Quản lý tổng hợp vùng bờ dựa vào cộng đồng dân cư ven biển

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 25/12/2014

(TN&MT) - Việt Nam đang ưu tiên quản lý dân số, quản lý sử dụng đới bờ và các chức năng sinh thái của nó, quản lý những tác động ảnh hưởng đến con người và quản...
(TN&MT) - Cũng như các quốc gia khác ở Đông Nam Á, trong quá trình QLTHĐB, Việt Nam đang tập trung ưu tiên quản lý 4 vấn đề. Đó là: Quản lý dân số, quản lý sử dụng đới bờ và các chức năng sinh thái của nó, quản lý những tác động ảnh hưởng đến con người và quản lý hành chính. Tuy nhiên, việc ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nào vẫn còn là một vấn đề khó khăn khi áp lực lên vùng bờ ngày một tăng do di dân tự do.
   
  Theo dự báo, trong vòng 20 năm tới, hơn 35% dân số của Việt Nam sẽ tập trung ở vùng ven bờ. Nguyên nhân là do xu thế chung của các quốc gia đang phát triển, liên quan vấn đề di dân từ nông thôn ra thành phố, thứ hai là di dân từ nội địa ra ven bờ nơi có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội nghỉ ngơi hơn các vùng nội địa. Quản lý bùng nổ đô thị hoá đới bờ là một trong nhưng nhiệm vụ khó khăn nhất của quy hoạch hiện nay. Việt Nam sử dụng đới bờ theo các hướng: Sử dụng các tài nguyên, nguồn lợi như mặt đất, mặt nước, nghề cá, nghề rừng, khai thác dầu khí, khai khoáng…; sử dụng cơ sở hạ tầng phát triển giao thông hàng hải, cảng biển, công trình bảo vệ đới bờ, công trình phòng thủ quốc gia; phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, sử dụng các chức năng sinh thái của đới bờ để phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai, bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên... Những lĩnh vực khai thác, sử dụng đới bờ truyền thống và phổ biến hiện nay đều có tiềm năng mâu thuẫn với nhau và gây nguy hại cho tài nguyên môi trường và các vấn đề xã hội ở đới bờ.
   
  Quản lý những tác hại đến khả năng sử dụng đới bờ của con người như vấn đề khai thác quá mức, vấn đề thải các chất thải, các nguy cơ ô nhiễm… Bước đầu tính toán ở Việt Nam cho thấy, để tạo ra 1 tỷ đồng sử dụng cuối cùng, các họat động kinh tế thải ra môi trường nước 3,1 tấn BOD5; 5,9 tấn vật chất lơ lửng; 2 kg nitơ tổng số; 0,45 kg phốt pho tổng số; thải ra không khí 2,9 tấn CO2 và thải ra đất 44,4 tấn chất thải rắn... Các nguy cơ thiên tai ven bờ như lũ lụt, bão tố, xói lở, triều cường, nước dâng và những biến động do khí hậu thay đổi toàn cầu… thường xuyên đe dọa. Đây là vấn đề khó quản lý vì từ xưa nay chưa thấy ai chi trả cho “các hoạt động quản lý thiên tai, đền bù những thiệt hại do thiên tai…
   
   
  Cuối cùng là quản lý hành chính, là các vấn đề thể chế. Nó bao gồm các vấn đề nảy sinh từ các hoạt động như những mâu thuẫn về mặt luật pháp; thống nhất, phối hợp nhiều thành phần; hợp tác giữa các quốc gia; năng lực tổ chức; nhận thức, tham gia của cộng đồng; mạng lưới luật pháp; sở hữu đất đai, mặt nước; thiếu khả năng quy hoạch đa ngành; xung đột giữa các thành phần; thiếu sinh kế để lựa chọn và tính công bằng.
   
  Kinh nghiệm của nhiều quốc gia, phần lớn các vấn đề quản lý ven bờ có thể được xác định thông qua các cuộc họp tư vấn thích hợp với các cộng đồng, với các sở, ban ngành ở địa phương và một số tổ chức phi chính phủ có liên quan. Ở đây, cần nhấn mạnh không phải tất cả các vấn đề cần quản lý đều có thể giải quyết được ngay mà đòi hỏi phải có nhiều thời gian.
   
  Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi thu thập và xử lý thông tin để xác định và đặt thứ tự ưu tiên cho các vấn đề quan trọng, đặc biệt khi xem xét các vấn đề như các mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, nhu cầu của dân chúng về hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong vùng đới bờ.
   
  Cũng như phần lớn các Chính phủ trên khắp thế giới, Nhà nước Việt Nam đã thừa hưởng những cấu trúc hành chính phản ánh mục tiêu quản lý theo từng ngành riêng rẽ. Các hệ thống quản lý dựa trên lợi ích của ngành, chỉ có sự tham gia của một cấp Chính phủ và không có sự tham gia thực chất với đầy đủ ý nghĩa của cộng đồng địa phương và những người, những thành phần có liên quan khác, thì không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Mô hình quản lý riêng, đơn ngành thường kéo theo sự trì trệ, sự xung đột lợi ích giữa các thành phần kinh tế, xã hội khác nhau.
   
  Chính vì vậy, thông qua kinh nghiệm triển khai hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ của nhiều địa phương trong cả nước, mô hình QLTHĐB nhằm tập trung quản lý vào một cơ quan nhất định, sắp xếp, cải cách thể chế và tổ chức để tạo mọi điều kiện cho việc thực hiện các hoạt động quản lý; khuyến khích sự tham gia của dân chúng vào việc làm thay đổi hành vi và nhận thức của con người, thực hiện các công cụ chính sách, các điều luật và động cơ theo cơ chế thị trường và có sự đầu tư trực tiếp của Chính phủ là giải pháp cơ bản, phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam.
   
Minh Thái