Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long: Phải tuyệt đối bảo vệ vùng lõi

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 22/01/2015

(TN&MT) - Báo TN&MT ngày 20/1/2015 đăng bài: Nếu cho lấp 400ha mặt nước của Vịnh Hạ Long sẽ “gặm nhấm” dần di sản. Điều này có làm biến dạng vùng vịnh nổi tiếng...
   
(TN&MT) - Báo TN&MT ngày 20/1/2015 đăng bài: Nếu cho lấp 400ha mặt nước của Vịnh Hạ Long sẽ “gặm nhấm” dần di sản. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ làm biến dạng vùng vịnh nổi tiếng này và UNESCO liệu có giữ Vịnh Hạ Long lại “danh sách đen” khuyến nghị bảo tồn hay không?
   
  Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc đã chủ trì trực tiếp cuộc họp báo cáo, đánh giá về vùng lõi, vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và một số việc liên quan khác.
  Theo thông tin từ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, khu vực bảo vệ tuyệt đối của di sản Vịnh Hạ Long có diện tích 434km2, được xác định tại 3 điểm cụ thể: Đảo Đầu Gỗ, Cống Tây và Đầu Bê, các phần giáp ranh còn lại mới chỉ được ước lượng, chưa được xác định rõ ràng.
   
  Khu vực vùng đệm của Di sản cũng đã được xác định cụ thể tại một số điểm, phía Bắc dọc theo quốc lộ 18A, kể từ đường vào đảo Tuần Châu đến km 11 phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả. Các phần giáp ranh còn lại được xác định rộng từ 5 – 7km tính từ đường ranh giới vùng bảo vệ tuyệt đối.
   
  Trên thực tế, tỉnh Quảng Ninh chưa thể phân chia rõ ranh giới của vùng lõi và vùng đệm, tất cả vẫn còn “mơ hồ” hoặc ước lượng qua loa, đây là những khó khăn cho việc xác định ranh giới vùng đệm của Di sản, làm nảy sinh những bất cập trong việc phân cấp quản lý, phát triển KT-XH và thực hiện các dự án trong và xung quanh khu vực bảo vệ của Vịnh Hạ Long.
   
"Viên ngọc quý" cần được nâng niu
   
  Bên cạnh đó, công tác quản lý của các ngành, địa phương chưa bám sát vào các quy định, yêu cầu quản lý di sản trong vùng đệm, đồng thời cũng chưa quy định rõ nhiệm vụ của các ngành, địa phương liên quan trong công tác phối hợp quản lý vùng đệm Di sản nên việc quản lý còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả không cao.
   
  Đại diện Ban Quản lí Vịnh Hạ Long đã đề xuất phương án xác định lại ranh giới các khu vực bảo vệ của Di sản Vịnh Hạ Long, gửi các sở, ngành, địa phương tham gia ý kiến, nhằm làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, đồng thời làm cơ sở quy định cụ thể nhiệm vụ của các ngành, địa phương liên quan trong công tác phối hợp quản lý.
   
  Nhiều năm trở lại đây, UNESCO luôn đưa ra những khuyến nghị đối với công tác quản lý, bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Cụ thể, tại các kỳ họp lần thứ 33, 35, 37, 38 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã đề nghị Việt Nam giải trình những vấn đề làm ảnh hưởng tới giá trị nổi bật toàn cầu của vịnh Hạ Long. Trong đó bao gồm tác động của du lịch, việc nuôi trồng thủy sản bên trong và xung quanh vịnh, tác động của các dự án xây dựng đổ đất lấn biển, việc bảo vệ môi trường...
   
  Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, nhằm nỗ lực thực hiện những cam kết với UNESCO, thời gian qua Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ "viên ngọc quý” mà mình đang sở hữu. Hội đồng di sản quốc gia cũng nhận thấy việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long đã có những tiến bộ đáng kể. Tại cuộc họp mới đây nhất của Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 38 tại Doha (Qatar), công tác bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long đã được ghi nhận là có nhiều chuyển biến. Thế nhưng phải chờ tới cuộc họp Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 39 tổ chức tháng 6/2015, tại TP Bonn - Đức, lúc đó mới có kết luận chính thức về việc Vịnh Hạ Long có được UNESCO đưa ra khỏi danh sách khuyến nghị bảo tồn hay không.
   
Thu ngân sách từ du lịch dần chiếm thế "thượng phong" ở Quảng Ninh
   
  Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Với vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long phải tuyệt đối bảo vệ. Tiến hành điều chỉnh, lập lại hồ sơ, bản đồ về vùng lõi của Di sản cho phù hợp thực tiễn, điều kiện khoa học kỹ thuật hiện nay. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh ranh giới vùng đệm có tính khả thi cao. Việc khai thác Vịnh Hạ Long phải đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Quan điểm chung trong quản lý di sản là phải đổi mới, việc quản lý đề cao tính hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành tách Ban Quản lý Vịnh để chuyên sâu về khâu quản lý nhà nước về di sản, giao doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, khai thác dịch vụ, nguồn thu phí tham quan Vịnh Hạ Long tiến hành nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
   
  Thực tế, những năm qua Quảng Ninh đã làm tốt công tác quản lí Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đảm bảo công tác quản lí, bảo tồn, khai thác tại vùng lõi di sản. Trong đó phải kể tới một số việc làm tích cực trong ngăn chặn việc khai thác đá, cây cảnh, di dời làng chài lên bờ thành công… đây là thành quả lớn trong công tác quản lí, an sinh xã hội và sớm đưa người dân làng chài ổn định cuộc sống, tạo nên bộ mặt tươi mới, sạch đẹp cho Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
   
  Việc quản lý khai thác Vịnh Hạ Long và khuyến nghị của UNESCO đang là một bài học cho nhiều di sản thế giới khác tại Việt Nam. Bởi theo các chuyên gia di sản, không chỉ có Huế, Vịnh Hạ Long mà một số di sản khác như VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, hay Hoàng thành Thăng Long… cũng đang tiềm ẩn nguy cơ bị "tuýt còi” bất cứ lúc nào. Bài học về gìn giữ và phát huy danh hiệu di sản sau vinh danh có lẽ chưa bao giờ là chuyện cũ. Đáng tiếc là một trong những khuyến cáo chung nhất của UNESCO với tất cả những di sản thế giới tại Việt Nam là phải nâng cao năng lực quản lý – lại chưa mấy được chú trọng.
   
Doãn Xuân