Đông Vinh (TP Thanh Hóa): Người dân sống khổ sở gần khu vực khai thác đá

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 26/12/2014

(TN&MT) - Nhiều năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân sống ở thôn Đa Sĩ và thôn Đồng Cao, xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa) luôn phải sống trong lo lắng vì nạn khai thác...
(TN&MT) - Nhiều năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân sống ở thôn Đa Sĩ và thôn Đồng Cao, xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa) luôn phải sống trong lo lắng vì nạn khai thác đá. Tại đây xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, bụi bay mù mịt, nhà cửa rung chuyển, tường nhà rạn nứt, đường xá xuống cấp nặng nề, nhưng không được cơ quan chức năng xử lý triệt để, khiến nhân dân bất bình.
   
Khai thác đá hành dân...
   
  Tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết các hộ dân sống gần khu vực khai thác đá cho biết: “Đã nhiều năm qua, người dân chúng tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mỗi ngày có tới hàng trăm chiếc xe có trọng tải lớn nhỏ nối đuôi nhau đến khu vực lấy đá cày nát các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, bụi đá bay mù mịt cả một vùng trời, rơi và bám vào cây cối, hoa màu. Nhà cửa của người dân sống quanh khu vực khai thác một màu trắng lốp. Mỗi khi trời mưa xuống bà con khổ sở với những dòng nước đục lờ lờ. Ngoài ra, nạn nổ mìn không có giờ giấc làm nhà cửa rung chuyển rạn nứt như muốn đổ sập, những viên đá lớn nhỏ bay khắp ruộng đồng  nên nông dân đành bỏ hoang không làm được gì. Tình trạng ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân nơi đây”.
   
  Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở thôn Đa Sĩ buồn rầu chia sẻ: “Chúng tôi sống gần khu vực khai thác đá này khổ lắm. Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng vì tại khu vực chế biến xay nghiền đá đều không có bể lắng lọc mà chảy tràn lan khắp nơi ngấm xuống lòng đất”.
   
Đường sá bị xuống cấp nặng nề
           
  Theo quan sát của PV, khu vực núi Vức, xã Đông Vinh đang trở thành một đại công trường khai thác, chế biến vô tội vạ. Tiếng máy kêu ầm ầm nghe đinh tai nhức óc, khói bụi bay mù mịt, đá bắn khắp nơi, vương vãi khắp ruộng đồng, những thửa ruộng gần khu vực khai thác đá đều bỏ hoang. Tại khu vực khai thác chế biến đá có công ty CP Tân Thành, Công ty XD dân dụng và CT giao thông, HTX sản xuất VLXD Đông Vinh, DN Hải Lộc Thắng, tất cả những đơn vị này đều không có trang bị bảo hộ lao động cho công nhân.
   
  Đặc biệt tại khu xay nghiền đá không có máy phun nước bụi bay mù mịt cả một vùng trời gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.  Cùng với đó là cảnh tượng hàng chục dây chuyền đá xẻ đá mài đang hoạt động hết công suất, không hề có bể lắng lọc, chảy tràn lan ra ruộng đồng. Phía dưới chân núi có những điểm bị nổ mìn đánh sập tạo thành hàm ếch với những tảng đá chênh vênh bị mất chân trên cao có thể rơi bất cứ lúc nào, ẩn họa tai nạn lao động luôn rình rập. Cũng trong năm 2014, tại núi Vức đã có 4 người chết vì khai thác đá. 
   
  Tại những tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã đang “oằn mình” biến dạng và xuống cấp một cách trầm trọng bởi hàng trăm chiếc xe chở đá trọng tải lớn cày nát tạo thành những hố sâu hoắm giữa lòng đường rất nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.
   
Chính quyền bất lực?
   
  Đi dọc tuyến đường giao thông liên thôn Đa Sĩ và Đồng Cao có 2 cơ sở chế biến đá tự phát mọc lên giữa khu dân cư của hộ gia đình bà Hoàng Ngọc Loan và bà Lê Thị Hồng. Hai cơ sở này tất cả công nhân đều không có bảo hộ lao động, không xây bể lắng lọc, không có cam kết bảo vệ môi trường, bột đá được thải thẳng xuống sông Nhà Lê. Đặc biệt, hai cơ sở này hoạt động cả ngày lẫn đêm, tiếng máy chạy inh ỏi, bụi bay mù mịt khắp thôn xóm.
   
  Trao đổi với PV vấn đề này, Ông Đào Mạnh Lai, Chủ tịch UBND xã Đông Vinh (TP.Thanh Hóa) cho biết: “Xác định đây là khu làng nghề thì xã cũng có lợi nhưng cũng có hại vì ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường, khói bụi và bệnh tật, nhà cửa rạn nứt đó là điều không thể tránh khỏi với bà con nơi đây. UBND xã cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương để khai thác tốt hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Về 2 cơ sở chế biến đá tự phát trong khu dân cư, UBND xã đã có văn bản chỉ đạo 2 cơ sở này đến hết năm 2014 chuyển hoạt động chế biến vào khu làng nghề”.
   
Hồ chứa nước của Cơ sở chế biến đá gây ô nhiễm môi trường
   
  Ông Lai cho biết thêm: “Hàng năm xã cũng đã tu sửa hàng trăm triệu vào các tuyến đường, nhưng chỉ được vài ngày sau đó lại bị xuống cấp nặng nề, bởi các loại xe từ 3 đến 4 chục tấn quá tải cày nát tuyến đường, phạm vi quyền hạn của xã chỉ có thể nhắc nhở chứ không được xử phạt. Trong cuộc họp hội đồng, UBND xã đã tham gia ý kiến cử tri tại HĐND tỉnh về việc cần tu sửa các tuyến đường, ngăn chặn các loại xe quá khổ, quá tải gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống trong nhân dân, nhưng đến nay cũng chưa giải quyết được gì (?)”.
   
  Trước tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng ở xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa), rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Sở, ban ngành chức năng vào cuộc một cách nhanh chóng kiểm tra làm rõ xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình sai phạm, để người dân nơi đây ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất.
   
Bài và ảnh:Thu Thủy – Thanh Tâm