Trung tâm Biên giới và Địa giới: Vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/12/2014
(TN&MT) - -Gần 40 năm qua, Trung tâm Biên giới và Địa giới đã không ngừng lớn mạnh.Năm 2013 TTBGĐG đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc...
(TN&MT) -Gần 40 năm qua, Trung tâm Biên giới và Địa giới (TTBGĐG) (Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã không ngừng lớn mạnh, đạt được nhiều thành tích trên các mặt công tác, thể hiện vai trò kỹ thuật quan trọng trong việc giữ gìn biên giới quốc gia. Nỗ lực ấy được ghi nhận bằng việc năm 2013 TTBGĐG đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba.
Nỗ lực giữ từng tấc đất của Tổ quốc
Kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc năm 1975, Việt Nam và Lào đã có bước đi đầu tiên trong việc giải quyết biên giới giữa hai nước bằng việc ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia vào ngày 18/7/1977. Đính kèm Hiệp ước là bộ bản đồ Bonne 1/100 000 do Pháp thành lập vào năm 1945 khi hai nước Việt Nam - Lào dành được độc lập nên mang tính khách quan về đường biên giới thể hiện trên bản đồ.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm
cùng lãnh đạo Cục ĐĐBĐ Việt Nam tại Lễ khánh thành cột mốc 460 biên giới Việt – Lào
Để triển khai phân giới cắm mốc trên thực địa, Trung tâm Biên giới và Địa giới đã huy động hàng trăm cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm tham gia. Sau 8 năm, hai bên đã cắm được 214 mốc, phân giới được hơn 2.000/2.067 km đường biên giới. Ngày 24/8/1984 hai bên đã ký kết Nghị định thư phân giới cắm mốc trên thực địa, kết thúc giai đoạn đầu của tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Từ năm 1998 - 2003 Trung tâm Địa giới quốc gia đã phối hợp với Cục Bản đồ quốc gia Lào và Cục biên giới quốc gia Lào đo vẽ được 63 mảnh bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50 000 và khảo sát giải quyết 20 khu vực biên giới còn tồn đọng sau phân giới cắm mốc trước đây để hoàn chỉnh đường biên giới trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào.
Năm 2006, Trung tâm đã thống nhất với Lào và Trung Quốc xác định vị trí và cắm mốc ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc trên thực địa, thành lập mảnh bản đồ giao điểm đường biên giới ba nước tỷ lệ 1/50 000 để đính kèm Hiệp ước. Năm 2007 đã thống nhất với Lào và Campuchia xác định và cắm mốc ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Ngày 5/9/2008 tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Đen Sa Vẳn, hai bên tổ chức lễ khánh thành mốc đôi 605. Đây là cột mốc đầu tiên khởi đầu cho công tác tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam – Lào. Để tổ chức thực hiện Trung tâm Biên giới và Địa giới đã bố trí gần 60 cán bộ kỹ thuật phối hợp với kỹ thuật phía Lào triển khai đồng loạt trên 10 tỉnh, đến nay hai bên đã cắm được 834 mốc biên giới và 169 cọc dấu biên giới. Năm 2013, Trung tâm Biên giới và Địa giới được Bộ TN&MT ghi nhận việc hoàn thành công tác cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa là 1/10 sự kiện của ngành TN&MT. Năm 2015 hai bên sẽ hoàn thành công tác tăng dày mốc và ký kết Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quan lý biên giới và quy chế quản lý cửa khẩu, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho công tác bảo vệ và quản lý biên giới hai nước.
Xác định vị trí mốc 313 biên giới Việt nam – Campuchia
Trong việc PGCM tuyến Việt Nam và Campuchia (năm 1985), cán bộ kỹ thuật của TTBGĐG đã đi thực địa tại các tỉnh Kon Tum, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tây Ninh, Long An, An Giang và Kiên Giang. Đến nay đã xác định được 237 vị trí tương ứng với 287 mốc trong đó đã xây dựng 231 vị trí tương ứng với 280 mốc, còn lại 77 vị trí tương ứng với 85 mốc; Phân giới được khoảng 858 km, quy thuộc được 97 cồn bãi (trong đó Việt Nam 39 cồn bãi, Campuchia 58 cồn bãi); Thống nhất toạ độ, độ cao được 268 mốc, 452 cọc dấu và 51 tâm cồn bãi.
Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, ngày 30/12/1999 hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới trên bộ; đính kèm Hiệp ước này là bộ bản đồ tỷ lệ 1/50 000 gồm 34 mảnh.
Sau khi có Hiệp ước, hai bên tập trung xây dựng các văn bản quy định về PGCM, thống nhất vị trí mốc trên bản đồ và tổ chức triển khai PGCM trên thực địa. Việc PGCM được triển khai đồng loạt trên toàn tuyến với 12 nhóm phân giới cắm mốc thuộc 6 tỉnh; lực lượng kỹ thuật được điều về triển khai tại các nhóm hơn 60 người. Sau khi hoàn thành PGCM trên thực địa, hai bên đã ký kết Nghị định thư cắm mốc trên thực địa vào năm 2009. Hiện Trung tâm đã hoàn thiện việc tổ chức thực hiện Hiệp định về Nghị định thư phân giới, cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về qua lại cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Khảo sát mốc cũ 0 - 4 biên giới Việt Nam – Lào
Đối với các tuyến biên giới trên biển được thực hiện song song với biên giới trên đất liền. Năm 1977 Việt Nam đã tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ngày 12/11/1982 Việt Nam đã tuyên bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải gồm 12 điểm được kéo dài từ điểm 0 (trung tuyến đảo Wai và hòn Nhạn) tới đảo Cồn Cỏ.
Ngày 7/7/1982 Việt Nam đã ký hiệp định về vùng nước lịch sử trong vịnh Thái Lan với Campuchia nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam và Campuchia trong vùng Vịnh Thái Lan, tạo điều kiện cho việc thông thương qua lại, ổn định an ninh quốc phòng và khai thác hải sản trong vùng vịnh. Do Việt Nam và Malaysia chưa giải quyết dứt điểm được ranh giới thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nên hai bên đã ký thỏa thuận thăm dò khai thác dầu khí trong vùng biển chồng lấn vào ngày 5/6/1992; việc phân định ranh giới sẽ tiến hành khi có điều kiện thích hợp. Sau gần 10 năm đàm phán, ngày 9/8/1997 Việt Nam đã ký Hiệp định phân định ranh giới trên biển với Thái Lan. Đây là Hiệp định đầu tiên mà Việt Nam ký kết phân chia ranh giới trên biển. Ngày 25/12/2000 Việt Nam ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ. Ngày 26/6/2003 Việt Nam đã ký Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa với Inđônêsia, kết thúc 26 năm đàm phán giải quyết đường ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Inđônêsia.
Những thành tích đạt được thể hiện sự cố gắng, là niềm vinh dự của cán bộ viên chức trong đơn vị. Những hy sinh mất mát của anh em tham gia PGCM là không nhỏ, bệnh tật ốm đau do sốt rét, do khí hậu, do môi trường độc hại, đặc biệt là tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Bắc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. Song vượt lên tất cả những khó khăn, những cán bộ được ví như “mình đồng gan sắt” ấy vẫn không quản ngại khó khăn, nỗ lực giữ từng tấc đất của Tổ quốc.
Đầu tư cho công nghệ thúc đẩy sự thành công của công tác PGCM
Do tính chất công việc là làm trực tiếp với các chuyên gia kỹ thuật và pháp lý của các nước láng giềng nên cán bộ PGCM phải hội tụ đủ các yếu tố: giỏi về kỹ thuật, hiểu pháp luật và luật pháp quốc tế và biết ngoại giao. Bên cạnh đó, thiết bị máy móc là công cụ không thể thiếu để họ hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao.
Nhận thức rõ điều đó, nên việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác biên giới đã được Trung tâm ưu tiên hàng đầu. Từ những năm 80 việc tính toán phân chia đường biên giới trên biển phải dựa vào Hải đồ của nước ngoài để kẻ vẽ tính toán các phương án, tọa độ không đảm bảo chính xác. Trước thực tế đó, đơn vị đã xây dựng phần mềm giải các bài toán trắc địa trên biển và qua ứng dụng cho thấy, đây là phần mềm đảm bảo độ chính xác và có nhiều tiện ích. Và đó cũng là cơ sở để đơn vị xử lý việc tính toán phân chia đường biên giới trên biển với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ, với Thái Lan, Indonesia, Malaysia và các nước khác trên biển.
Xác định vị trí mốc 597 biên giới Việt nam – Lào
Trung tâm cũng đã đưa công nghệ và thiết bị định vị vệ tinh vào việc xây dựng lưới GPS khu vực biên giới Việt - Lào (1996), đo mốc Việt - Lào (1997-1998), đo lưới khống chế biên giới Việt - Trung năm 2000… Năm 1997, TTBGĐG là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc áp dụng công nghệ thành lập bản đồ số để đo vẽ bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào, sau đó áp dụng rộng rãi để thành lập bản đồ biên giới cho các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến đã nâng cao độ chính xác, tiết kiệm thời gian công sức, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng sản phẩm; đặc biệt là nâng cao uy tín về trình độ chuyên môn kỹ thuật của Việt Nam đối với các nước láng giềng.
Việc giải quyết đường biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển đối với các nước láng giềng là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, nó mang một ý nghĩa chính trị rất to lớn trong việc phân định rõ ràng đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam với các nước láng giềng, nhằm ổn định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đảm bảo an ninh quốc phòng trên khu vực biên giới, tăng cường sự hợp tác phát triển về nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Gần 40 năm thực hiện công tác biên giới lãnh thổ, đội ngũ kỹ thuật của TTBGĐG đã trưởng thành không ngừng, thể hiện được vai trò nòng cốt trong công tác biên giới lãnh thổ, với nghiệp vụ chuyên môn vững vàng, trang thiết bị máy móc hiện đại ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực. Trung tâm Biên giới và Địa giới đã hoàn thành tốt công tác công tác kỹ thuật phục vụ đàm phán, hoạch định và phân giới đường biên giới quốc gia trên đất liền, phân định ranh giới thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế trên biển, góp phần đắc lực trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và xây dựng Tổ quốc XHCN.
Với những nỗ lực ấy, cán bộ TTBGĐG đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương lao động hạng Nhất và hạng Ba, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ tặng đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua... 9 huân chương lao động hạng Ba cho cá nhân, 23 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 76 Bằng khen của các bộ ngành và các tỉnh. Những đóng góp của cán bộ TTBGĐG đã góp phần vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện đường biên giới quốc gia.
Lê Sỹ Cường - Giám đốc Trung tâm Biên giới và Địa giới