Dự án VLAP ở Thái Bình: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 29/01/2015
(TN&MT) -Khởi động từ cuối năm 2008, đến nay, Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai (QLĐĐ) Việt Nam” (VLAP) được thực hiện tại Thái Bình đã...
(TN&MT) -Khởi động từ cuối năm 2008, đến nay, Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai (QLĐĐ) Việt Nam” (VLAP) được thực hiện tại Thái Bình đã đạt kết quả khả quan, góp phần để công tác quản lý đất đai trên địa bàn ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt là giúp việc khai thác tài nguyên đất đai càng hiệu quả, chính xác và minh bạch.
Có một thực tế là, do lâu nay, hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính ở nhiều địa phương chưa đầy đủ nên cho dù các quy định của Nhà nước trong các lĩnh vực đất đai ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng tình trạng sai phạm, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp. Để khắc phục sự thiếu hụt về hồ sơ địa chính và tiếp tục cập nhật thông tin biến động về đất đai, Dự án VLAP do Ngân hàng Thế giới tài trợ phối hợp Bộ TN&MT triển khai thực hiện là nền tảng để Việt Nam hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai; giúp các địa phương hoàn thành việc đo đạc hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và tổ chức lại toàn bộ hệ thống quản lý điện tử.
Theo ông Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Bình, Dự án VLAP được thực hiện trên địa bàn thành phố Thái Bình và 4 huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Tiền Hải, Vũ Thư. Đến nay, trên các địa bàn này đã được đo đạc địa chính chính quy với công nghệ hiện đại, được số hóa toàn bộ các thửa đất và các thông tin được cập nhật theo công nghệ mới nhất và đưa vào cơ sở dữ liệu hiện đại phục vụ tốt cho việc truy cập, quản lí cũng như cập nhật thông tin trên internet, làm cho công tác quản lí đất đai, cũng như việc khai thác tài nguyên đất đai được hiệu quả, chính xác và minh bạch. Tính đến hết năm 2014, tỉnh đã triển khai được 25 hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trên tổng số 150 xã, phường, thị trấn của thành phố và 4 huyện. Dự án Vlap đã hoàn thành đo đạc và lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích gần 79.500 ha và trao cho người sử dụng đất được hơn 212.000 sổ đỏ.
Ông Phạm Văn Phương, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Thái Bình cho biết,những kết quả dự án, nhất là việc đo đạc toàn bộ diện tích đất của thành phố và đồng thời cấp sổ đỏ đem lại rất nhiều tiện ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các hộ cá nhân. Bởi khi thực hiện hiện đại hóa quản lý đất đai sẽ hoàn thiện toàn bộ các thửa đất được đo đạc bằng dự liệu số đồng thời các dữ liệu của các thửa đất sẽ được lập, lưu trữ và cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai hiện đại trên internet. Qua đó, cơ quan quản lý sẽ dễ nắm bắt và quản lý tài nguyên này hiệu quả hơn và người dân khi muốn xem xét tra cứu dữ liệu của các địa chỉ nhà đất trên địa bàn sẽ nhanh chóng, thuận tiện và chính xác.
Tuy nhiên, theo ông Phương, quá trình thực hiện dự án có những bất cập trong đo đạc, lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân do khối lượng công việc nhiều, nhiều nhà thầu cùng thực hiện, khi xuống các xã, phường thực hiện thì sự phối hợp giữa các đơn vị và địa phương chưa sâu sắc. Do đó việc đo đạc chưa được chính xác, phải chỉnh sửa nhiều lần mới được nghiệm thu. Đồng thời, việc lập hồ sơ là do đơn vị thi công chỉ chuyên về đo đạc, khi cấp sổ đỏ cho các hộ cá nhân phải lập hồ sơ theo quy định không chuyên nên việc lập hồ sơ chuyển lên các xã, phường, thành phố xét duyệt còn thiếu và phải chuyển trả lại để bổ sung, việc đi lại nhiều lần dẫn đến hiệu quả làm việc chưa cao.
Ông Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Bình cho biết, theo chỉ đạo của Ban quản lí Dự án VLAP cấp trung ương và tỉnh thì Dự án ở Thái Bình phải phấn đấu đến ngày 30/6/2015 là kết thúc dự án trên địa bàn thành phố và 4 huyện. Tiến tới đây còn 3 huyện Thái Thụy, Đông Hưng và Hưng Hà còn khoảng 22 xã nữa chưa có bản đồ đo đạc địa chính chính quy, Sở đang đề nghị được đầu tư tiếp về đo đạc địa chính chính quy theo hệ thống VLAP để đồng bộ hóa các bản đồ. Khi đó toàn bộ hệ thống thông tin về đất đai ở Thái Bình được hiện đại hóa và đáp ứng tốt nhu cầu tốt của người dân cũng như phục vụ đắc lực nhu cầu phát triển của địa phương.
Trường Giang