Vườn quốc gia Xuân Thủy: Quản lý bền vững tài nguyên đất ngập nước

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 11/12/2014

(TN&MT) - Tháng 1/1989, UNESCO đã chính thức công nhận Khu bảo tồn Xuân Thuỷ trở thành khu RAMSAR thứ 50 của thế giới.
(TN&MT) - Với phương pháp tiếp cận trong quản lý là dựa vào cộng đồng, khuyến khích sự tham gia vào quá trình bảo tồn và phát triển, Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thiện, Giao Thủy, Nam Định) đã đạt được những thành quả quan trọng trong việc quản lý bền vững tài nguyên Đất ngập nước của khu vực.
  
Giá trị nguyên bản vùng đất ngập nước
  
 Vườn Quốc gia Xuân Thủy là nơi tiêu biểu cho nền văn hóa mở đất của người dân đồng bằng châu thổ sông Hồng với truyền thống canh tác lúa lấn cói, cói lấn vẹt, vẹt lấn biển... Trải qua nhiều thế kỷ, cộng đồng địa phương đã tạo nên những làng quê trù phú. Các mô hình sinh thái: VAC, nuôi trồng thủy sản kết hợp với nghề trồng rừng và nghề cá và những công trình kiến trúc chùa chiền, nhà thờ... đã tạo nên bức tranh sinh động của vùng quê ở cửa sông, ven biển.

 Tháng 1/1989, UNESCO đã chính thức công nhận Khu bảo tồn Xuân Thuỷ trở thành khu RAMSAR thứ 50 của thế giới, đây là khu đầu tiên của Đông Nam Á và duy nhất của Việt Nam. Vườn quốc gia Xuân Thuỷ hiện đang lưu giữ những giá trị sinh thái quý hiếm, như rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha.
  
  
Vườn Quốc gia Xuân Thủy hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn -  Ảnh: H.Minh

 Điều gốc rễ tạo ra sức hút, giá trị của Vườn Quốc gia Xuân Thủy đó là giữ được giá trị nguyên bản của một khu Ramsar - vùng đất ngập nước có tầm quan trọng, đồng thời là khu bảo tồn sinh quyển tầm cỡ thế giới. Tại đây ghi nhận 120 loài thực vật bậc cao, 107 loài cá, 500 loài thủy sinh, hơn 100 loài thú...  Đặc biệt vào mùa di cư, đây là điểm dừng chân của hơn 220 loài chim với số lượng trên 40 nghìn con. Trong đó có tới 11 loài quý hiếm đã được ghi vào Sách đỏ thế giới như: giang sen, bồ nông, cò mỏ ngắn, choắt mỏ vàng, giẽ mỏ thìa, mòng bể...

 Trên vùng đất ngập mặn này, dưới làn nước thủy triều có khoảng 165 loài động vật nổi và 154 loài động vật đáy, tổng cộng khoảng 500 loài động vật. Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo hấp dẫn khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt là vào mùa đông - mùa chim di trú từ phương Bắc.

Nhân lên những mô hình bền vững

 Phần lớn người dân tại các xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng và nguồn tài nguyên thủy hải sản. Trong mấy năm trở lại đây, cùng với tác động của  biến đổi của khí hậu, hoạt động khai thác thiếu bền vững của người dân đã và đang từng bước làm suy giảm nguồn tài nguyên này.

 Để giải quyết vấn đề phát triển sinh thái và quyền lợi của người dân bản địa, các cán bộ của Vườn đã giúp cho người dân địa phương tăng thu nhập bằng các sinh kế mới như: VAC, làm nấm, nuôi ong, làm du lịch sinh thái cộng đồng… qua đó từng bước giảm được gánh nặng về khai thác tới nguồn tài nguyên nơi đây.

 Ông Ngô Văn Chiều, Cán bộ quản lý Tài nguyên & Môi trường của Vườn cho biết, Ban Quản lý Vườn thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm thường xuyên làm công tác tuần tra bảo vệ rừng và ngăn chặn các hoạt động trái phép như săn bẫy chim hoang dã, khai thác củi, khai thác thủy sản không đúng quy định, kể cả việc xả rác, nhổ cây, bè cảnh của du khách.

 Ngoài ra các nhân viên của Vườn còn phải đến tận các xã vùng đệm để tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân địa phương trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các loài chim di trú hoang dã. Nhờ đó, những năm qua, không còn tình trạng săn bắt trái phép và hủy hoại nguồn tài nguyên thủy hải sản.

 Nổi bật trong các hoạt động hỗ trợ của Vườn phải kể đến hoạt động quản lý rác thải rắn của cộng đồng xã Giao An. Thông qua các hoạt động thiết thực như: đào tạo phân loại rác tại nguồn, trang bị dụng cụ thu gom, hình thành quy chế và tổ thu gom và tổ chức tham quan học tập ở Thái Lan cho các cán bộ nòng cốt của Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên xã. Từ hoạt động này đã thúc đẩy mạnh mẽ ý thức và sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là và tạo tiền đề cho Dự án Vùng đệm của Chính phủ đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu xử lý rác thải.

 Ở cấp độ cộng đồng, người dân đã chú ý hơn tới công tác “phân loại và xử lý rác thải rắn tại nguồn”. Rác sẽ được phân loại, sau đó áp dụng tổng thể các biện giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và tiết kiệm ngay tại gia đình. Những loại rác buộc phải xả thải sẽ được tổ thu gom chuyển tới bãi rác của địa phương xử lý.

 Đến nay, Giao An đã đạt được những kết quả thiết thực. Hầu hết các lòng sông đã vắng bóng rác, đường làng thông thoáng sạch sẽ. Dựa trên những kinh nghiệm đã có, cộng đồng Giao An đã và đang hỗ trợ các xã còn lại trong vùng đệm triển khai Chương trình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Với quyết tâm cao của người dân và chính quyền địa phương, Chương trình đang gặt hái được những thành công, mang lại môi trường trong lành hơn cho khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Phương Anh