoạt động khai thác thủy sản thì những tàu cá có công suất trên 20CV chỉ được đánh bắt tuyến lộng và tuyến khơi. Tuy nhiên do nguồn cá ven bờ dồi dào, lợi nhuận thu về lớn lại ít chi phí đầu tư nên những đội tàu giã cào luôn bất chấp vi phạm, thậm chí hành hung cả ngư dân địa phương nếu họ có hành động ngăn cản. Kiểu khai thác này đã phá hoại nguồn lợi thủy sản, phá vỡ hệ sinh thái môi trường gần bờ, đồng thời khiến ngư dân ven bờ khốn đốn vì làm hư hỏng ngư lưới cụ của họ.
Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết: Từ tháng 8/2014 đến nay, Chi cục phối hợp với lực lượng biên phòng bắt giữ 16 đôi tàu giã cào của tỉnh Quảng Ngãi, số tiền xử phạt gần 400 triệu đồng, thế nhưng các ngư dân vẫn cố tình vi phạm.
Không thể nhẹ tay!
Với thực trạng đáng báo động như hiện nay, các ngành chức năng ở miền Trung đã có những động thái nhằm chấn chỉnh. Tuy nhiên, những động thái đó cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo, nghiên cứu, xử phạt nhẹ nên chưa thật sự giải quyết tận gốc rễ của vấn đề.
Cán bộ kiểm ngư tại nhiều địa phương ở miền Trung cho biết: Trở ngại trong công tác truy đuổi, xử lý vi phạm các phương tiện hủy diệt thủy hải sản chủ yếu là do tàu thuyền của ngư dân và các lực lượng chức năng quá thô sơ. Các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ còn nhiều hạn chế, nên rất khó khăn trong xử lý; trong khi đó, các thuyền viên tàu giã cào rất đông và manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả các lực lượng bằng vật cứng gây nguy hiểm. Một số cán bộ kiểm ngư, ngư dân từng bị ném đá, đánh bằng đùi gỗ bị trọng thương.
Biện pháp chủ yếu được các lực lượng áp dụng lâu nay là tuyên truyền, vận động ngư dân đưa tàu ra khỏi vùng cấm khai thác. Ngoài ra, mức xử phạt còn thấp, trong khi hiệu quả từ kiểu khai thác tận diệt này rất lớn nên các đôi tàu giã cào vẫn bất chấp, cố tình vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Mười - Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi) cho biết thêm: Việc kiểm tra, xử phạt tàu giã cào hoạt động trên địa phận khai thác là quyền của Thanh tra Sở NN&PTNT, trong khi vùng biển ít có sự kiểm soát của Kiểm ngư nên tình trạng tàu công suất lớn vi phạm vẫn còn. Các tàu khi ra khơi lại "âm thầm" khai thác gần bờ. Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản là đơn vị liên quan nhưng chỉ có trách nhiệm kiểm soát số tàu thuyền đăng ký, không có chức năng xử phạt. Trong khi đó, Thanh tra Sở NN&PTNT có chức năng xử phạt nhưng lại kiêm nhiều việc, xử lý việc toàn ngành, không “gánh” hết phần việc thủy sản. Cơ quan quản lý lại “né” phần việc của mình, “ngại” động chạm những tàu thuyền trên biển. “Dù biết hoạt động của tàu giã cào ảnh hưởng tới ngư dân, nhưng việc triển khai xử phạt dứt điểm là không dễ. Dù đã nhiều lần đề xuất nhưng để phân công trách nhiệm rõ ràng, cơ quan quản lý xử lý kịp thời là rất khó. Tàu lưới kéo, tức giã cào công suất 90 CV trở lên phải khai thác ngoài khơi nhưng nhiều tàu đánh bắt không đúng tuyến. Ngành không có phương tiện để ra biển xử lý, chỉ tuyên truyền là chính” - ông Mười nói.
Với tình hình trên, nếu các ngành chức năng không sớm có biện pháp ngăn chặn quyết liệt, thì hậu quả của việc tàu giã cào hoành hành sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Bài và ảnh:Lan Anh – Quỳnh Anh